Cổ phiếu EximBank thất thường sau tin cựu lãnh đạo ôm tiền bỏ trốn

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 11:08, 01/03/2018

(TN&MT) - Cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (EximBank) diễn biến thất thường khi vừa có phiên giao dịch tăng trở lại sau 02 phiên giảm...
(TN&MT) - Cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (EximBank) diễn biến thất thường khi vừa có phiên giao dịch tăng trở lại sau 02 phiên giảm liên tiếp đã ngay lập tức trở lại đà mất giá.

Vừa qua, thị trường tài chính ngân hàng ''chấn động'' sau khi xuất hiện thông tin ông Lê Nguyễn Hưng - nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam, chi nhánh TP. HCM, lợi dụng khách hàng ủy quyền giao dịch tiền gửi đã rút hàng trăm tỷ đồng rồi bỏ trốn.

Theo thông tin ban đầu, ông Lê Nguyễn Hưng đã chiếm đoạt 245 tỷ đồng của nữ khách hàng tên C.T.B là khách hàng VIP, thường xuyên giao dịch với ngân hàng EximBank, chi nhánh TP. HCM rồi bỏ trốn ra nước ngoài.

Ông Hưng được cho là đã rút tiền ở sổ tiết kiệm của bà B từ năm 2014 - 2016. Năm 2017, nghi ngờ nên bà B. kiểm tra số dư sổ tiết kiệm thì phát hiện 245 tỷ đồng đã không cánh mà bay.

Sau khi phát hiện, bà B đã làm việc với phía ngân hàng EximBank, đồng thời tố cáo vụ việc đến Bộ Công an phía Nam. Phía ngân hàng Eximbank cũng có tố giác ông Hưng đến Bộ Công an đề nghị điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
Cổ phiếu EximBank thất thường sau tin lãnh đạo ôm tiền bỏ trốn.
Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (EximBank).
Vào cuộc điều tra, Cơ quan công an sau đó đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lê Nguyễn Hưng để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời phát lệnh truy nã quốc tế khi ông này bỏ trốn.

Ngay khi ''tin xấu'' được công bố cũng là lúc cổ phiếu EIB của EximBank chao đảo trên sàn chứng khoán Việt Nam. Cổ phiếu EIB đã có 02 giao dịch rớt giá liên tiếp, kéo mức vốn hóa của nhà băng này trên thị trường chứng khoán giảm cả nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 23/02, cổ phiếu EIB đã giảm 400 đồng/cổ phiếu, tương đương 2,47%, từ mức 16.200 đồng/cổ phiếu xuống mức 15.800 đồng so với mức chốt phiên ngày 22/02.

Theo tính toán, với mức giảm trên, mức vốn hóa thị trường của cổ phiếu EximBank đã giảm từ mức 19.917 tỷ đồng xuống còn 19.425 tỷ đồng, tương đương giảm gần 500 tỷ đồng so với thời điểm chốt phiên ngày 22/02.

"Tin xấu'' đã kéo cổ phiếu EIB giảm tiếp ngày thứ 02 khi giảm thêm 450 đồng/cổ phiếu lúc kết thúc phiên giao dịch ngày 26/02, tương đương 2,85%, từ mức 15.800 đồng/cổ phiếu xuống mức 15.350 đồng/cổ phiếu so với phiên giao dịch liền kề ngày 23/02.
Cổ phiếu EximBank thất thường sau tin lãnh đạo ôm tiền bỏ trốn.
Biểu đồ diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu EIB trong 02 tháng gần đây.
Với mức giảm trên, mức vốn hóa thị trường của cổ phiếu EximBank đã giảm từ mức 19.425 tỷ đồng xuống còn 18.872 tỷ đồng, tương đương giảm thêm 550 tỷ đồng so với phiên giao dịch ngày 23/02.

Như vậy, với việc giảm 02 phiên giao dịch liên tiếp, cổ phiếu EIB đã giảm khoảng 850 đồng/cổ phiếu, tương đương 5,42%, vốn hóa trên thị trường chứng khoán của EximBank cũng giảm hơn 1.000 tỷ đồng.

Sang ngày 27/02, cổ phiếu EIB bất ngờ hồi phục hồi nhẹ, tăng 350 đồng/cổ phiếu, tương đương 2,3% lên mức 15.700 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang khi cổ phiếu EIB lại lập tức đi xuống phiên ngay sau đó, giảm 200 đồng/cổ phiếu, tương đương 1,27%.

Kết thúc phiên ngày 28/02, cổ phiếu EIB đang ở mức 15.500 đồng/cổ phiếu và hiện EximBank đang có mức vốn hóa trên thị trường chứng khoán 19.056 tỷ đồng.

Được biết, cuối tháng 08/2017, Sở GDCK TP. HCM tiếp tục giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu EIB do vẫn chưa khắc phục được lỗ lũy kế sau sau khoảng một năm rưỡi bị đưa vào diện này. 

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2017 của EximBank là 326,54 tỷ đồng, lỗ lũy kế tại 30/06/2017 là -166,57 tỷ đồng.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.