Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao: Sản phẩm phục vụ cho nền nông nghiệp xanh và bền vững

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 14:52, 23/08/2018

(TN&MT) - Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao không ngừng đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ môi trường, hướng tới và duy trì hiệu quả nền sản xuất xanh, thân thiện môi trường. Tất cả đều hướng tới mục tiêu sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng xanh của nền nông nghiệp Việt Nam.
A1 chuyen de 7 Lam Thao
Các chuyên gia kiểm tra dự án xử lý môi trường của Công ty

Vì nền nông nghiệp xanh

Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao được Liên Xô (cũ) giúp đỡ Việt Nam đầu tư xây dựng tại huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ từ năm 1959, bắt đầu đi vào sản xuất từ năm 1962. Sản phẩm chính là phân bón supe lân phục vụ cho nông nghiệp (100.000 tấn/năm), axít sunfuric (40.000 tấn/năm) phục vụ cho công nghiệp và quốc phòng.

Sau 56 năm sản xuất và phát triển (1962 - 2018), công ty đã nhiều lần đầu tư chiều sâu, đổi mới để mở rộng công suất, hiện đại hóa công nghệ, tăng thêm chủng loại sản phẩm phân bón phục vụ cho nhu cầu nông nghiệp của cả nước.

A2 chuyen de 7
Hệ thống thu gom xử lý, tái sử dụng toàn bộ nước thải sinh hoạt trong Công ty

Không chỉ chú trọng vào sản xuất, công ty còn có ý thức rất sớm về việc bảo vệ môi trường.

Từ năm 1998, công ty đã đầu tư cải tạo công nghệ dây chuyền axít 1, thay thế 6 lò cơ khí BXZ đốt quặng pyrít bằng 1 lò đốt lưu huỳnh sạch với công nghệ, thiết bị của Ba Lan. Đến năm 2003, công ty tiếp tục đầu tư cải tạo dây chuyền sản xuất axít số 2 từ đốt quặng pyrít trong lò tầng sôi sang đốt lưu huỳnh sạch. Sau khi đầu tư hai dự án này đã chấm dứt hoàn toàn việc thải xỉ pyrit (Fe2O3), chất thải rắn công nghiệp ra bãi xỉ của công ty.

Tiếp theo đó, trong hai năm 2006 - 2007, công ty chuyển đổi công nghệ 2 dây chuyền axít 1, axít 2 từ công nghệ tiếp xúc đơn hấp thụ một lần sang tiếp xúc kép hấp thụ 2 lần với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng. Từ đó, khí thải có chứa SO2, SO3 của 2 dây chuyền luôn đạt quy chuẩn môi trường theo quy định. Chưa dừng lại, năm 2008, công ty tiếp tục thực hiện Dự án cải tạo, xây dựng hệ thống cung cấp nước sản xuất và xử lý tuần hoàn nước thải 1.900 m3/giờ, với tổng kinh phí 47 tỷ đồng; đã xử lý và tuần hoàn quay trở lại sản xuất được 98,5% tổng lượng nước thải. Đồng thời, công ty nghiên cứu và áp dụng vào thực tế sản xuất đề tài khoa học kỹ thuật, chuyển đổi công nghệ sản xuất supe lân từ quặng apatít tuyển ẩm (18¸20% H2O) sấy khô sang công nghệ dùng trực tiếp 100% quặng tuyển ẩm không sấy tại dây chuyền supe số 2. Hàng năm, công ty tiết kiệm được khoảng 5.000 tấn than/năm; tiết kiệm điện năng khoảng 2,4 triệu kwh/năm; giảm thiểu ô nhiễm môi trường về bụi do không phải vận hành bộ phận sấy nghiền; giảm lượng phát thải khí CO2.

Tiếp tục các hoạt động đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, trong 2 năm 2010 - 2012, công ty đã nghiên cứu công nghệ và thực hiện Dự án đầu tư cải tạo dây truyền supe số 1 sang sản xuất supe đơn theo phương pháp nghiền ướt, thay thế cho công nghệ sấy khô, với tổng mức đầu tư 59,2 tỷ đồng. Dự án sản xuất ổn định từ năm 2013 đến nay, tiết kiệm được 4.000 tấn than/năm, tiết kiệm điện năng khoảng 2 triệu kwh/năm, đồng thời, giảm thiểu ô nhiễm môi trường về bụi và phát thải khí CO2.

Đặc biệt, trong năm 2017, công ty đã thực hiện thành công đề tài khoa học cấp Tập đoàn Hóa chất Việt Nam về việc nghiên cứu áp dụng vào sản xuất giải pháp xử lý dung dịch H2SiF6 trong sản xuất supe lân đơn, giải quyết được vấn đề trăn trở hàng chục năm qua của các thế hệ lãnh đạo công ty. Nhờ đó, công ty đã sử dụng tuần hoàn được 100% các nguồn nước thải sản xuất, sinh hoạt, không còn thải ra môi trường, góp phần quan trọng cho công ty sản xuất kinh doanh ổn định và phát triển bền vững.

Ngoài ra, công ty còn áp dụng nhiều giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả như tận dụng hơi nhiệt thừa từ các dây chuyền sản xuất axít sunfuric để phát điện đạt công suất bình quân 2,5Mwh, góp phần giảm điện năng mua từ lưới điện quốc gia, giảm phát thải khí nhà kính quy đổi. Giải pháp về sử dụng các nguồn nguyên nhiên liệu tái tạo: Sử dụng đốt cám cưa (nguồn nhiên liệu sinh khối, sản phẩm phụ của ngành chế biến gỗ) thay cho việc đốt dầu FO (có nguồn gốc từ dầu mỏ) và thay cho đốt than (nhiên liệu hóa thạch), để lấy nhiệt sấy sản phẩm phân bón, mang lại hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính.

Bằng các giải pháp trên, bên cạnh hiệu quả kinh tế, công ty đã giải quyết triệt để các tồn tại về môi trường (khí thải, bụi thải, chất thải rắn, nước thải) trong suốt nhiều năm. Mặt khác, công ty đã tuân thủ đúng các yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường và Quy chuẩn môi trường Việt Nam, góp phần củng cố hình ảnh thân thiện của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và phát triển bền vững.

Sản xuất luôn gắn với bảo vệ môi trường

Năm 2018 là năm thứ 9 công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, năm thứ 2 thực hiện Nghị định số 108/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý phân bón… Công ty đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý sản xuất, kinh doanh, phát huy phong trào lao động sáng tạo, tiết kiệm để tạo ra sản phẩm phân bón phục vụ nông nghiệp có chất lượng cao, thân thiện, an toàn. Đồng thời, công ty triển khai áp dụng các cơ chế chính sách để giữ vững thị trường, cung cấp cho cây trồng hơn 1,1 triệu tấn phân bón các loại trong năm 2018.

Về công tác bảo vệ môi trường, công ty tiếp tục duy trì áp dụng có hiệu quả các giải pháp, đề tài năm 2017 và những năm trước; tập trung triển khai đầu tư hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục cho các nguồn thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Song song với các giải pháp kỹ thuật, công ty còn đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức cho cán bộ công nhân viên, tổ chức đội ngũ chuyên và bán chuyên trách về vệ sinh môi trường và phối hợp các biện pháp khác như: trồng cây xanh, làm vệ sinh công nghiệp để cải tạo môi trường theo tiêu chí “xanh - sạch - đẹp”.