Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ duy trì song song với sân bay Long Thành
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 22:35, 02/10/2018
Chiều 1/10, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức buổi công bố điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Bổ sung nhà ga T3 công suất 20 triệu khách
Theo nội dung quy hoạch điều chỉnh Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ Giao thông vận tải, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là sân bay cấp 4E và sân bay quân sự cấp I, tuy nhiên tính chất sử dụng sẽ là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.
Về quy mô, tổng diện tích đất theo quy hoạch điều chỉnh là 791 ha, không bao gồm diện tích đất quốc phòng quản lý trực tiếp. Trong đó, diện tích đất Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện hữu là 545,1 ha; đất quốc phòng tạm bàn giao làm sân đỗ là 19,79 ha; đất quốc phòng liên danh với hàng không dân dụng là 18,8 ha; diện tích đất quy hoạch bổ sung phía Nam là 35,66 ha và diện tích đất quy hoạch bổ sung phía Bắc là 171,65 ha.
Đối với quy hoạch khu phục vụ mặt đất, hai nhà khách T1 và T2 hiện nay sẽ được cải tạo, mở rộng để đạt công suất 30 triệu lượt hành khách/năm. Bổ sung nhà ga T3 ở phía Nam đáp ứng khoảng 20 triệu hành khách/năm. Như vậy, sau khi hoàn thành, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ có sản lượng vận chuyển hành khách đạt 50 triệu khách/năm, vận chuyển khoảng 0,8 đến 1 triệu tấn hàng mỗi năm, khai thác được tất cả các loại máy bay hiện nay.
Quy hoạch mới sẽ giữ nguyên 2 đường cất hạ cánh hiện nay (đường cất hạ cánh 25R/07L, kích thước 3.050m x 45m và 25L/07R, kích thước 3.800 x 45m. Tuy nhiên, khi có nhu cầu xây dựng đường lăn vòng cho máy bay code C, sẽ tiến hành nghiên cứu phương án dịch chuyển đường cất hạ cánh 25L/07R về phía Đông.
Đồng thời bổ sung 3 đường lăn song song, 5 đường lăn thoát nhanh, và các đường lăn nối từ đường cất hạ cánh vào đường lăn song song và từ đường lăn song song vào sân đỗ máy bay khu vực phía Bắc và phía Nam. Hệ thống sân đỗ cũng sẽ bổ sung thêm 56 vị trí phía trước nhà ga hành khách T3 và phía Tây Nam, nâng tổng số vị trí đỗ máy bay lên 106 vị trí.
Về quy hoạch khu bay và thông tin dẫn đường, đài kiểm soát không lưu sẽ vẫn tiếp tục sử dụng đài kiểm soát hiện hữu, tuy nhiên sẽ di chuyển đài dẫn đường VOR từ vị trí hiện tại đến vị trí mới cách đó 550m. Bên cạnh đó sẽ sang bị hệ thống tiếp cận chính xác cho hệ thống thiết bị hạ cánh, trang bị các hệ thống đèn tiếp cận và các thiết bị hỗ trợ khác.
Đáng chú ý, để đảm bảo giao thông ra vào Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thuận lợi, ngoài tuyến đường Trường Sơn hiện nay, sẽ quy hoạch tuyến đường trục nối đường từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa với quy mô 4 đến 6 làn xe; mở rộng đường Hoàng Hoa Thám và đường Thân Nhân Trung với quy mô 4 làn xe; mở rộng đường 18E quy mo 4 đến 6 làn xe; nghiên cứu bổ sung cầu vượt trên cao từ đường Phan Thúc Duyệt qua đường Trần Quốc Hoàn, Thăng Long đến khu vực sân bong Chảo Lửa để kết nối giao thông từ trung tâm TPHCM đến ga hành khách T3…
Đồng thời bổ sung hệ thống đường công vụ khu vực phía Bắc sân bay; xây thêm các tuyến đường nội bộ kết nối với đường trục phía ngoài với khu nhà ga T3; bổ xung sân đỗ ô tô nhiều tầng phục vụ nhà ga hành khách T3.
Ngoài ra, bản quy hoạch cũng đề cập đến nhiều hạng mục khác, cần bổ sung như Trạm khẩn nguy cứu hỏa; Trạm xe ngoại trường gần nhà ga T3; một số bãi tập kết phương tiện mặt đất; các hệ thống điện, nước, thoát nước; khu cấp nhiên liệu; khu chế biến suất ăn và các trạm sửa chữa máy bay thân lớn…
Nhiều hạng mục được đề nghị ưu tiên triển khai sớm
Thừa nhận lộ trình triển khai phụ thuộc nhiều vào tình hình quản lý, sử dụng đất quốc phòng, mức độ thuận lợi trong giải phóng mặt bằng… nhưng trong bản quy hoạch điều chỉnh, Bộ Giao thông vận tải cũng nêu ra một loạt hạng mục cần ưu tiên triển khai sớm.
Cụ thể, đối với các công trình khu vực phía Nam, Bộ này đề xuất ưu tiên triển khai ngay nhà ga hành khách T3, sân đỗ, đường giao thông và các công trình phụ trợ trên diện tích đất được Bộ Quốc phòng thống nhất bàn giao để nhanh chóng kéo giảm ùn tắc giao thông.
Với các công trình khu vực phía Bắc, ưu tiên đầu tư ngay hồ chứa nước và trạm bơm cưỡng bức trên diện tích được Bộ Quốc phòng thống nhất bàn giao để xử lý tình trạng ngập úng hiện nay.
Đặc biệt, với hệ thống đường trục ra vào Cảng, cần triển khai ngay sau khi điều chỉnh quy hoạch chi tiết được phê duyệt, phù hợp với quy hoạch giao thông của TPHCM. Bên cạnh đó, cũng cần ưu tiên đầu tư nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn; kêu gọi xã hội hóa đầu tư, triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng để đầu tư các công trình dịch vụ kỹ thuật khác.
Phát biểu tại buổi công bố quy hoạch điều chỉnh, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ giao Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp tốt với các cơ quan, địa phương liên quan trong việc quản lý, cập nhật chi tiết vào quy hoạch địa phương. Đồng thời cần tham mưu kịp thời với Bộ Giao thông vận tải để làm việc với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan về các thủ tục, kế hoạch triển khai để đẩy nhanh việc thực hiện quy hoạch.
Ông Lê Đình Thọ cũng khảng định Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ được duy trì song song với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, do đó việc điều chỉnh quy hoạch không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt, để giảm ùn tắc giao thông cho TPHCM hiện nay mà còn phải đảm bảo khai thác Cảng một cách hiệu quả, bền vững.