Thực trạng mạng lưới điện tại tỉnh Điện Biên - Bài 2: Chính quyền cùng doanh nghiệp "kêu cứu" vì thiếu công trình lưới điện 110KV
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 11:31, 08/03/2018
Doanh nghiệp "lo sốt vó''
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có rất nhiều dự án Nhà máy thủy điện sắp đi vào hoạt động, tuy nhiên, đến nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đặc biệt là Tổng Công ty Điện lực miền Bắc vẫn chưa có kế hoạch đầu tư xây dựng các hạng mục lưới điện 100 KV theo quy hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt.
Cụ thể, dự án Nhà máy thủy điện Huối Vang, công suất 11 MW (huyện Mường Chà) dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2018 nối với lưới điện 110 KV tuyến đường dây Điện Biên - Mường Chà.
Đáng chú ý là dự án Nhà máy thủy điện Sông Mã 3 (chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đông Á), công suất 29,5 MW và dự kiến đưa tổ máy số 1 vào vận hành trong quý 3/2018 đấu nối với lưới điện trạm 110 KV Điện Biên Đông.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011-2015, có xét đến 2020 đã được phê duyệt theo Quyết định số 6374/QĐ-BCT ngày 6/12/2011 của Bộ Công Thương, dự án Nhà máy thủy điện Sông Mã 3 được đấu nối vào lưới điện Quốc gia bằng cấp điện áp 110 KV, đấu nối vào trạm biến áp 110kV Điện Biên Đông với đường dây chiều dài 5km.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các đơn vị ngành điện vẫn chưa có kế hoạch đầu tư xây dựng các hạng mục lưới điện theo Quy hoạch đã được duyệt như: Trạm biến áp 110 KV Điện Biên 2; trạm biến áp 110 KV Điện Biên Đông và các đoạn đường dây 110 KV đấu nối đến các trạm này từ lưới điện 110 KV hiện có.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, đến thời điểm đi vào hoạt động mà không thể phát điện để hòa lưới điện 110 KV sẽ gây thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư khi phải chịu lãi vay ngân hàng, không có doanh thu, tài sản có thể bị hư hỏng… và thất thu ngân sách cho tỉnh Điện Biên.
Theo Giám đốc một doanh nghiệp có nhà máy thủy điện sắp đi vào hoạt động cho biết, chỉ tính tiền lãi vay ngân hàng thì nếu chậm phát điện 01 tháng đã mất khoảng trên 10 tỷ đồng, lũy kế 01 năm mất khoảng 120 tỷ đồng.
Trong khi đó, doanh thu phát điện chậm 01 tháng cũng mất đi khoảng 10 tỷ đồng và chậm 01 năm cũng khiến doanh nghiệp này thiệt hại khoảng 120 tỷ đồng. Như vậy, tổng thiệt hại cũng phải khoảng trên 200 tỷ/năm, đây là một số tiền không hề nhỏ.
Chính vì vậy, đến thời điểm này, yêu cầu về việc đầu tư xây dựng các hạng mục này là rất bức thiết để đáp ứng việc truyền tải công suất các dự án thủy điện khu vực Điện Biên Đông, góp phần tạo nguồn thu và nâng cao khả năng cung cấp nguồn điện để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Điện Biên.
Chính quyền tỉnh cũng kêu khó
Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã thông tin, trước đó UBND tỉnh Điện Biên đã có Văn bản số 2919/UBND-KT gửi Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc đề nghị đầu tư xây dựng trạm biến áp (TBA) và lưới điện truyền tải theo quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Điện Biên trong giai đoạn đến năm 2020.
Tại văn bản, UBND tỉnh Điện Biên cho biết, hiện nay tỉnh Điện Biên là tỉnh duy nhất trên toàn quốc chưa có liên kết mạch vòng lưới điện 110KV, mới chỉ có 2 trạm 110 KV/10 huyện, thành phố (không kể trạm biến áp của khách hàng); lưới điện trung áp chủ yếu là phát triển lưới điện 35 KV, nhiều tuyến đường dây dài trên 450 km; chiều dài cấp điện của các lộ đường dây tương đối lớn.
Do vậy, theo UBND tỉnh Điện Biên khi xảy ra sự cố trên trục chính của đường dây thường làm mất điện trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến phát triển chung của địa phương, nhất là cho nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế xã hội khu vực biên giới phía Tây thuộc tỉnh Điện Biên.
Bên cạnh đó, lưới điện 22 KV chủ yếu ở thành phố Điện Biên Phủ và một số thị xã lân cận thành phố của huyện Điện Biên, thị trấn Tuần Giáo, quy mô lưới điện 22 KV nhỏ. Ngoài ra, chênh lệch công suất sử dụng điện giữa các thời điểm trong ngày rất nhiều, biểu đồ phụ tải giờ cao điểm rất nhọn; việc bù công suất phản kháng gắn cố định tụ vào lưới không hiệu quả.
