Đại hội cổ đông lần I: BSR đã dần mở cánh cửa ra với thế giới

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 14:59, 25/06/2018

(TN&MT) - Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất năm 2018. Dự đại hội có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính. Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có ông Phan Ngọc Trung - Thành viên HĐTV; ông Lê Mạnh Hùng – Phó Tổng giám đốc cùng đại diện lãnh đạo các ban chuyên môn Tập đoàn. Về phía BSR có Chủ tịch HĐTV Lê Xuân Huyên, Tổng giám đốc Trần Ngọc Nguyên…
BSR 1
Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát ra mắt Đại hội

Đại hội ghi nhận có 132 cổ đông tham dự trực tiếp hoặc ủy quyền, tương ứng với 2.914.128.602 cổ phần, chiếm 93,989% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại đại hội. Đại hội đồng cổ đông Công ty BSR là dấu mốc quan trọng, khẳng định sự lớn mạnh của Lọc dầu Dung Quất và mở cánh cửa ra với thế giới để Công ty có những bước phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Đại hội đã thông qua một số nội dung quan trọng như: Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn; Quy chế quản trị Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn;Thông qua kế hoạch phát triển công ty giai đoạn 2018-2022 và kế hoạch SXKD năm 2018; Thông qua tờ trình số lượng thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ I (2018-2022); Thông qua kế hoạch tiền lương; Thông qua việc lựa chọn đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2018.

BSR 2
Đoàn chủ tịch điều hành Đại hội

Ngày 17/01/2018, tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã tổ chức thành công phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Toàn bộ 241.556.969 cổ phần (tương đương 7,79% cổ phần BSR) đã được đấu giá thành công. Mức giá trúng đấu giá thấp nhất là 20.800 đồng. Mức giá cao nhất là 14.800.000 đồng. Và mức giá trung bình là 23.043 đồng. Nhà nước thu về 5.417 tỷ đồng, cao hơn 60% so với số tiền bán dự kiến theo giá khởi điểm (cao hơn khoảng 2 nghìn tỷ). Tổng số nhà đầu tư trúng giá là 623 có 62 tổ chức, 561 cá nhân. Nhà đầu tư nước ngoài trúng hơn 147 triệu cổ phần, tương đương 61% khối lượng chào bán.

Ngay sau khi hoàn thành công tác IPO, BSR đã khẩn trương thực hiện các thủ tục đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM theo quy định. Ngày 01/3/2018, toàn bộ cổ phần của BSR đã được đưa lên sàn UPCoM và cổ phiếu của BSR là tâm điểm của nhiều nhà đầu tư quan tâm trong và ngoài nước.

BSR3
Cổ đông thông qua các nội dung quan trọng tại Đại hội

Sau 9 năm đi vào hoạt động (từ tháng 2/2009), Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tạo ra doanh thu khoảng 38 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 7 tỉ USD - gấp đôi tổng mức đầu tư hơn 3 tỷ USD. Năm 2017, Công ty sản xuất hơn 6,1 triệu tấn, doanh thu đạt 82.027 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 9.919 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 8.663 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2018, BSR ước sản xuất khoảng 3,57 triệu tấn sản phẩm, tiêu thụ 3,6 triệu tấn, đạt 57,2% kế hoạch năm. Doanh thu ước đạt 55.359 tỷ đồng, thực hiện 70,9% kế hoạch năm, nộp NSNN đạt 5.809 tỷ đồng, đạt 69,7% kế hoạch năm. Công ty ước lợi nhuận sau thuế 2.947 tỷ đồng, tương đương 84,7% chỉ tiêu đặt ra cho cả năm 2018.

Kết quả trên là nỗ lực rất lớn của BSR do Nhà máy Lọc dầu Dung Quất luôn hoạt động an toàn, ổn định ở công suất tối ưu. Đồng thời, Công ty kiểm soát rất tốt mức tiêu hao dầu thô, thực hiện tốt công tác tối ưu hóa, công tác quản trị và tiết kiệm chi phí nên BSR đã duy trì giá thành sản phẩm rất cao so với hàng nhập khẩu. Đây cũng là các nguyên nhân tích cực làm tăng lợi nhuận cho Công ty.

Sau khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần, BSR sẽ hội tụ đủ năng lực và điều kiện để tự chủ một phần chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó, BSR sẽ thực hiện Dự án nâng cấp mở rộng (NCMR) Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Dự án có tổng mức đầu tư 1,8 tỷ USD. Việc nâng cấp này dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2021 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2022. Sau khi hoàn thành, BSR sẽ nâng công suất chế biến dầu thô của nhà máy từ 6.5 triệu tấn lên 8,5 triệu tấn/năm, chất lượng sản phẩm đầu ra đáp ứng tiêu chuẩn Euro V. Việc NCMR sẽ tăng độ linh động trong việc lựa chọn dầu thô đầu vào, không còn phụ thuộc vào nguồn dầu thô từ mỏ Bạch Hổ đang dần sụt giảm dần về sản lượng. NMLD Dung Quất sẽ chủ động hơn khi ứng phó các diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Nhà máy với các nhà máy trong và ngoài nước.

Mục tiêu chiến lược của BSR là xây dựng doanh nghiệp trở thành một công ty lọc hóa dầu có năng lực cạnh tranh hàng đầu khu vực trong lĩnh vực lọc hóa dầu.

Đại hội đã bầu 5 thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn nhiệm kỳ I (2018 - 2022), bao gồm: ông Hà Đổng - Thành viên Hội đồng Thành viên Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn; ông Nguyễn Quang Hòa - Thành viên Hội đồng Thành viên Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn; ông Lê Xuân Huyên - Chủ tịch HĐTV Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn; ông Trần Ngọc Nguyên - Tổng giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn; ông Nguyễn Bá Phước - Ban Khai thác dầu khí Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Đại hội cũng bầu 3 thành viên Ban Kiểm soát Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, bao gồm: Ông Vũ Lê Huy - Kiểm soát viên Công ty TNHH Công nghiệp tàu thủy Dung Quất; ông Phạm Ngọc Qúy - Kiểm soát viên Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn; ông Hoàng Ngọc Xuân – Ban Tài chính - Kế toán Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Ngay sau đó, HĐQT và Ban Kiểm soát Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn đã họp phiên thứ nhất và thống nhất bầu ông Lê Xuân Huyên giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT, ông Trần Ngọc Nguyên giữ chức Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc; 3 thành viên HĐQT là ông Nguyễn Quang Hòa, ông Hà Đổng, ông Nguyễn Bá Phước. Ban Kiểm soát bao gồm: Trưởng ban Phạm Ngọc Qúy, thành viênVũ Lê Huy, thành viên Hoàng Ngọc Xuân.

Thay mặt HĐQT, Chủ tịch BSR Lê Xuân Huyên cảm ơn sự tín nhiệm của quý cổ đông đã bầu các thành viên HĐQT BSR; xin hứa HĐQT và tập thể người lao động BSR sẽ hoàn thành nhiệm vụ 2018 và 5 năm tiếp theo. Đồng thời, Chủ tịch HĐQT kỳ vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ cổ đông và ủng hộ, chỉ đạo sát sao của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.