Agribank và những khát vọng lớn cho nền nông nghiệp nước nhà

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 13:20, 27/08/2018

(TN&MT) - Agribank nói chung và Agribank Kon Tum nói riêng luôn là địa chỉ tin cậy và chắc chắn cho tất cả các doanh nghiệp hay cá nhân muốn đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn... Dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Agribank luôn chiếm trên 70% tổng dư nợ, và đối với Agribank Kon Tum thì dư nợ cho vay lĩnh vực này chiếm trên 90%.

 Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, Agribank Kon Tum cho vay phát triển nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với 02 công ty BioPhap và công ty TNHH Nông nghiệp Xanh Măng Đen với dư nợ trên 12 tỷ đồng. Đây là những đơn vị tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn quốc tế và trong nước.

Nuôi dưỡng khát vọng phát triển nông nghiệp hữu cơ...

 Nông nghiệp hữu cơ là xu thế phát triển tất yếu hiện nay, bởi đây là nền nông nghiệp hướng tới cuộc sống xanh, sạch, an toàn với sức khỏe của con người và tôn trọng sự đa dạng sinh học của thiên nhiên. Agribank Kon Tum đã sớm nhận thấy những ưu điểm vượt trội của nông nghiệp hữu cơ đối với sức khỏe con người nói chung và đối với sự phát triển bền vững hệ sinh thái nông nghiệp xanh. Chính vì vậy, khi công ty BioPhap (với người đứng đầu là người phụ nữ giầu khát vọng Huỳnh Đinh Trà Giang) tìm đến Agribank Kon Tum với những giải pháp khả thi trong phát triển nông nghiệp hữu cơ tại địa bàn tỉnh, thì chỉ trong một thời gian ngắn, Agribank Kon Tum đã thực hiện các thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp, đáp ứng tới 70% tổng số vốn mà doanh nghiệp cần.

1
 Chị Huỳnh Đinh Trà Giang bên những cây chanh hữu cơ 

Những cán bộ tín dụng Agribank không ngại đường xa, gập ghềnh, lầy lội của vùng đất đỏ bazan của huyện miền núi sâu xa  Đăk Pne (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) để khảo sát địa hình thực tế của một trong năm nông trại trong dự án nông nghiệp hữu cơ của BioPhap. Chưa hết, hàng tháng, hàng quý, những người cán bộ Agribank luôn đồng hành cùng BioPhap thường xuyên đến tìm hiểu, theo dõi và nghiệm thu những sản phẩm nông nghiệp của vùng đất xa xôi không đường bê tông, không điện, không internet, không sóng điện thoại ấy. Agribank Kon Tum đã đồng hành cùng BioPhap từ ngày đầu mới đặt chân lên vùng đất hoang sơ Đăk Pne cho đến nay nơi đây đã phát triển thành một vùng đất có hệ sinh thái hoàn chỉnh cho phát triển các cây nông nghiệp hữu cơ.

2
Chị Huỳnh Đinh Trà Giang và những cây hồ tiêu được trồng theo phương pháp hữu cơ  

Hướng đến một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững, với hệ sinh thái cân bằng, thân thiện, an toàn... BioPhap hiện tại đã sở hữu 5 nông trại hữu cơ với tổng diện tích hơn 50ha và 120 loại cây được cấp các chứng nhận hữu cơ quốc tế như USDA (Mỹ), JAS (Nhật Bản), AB (Châu Âu). Để được cấp những giấy chứng nhận trên, những nông trại của BioPhap phải vượt qua hàng loạt những tiêu chuẩn hết sức khắt khe của quốc tế.  BioPhap chọn giải pháp trồng xen canh các loại cây ăn trái, hồ tiêu, dược liệu và các cây gia vị để “lấy ngắn nuôi dài”. Bước đầu nông trại BioPhap đã cho thu hoạch những trái mâm xôi vàng đầu tiên, với giá bán 1-2 triệu đồng/kg trên thị trường, hơn 1 tấn bột nghệ hữu cơ, hàng trăm kilogram dược liệu...

 Chia sẻ với chúng tôi, chị Huỳnh Đinh Trà Giang, Tổng giám đốc công ty BioPhap khẳng định: “Tất cả những sản phẩm của BioPhap đều là những sản phẩm sạch, ứng dụng tối đa công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo... vào sản xuất, sản phẩm được truy xuất nguồn gốc rõ ràng khi tới tay người tiêu dùng”. Chị nhấn mạnh: “Nếu không có Agribank đồng hành cùng những ý tưởng táo bạo của bản thân, chắc em không có đủ khả năng và cũng không dám mạo hiểm đầu tư phát triển BioPhap như vậy”...

 Đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

 Theo chân những cán bộ tín dụng cần mẫn của Agribank Kon Tum, chúng tôi đến với công ty TNHH Xanh Măng Đen thuộc địa bàn xã Đắk Long, Huyện Kon Plông, Tỉnh Kon Tum, nơi ứng dụng hiệu quả công nghệ cao, nhà kính, thủy canh... vào trồng trọt.

 Măng Đen là nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm, phù hợp với các cây rau củ ưa khí hậu ôn đới như: cà chua bi, rau cải... Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Măng Đen ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Nhật Bản trong việc chăm sóc cà chua. Cây cà chua cao hơn 2m, được trồng trong những chậu xơ dừa, trong nhà kính, cho thu hoạch sau 3 tháng gieo trồng. Cây cà chua phát triển tốt, đều quả, hoàn toàn có thể ăn ngay tại vườn mà không cần rửa.

3
Những trái cà chua bi ngọt lịm được trồng theo phương pháp công nghệ cao

Từ nguồn vốn vay ban đầu của Agribank Kon Tum, Công ty TNHH Nông nghiệp Xanh Măng Đen đã đầu tư 4 tỷ làm ba nhà kính trên 0,5ha diện tích trồng cà chua sạch, và 10 tấn quả đầu tiên đã được thu hoạch. Sản phẩm cà chua bi của công ty được giới thiệu và bày bán ở Măng Đen và cung ứng nhu cầu cho các siêu thị tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, với mức giá trên 50 nghìn đồng/kg... Công ty cũng đã liên kết với đối tác Nhật Bản chuyển giao công nghệ và cam kết bao tiêu sản phẩm xuất khẩu trong tương lai gần. Hiện tại, công ty tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 6 lao động, với mức thu nhập ổn định.

4
Những cây cà chua bi cao quá đầu người 

Măng Đen từ lâu được biết đến như một điểm du lịch nổi tiếng của Kon Tum với những thung lũng hoang sơ, dãy núi mờ sương, thác nước mềm mại nên thơ... và gần đây là địa điểm lý tưởng để các cá nhân đơn vị xây dựng đại bản doanh cho những khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ... Trên địa bàn KonPlông hiện đã có trên 95 doanh nghiệp đầu tư tại địa phương với tổng vốn hơn 8.600 tỷ đồng, trong đó có 44 dự án rau, hoa quả xứ lạnh, và công ty TNHH Xanh Măng Đen khởi phát từ nguồn vốn Agribank cũng là một trong số đó.

 Và những trăn trở

 Việc phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Kon Tum nói riêng và Việt Nam nói chung còn nhiều khó khăn thách thức: quy trình sản xuất khắt khe, cần thời gian để cải tạo đất, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, chi phí chứng nhận và thủ tục phức tạp, sản phẩm hữu cơ có giá thành cao... Những công ty như BioPhap chỉ là một trong hơn 30 đơn vị sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam, với diện tích chỉ khoảng 76 nghìn ha. Đây là một con số còn khá khiêm tốn. Việc phát triển rộng hơn nữa nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam còn nhiều rào cản.

Song song với đó, việc cho vay phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều vướng mắc. Agribank khẳng định không thiếu vốn cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Agribank dành tới 50.000 tỷ đồng cho vay sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, với lãi suất thấp hơn 0,5%-1,5%/năm so với lãi suất thông thường cùng kỳ hạn.

5
Trụ sở Agribank Kon Tum 

Tuy nhiên cho đến nay, dòng chảy tín dụng vào lĩnh vực này vẫn còn nhiều trở ngại. Nhiều doanh nghiệp chưa có giấy chứng nhận sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch... dẫn đến việc ngân hàng gặp khó khi giải ngân vốn. Các tài sản của các doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao chủ yếu là nhà lưới, nhà kính… song các tài sản này chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu về tài sản nên không đủ điều kiện để thế chấp vay... Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn khá mới mẻ và tiềm ẩn nhiều rủi ro, cũng là một điều khó khi ngân hàng muốn giải ngân cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này... 

Agribank Kon Tum nói riêng và Agribank Việt Nam vẫn đang sẵn sàng chờ đón và nuôi dưỡng những ước mơ khát vọng của những ai muốn dựng xây một nền nông nghiệp Việt Nam xanh, sạch, thân thiện và bền vững...