UBND tỉnh Điện Biên cũng cho rằng, trong những năm qua, tỉnh đã kêu gọi các thành phần kinh tế để thực hiện đầu tư xây dựng các công trình thủy điện nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế của tỉnh trong phát triển kinh tế xã hội, tăng cường nguồn điện năng trong cả nước cũng như của tỉnh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng lưới điện truyền tải chưa được quan tâm đầu tư đồng bộ, khó khăn trong tiếp cận đấu nối vào hệ thống truyền tải điện Quốc gia nên các nhà đầu tư đều đầu tư cầm chừng, trông chờ vào đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải của EVN nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của dự án.
Trước những khó khăn trên, UBND tỉnh Điện Biên đã kiến nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem xét, tạo điều kiện tháo gỡ trong đầu tư xây dựng phát triển lưới điện truyền tải 110 KV trên địa bản tỉnh với nhiều nội dung quan trọng, cấp bách.
Cụ thể, UBND tỉnh Điện Biên kiến nghị Bộ Công Thương, EVN ưu tiên bố trí kế hoạch vốn đầu tư xây dựng mới các trạm biến áp và tuyến đường dây 110 KV trong giai đoạn đến năm 2020, sớm đi vào vận hành khai thác gồm: Tuyến đường dây 110 KV Điện Biên - Mường Chà dài 43 km; tuyến 110 KV thủy điện Nậm Mức - Mường Chà dài 22 km; tuyến nhánh rẽ 110 KV trạm 110 KV Điện Biên 2 dài 3 km và tuyến đường dây 110 KV Điện Biên 2 - Trạm 110 KV Điện Biên Đông dài 28 km theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.
Trường hợp EVN chưa thu xếp được nguồn vốn để đầu tư xây dựng các tuyến đường dây 110 KV trong giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh Điện Biên kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo EVN phối hợp với các địa phương khảo sát nhu cầu đầu tư xây dựng lưới điện 110 KV; phối hợp với các địa phương đề xuất cơ chế huy động nguồn vốn ứng trước của các chủ đầu tư xây dựng thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn, trong trường hợp nguồn lực của EVN bị hạn chế.
Trao đổi về vấn đề pháp lý xung quanh vụ việc này, Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật TNHH Thiên Minh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, với việc Bộ Công Thương đã phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Điện Biên trong giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 - Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110 KV thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty điện lực miền Bắc phải có trách nhiệm chủ động thực hiện đầu tư xây dựng công trình lưới điện đã phê duyệt.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng phải có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các đơn vị ngành điện thực hiện quy hoạch mà Bộ đã phê duyệt. Đáng lẽ, các cơ quan Nhà nước phải hoàn toàn chủ động tạo điều kiện cho doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết 35/2016/NQ-CP của Chính phủ.
Luật sư Vi Văn Diện cũng cho rằng, tại Điều 40, chương VI của Luật Điện lực cũng đã nêu rõ Quyền, nghĩa vụ của đơn vị truyền tải điện. Cụ thể:
Điều 40. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị truyền tải điện
1. Đơn vị truyền tải điện có các quyền sau đây:
a) Hoạt động truyền tải điện theo giấy phép hoạt động điện lực;
b) Xây dựng và trình duyệt phí truyền tải điện;
c) Được cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động truyền tải điện;
d) Đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy phạm, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ hoạt động truyền tải điện;
đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Đơn vị truyền tải điện có các nghĩa vụ sau đây:
a) Bảo đảm lưới điện và các trang thiết bị truyền tải điện vận hành an toàn, ổn định, tin cậy;
b) Bảo đảm cung cấp dịch vụ truyền tải và các dịch vụ phụ trợ cho các bên có liên quan, trừ trường hợp lưới điện bị quá tải theo xác nhận của cơ quan điều tiết điện lực;
c) Tuân thủ phương thức vận hành, lệnh chỉ huy, điều khiển của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia;
d) Xử lý sự cố;
đ) Trường hợp có nguy cơ đe doạ đến tính mạng con người và an toàn của trang thiết bị phải ngừng hoặc yêu cầu đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia giảm mức truyền tải điện nếu không có giải pháp khác;
e) Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện truyền tải và thực hiện đầu tư phát triển lưới điện truyền tải đáp ứng nhu cầu truyền tải điện theo quy hoạch phát triển điện lực; đầu tư thiết bị đo đếm điện và các thiết bị phụ trợ, trừ trường hợp có thoả thuận khác với đơn vị phát điện, đơn vị phân phối điện hoặc khách hàng sử dụng điện;
g) Báo cáo về khả năng sẵn sàng truyền tải, độ dự phòng của trang thiết bị truyền tải điện theo yêu cầu của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực, cơ quan điều tiết điện lực hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
h) Thông báo ngay cho đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia và các tổ chức, cá nhân có liên quan khi có sự cố về lưới điện truyền tải;
i) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.