VPI tổ chức hội nghị khoa học về khai thác, sử dụng tài nguyên dầu khí
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 14:20, 23/05/2018
(TN&MT) - Ngày 22/5/2018, Viện Dầu khí Việt Nam - đơn vị nghiên cứu khoa học của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học với chủ đề “Khai...
(TN&MT) - Ngày 22/5/2018, Viện Dầu khí Việt Nam - đơn vị nghiên cứu khoa học của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học với chủ đề “Khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên dầu khí Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc hội nghị, TS. Nguyễn Anh Đức, Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam cho biết: “Trong 40 năm qua, Viện Dầu khí Việt Nam đã và đang hỗ trợ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và ngành Dầu khí Việt Nam tạo ra một tương lai đảm bảo năng lực cạnh tranh cao và bền vững bằng cách tối đa hóa hiệu quả sử dụng tài sản và nghiên cứu để tạo ra những đột phá lớn. Thông qua sự hợp tác chặt chẽ với các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, Viện Dầu khí Việt Nam đã, đang và sẽ tích cực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ theo 4 định hướng: Thăm dò dầu khí hiệu quả trong bối cảnh giá dầu thấp; Đẩy mạnh ứng dụng tăng cường thu hồi dầu (IOR/EOR) tại Việt Nam; Xử lý và chế biến khí giàu CO2 ở Việt Nam; Quản lý rủi ro trong bối cảnh ngành dầu khí nhiều biến động. Những định hướng nghiên cứu và phát triển dài hạn này chắc chắn sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mà còn cho ngành Dầu khí trong việc tối đa hóa giá trị của nguồn tài nguyên dầu khí Việt Nam”.
Hội nghị được được tổ chức theo hình thức trình bày kết hợp với tọa đàm, thể hiện góc nhìn đa chiều của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước về các vấn đề: thực trạng, cơ hội và thách thức, xu thế phát triển ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của ngành Dầu khí Việt Nam.
Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến chương trình nghiên cứu khoa học dài hạn của Viện Dầu khí Việt Nam: Nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí trong bối cảnh giá dầu thấp; Đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp tăng cường thu hồi dầu (IOR/EOR) tại Việt Nam; xử lý và chế biến sâu khí có hàm lượng CO2 cao; và quản trị rủi ro trong môi trường dầu khí có nhiều biến động. Từ đó, Hội nghị tìm kiếm và đề xuất các giải pháp cụ thể về nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ mới, nâng cao hiệu quả quản trị và quản lý cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Quỳnh Lâm, Tổng giám đốc Vietsovpetro, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Công nghệ (KHCN) Tập đoàn nhấn mạnh ngành dầu khí hiện tại đang đối mặt với rất nhiều thách thức, sản lượng khai thác của các mỏ đang suy giảm, việc triển khai thăm dò các mỏ mới cũng gặp nhiều khó khăn. Chủ tịch Hội đồng KHCN Tập đoàn Nguyễn Quỳnh Lâm mong muốn trong hội nghị này, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực năng lượng sẽ cùng thảo luận, đưa ra những giải pháp, ý kiến tháo gỡ khó khăn hiện tại, tận dụng cơ hội để phát huy những gì đang có để tạo đột phá, góp phần vào sự phát triển bền vững của Tập đoàn trong thời gian tới.
Sau phần khai mạc, hội nghị đã bước vào phiên toàn thể với chủ đề: “Khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên dầu khí, hướng tới sự phát triển bền vững”. Các bài trình bày của chuyên gia quốc tế đã tập trung phân tích các thách thức đối với lĩnh vực dầu khí đặc biệt là khâu thượng nguồn, dự báo xu hướng giá năng lượng đến năm 2040, từ đó đề xuất các giải pháp liên quan đến công tác tái cơ cấu, tối ưu hóa danh mục đầu tư, xây dựng chiến lược cho toàn bể trầm tích, ứng dụng công nghệ mới… để giúp các công ty dầu khí tiết giảm chi phí và có thể cạnh tranh tốt hơn trong môi trường giá dầu thấp.
Trên cơ sở đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình bày định hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để thực hiện thành công Chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Viện Dầu khí Việt Nam trình bày các định hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong thời gian tới.
Kết thúc phiên toàn thể, hội nghị tiếp tục chia thành 4 phân ban với những chủ đề trao đổi riêng biệt với Phân ban tìm kiếm thăm dò dầu khí: “Nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí trong bối cảnh giá dầu thấp”; Phân ban khai thác dầu khí: “Đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp tăng cường thu hồi dầu (IOR/EOR) tại Việt Nam”; Phân ban chế biến dầu khí: “Xử lý và chế biến sâu khí có hàm lượng CO2 cao tại Việt Nam”; Phân ban kinh tế quản lý: “Quản lý rủi ro trong môi trường dầu khí có nhiều biến động”.