Bộ Công Thương yêu cầu các công ty đa cấp báo cáo hoạt động

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 16:28, 02/01/2018

(TN&MT) - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa yêu cầu các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động...
(TN&MT) - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa yêu cầu các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thực hiện nghĩa vụ báo cáo định kỳ năm 2017.

Căn cứ các quy định của pháp luật, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa đề nghị doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thực hiện nghĩa vụ báo cáo định kỳ năm 2017.

Theo đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng yêu cầu các doanh nghiệp bán hàng đa cấp báo cáo các nội dung sau: Phạm vi hoạt động bán hàng đa cấp; mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp gồm số lượng người tham gia bán hàng đa cấp phát sinh mới trong kỳ báo cáo, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp chấm dứt hợp đồng trong kỳ báo cáo, hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế, khuyến mại trả cho người tham gia bán hàng đa cấp; chương trình khuyến mại; tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng yêu cầu các doanh nghiệp bán hàng đa cấp báo cáo doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ; doanh thu hoạt động tài chính; chi phí quản lý, kinh doanh; lợi nhuận trước và sau thuế thu nhập doanh nghiệp và việc thực hiện nghĩa vụ ngân sách đối với Nhà nước.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải kê khai đầy đủ thông tin về trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh trên toàn quốc, doanh thu phát sinh trong kỳ từ hoạt động bán hàng đa cấp cho người tham gia, khách hàng tại địa phương của trụ sở, chi nhánh, địa điểm kinh doanh. 

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đề nghị doanh nghiệp thực hiện báo cáo nghiêm túc đầy đủ và gửi về Cục trước ngày 15/1/2018 theo địa chỉ số 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Theo tìm hiểu từ số liệu của các doanh nghiệp, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp tính đến cuối năm 2016 là 637.637, giảm 25% so với cuối năm 2015. Tính đến hết tháng 4/2017, sau khi cơ quan chức năng chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, số lượng người tham gia giảm xuống còn 472.000 người, giảm 44% so với cuối năm 2015. 

Cũng theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp, tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2016 đạt khoảng 7.800 tỷ đồng, giảm khoảng 200 tỷ đồng so với năm 2015 (giảm 2,5%). Hoạt động bán hàng đa cấp dựa rất mạnh vào thực phẩm chức năng và mỹ phẩm (chiếm 83% doanh thu, trong đó thực phẩm chức năng chiếm tới 59%); doanh thu từ đồ gia dụng chiếm 6.6%, doanh thu từ quần áo thời trang chiếm 2%, doanh thu từ thiết bị chiếm 0,5%, còn lại 8,2% là các mặt hàng khác.

Theo đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, thực tiễn quản lý cho thấy trong nhiều vụ việc, thiệt hại phát sinh chủ yếu là do sự thiếu hiểu biết của người tham gia bán hàng đa cấp. Gần như tất cả các đơn khiếu nại các cơ quan quản lý nhận được đều từ những người tham gia hệ thống bán hàng đa cấp nhưng không hề có hoạt động bán hàng, chỉ đơn giản trao tiền cho người khác và hy vọng nhận được tiền lời với lãi suất cao.

Đặc biệt, 100% các thỏa thuận về lợi nhuận đều là thỏa thuận bằng lời, không được ghi lại thành văn bản nên khi xảy ra tranh chấp, cơ quan chức năng hoàn toàn không có chứng cứ để xử lý.

Cũng theo vị này, những đóng góp của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trong việc tạo ra thu nhập và việc làm là không rõ ràng. Trong số gần 640.000 người tham gia bán hàng đa cấp, chỉ có một tỷ lệ nhỏ là người bán hàng thực sự, số còn lại hầu như không tham gia bán hàng.