Công nghệ NPK hóa học từ Tây Ban Nha đã đến Việt Nam

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 21:50, 21/12/2017

(TN&MT) - Thông tin từ Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) cho biết, dự án Nhà máy NPK Phú Mỹ - nhà máy NPK sử dụng công nghệ hóa học đầu tiên...

 

(TN&MT) - Thông tin từ Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) cho biết, dự án Nhà máy NPK Phú Mỹ - nhà máy NPK sử dụng công nghệ hóa học đầu tiên tại Việt Nam - đã hoàn thành giai đoạn xây lắp và bắt đầu quá trình chạy thử.

Công nghệ sản xuất NPK

Phân bón NPK có thể sản xuất theo nhiều cách và bằng các công nghệ khác nhau, từ thủ công đến phức tạp. Một cách vắn tắt, có hai cách sản xuất NPK chính:

Phối trộn cơ học các chất chứa Nitơ (hay chất đạm), lân (Phốt pho) và Kali để ra sản phẩm (tương tự như trộn muối, đường, bột tôm để thành muối tôm). Công nghệ này tồn tại những nhược điểm về độ đồng đều trong phân bố dinh dưỡng trong từng hạt phân; sự liên kết giữa các chất thiếu bền chắc do chỉ được kết hợp một cách cơ học; độ hút ẩm cao, chất lượng, hàm lượng chưa ổn định, dễ chảy nước, đóng bánh, bay hơi, thất thoát dinh dưỡng… gây hạn chế trong việc vận chuyển, bảo quản và nhất là khi sử dụng chăm bón cho cây trồng thì có nguy cơ làm cho cây trồng phát triển không đều.

Thông qua phản ứng hóa học giữa các chất chứa các nguyên tố trên để ra dung dịch NPK đồng nhất, sau đó tạo hạt để ra sản phẩm cuối cùng. Công nghệ hóa học cho ra sản phẩm có liên kết bền chắc và sự phân bố đồng đều các chất đa, trung, vi lượng trong từng hạt phân, điều mà công nghệ phối trộn cơ học không làm được.

Ưu điểm của công nghệ hóa học là sau khi các nguyên liệu lỏng NH3, Axít H3PO4, và Axít H2SO4 được đưa vào ống phản ứng và thùng tiền trung hòa, một phần đưa vào thùng quay tạo hạt, tại đây sẽ hình thành các phản ứng hóa học và tạo nên dung dịch dinh dưỡng với sự phân bố đồng đều từng nguyên tố và kết nối hóa học vững chắc. Sau đó dung dịch dinh dưỡng được đưa đến thùng tạo hạt thông qua đường ống dẫn khép kín.

Trong thùng quay tạo hạt, dịch Amonium Sunphat hoặc Amonium Photphat được đưa vào sẽ kết hợp với các nguyên tố khác như Kali, trung vi lượng theo các tỷ lệ đã được tính toán trước để tạo thành hỗn hợp hoàn chỉnh theo công thức mà nhà sản xuất mong muốn. Từ đó, quá trình tạo hạt sẽ cho ra những hạt phân NPK hóa học đảm bảo chất lượng.

Chuyên gia quoc te va PVFCCo tai vuon ca phe su dung NPK hoa hoc

Chuyên gia quốc tế và PVFCCo tại vườn cà phê sử dụng NPK công nghệ hoá học

Tiếp theo là công đoạn sấy khô để giảm độ ẩm và sàng lọc để loại bỏ những hạt phân không đảm bảo kích thước. Chỉ những hạt phân đáp ứng kích thước tiêu chuẩn mới được đưa ra để bọc hạt nhằm hạn chế vón cục và giảm thiểu thất thoát dinh dưỡng trong quá trình bảo quản. Cuối cùng, những hạt NPK thành phẩm hoàn chỉnh được lấy mẫu ngẫu nhiên để đem đi phân tích, kiểm tra chất lượng theo quy định rồi mới được đóng bao đưa ra thị trường.

Với các ưu điểm như trên, hiện nay đây là công nghệ phức tạp và tiên tiến nhất, đồng thời cho ra sản phẩm chất lượng cao nhất và đã được nhiều nước phát triển trên thế giới áp dụng.

Nhà bản quyền công nghệ hóa học sản xuất NPK

Trên thế giới chỉ có một số ít công ty nắm giữ bản quyền công nghệ này, và một trong các nhà bản quyền lớn nhất là hãng Incro SA của Tây Ban Nha. Incro SA có hơn 35 năm kinh nghiệm trong công nghệ sản xuất phân bón, chủ yếu chuyên sâu trong lĩnh vực sản xuất phân NPK/DAP. Ngoài sở hữu các nhà máy sản xuất phân NPK/DAP, Incro còn cung cấp công nghệ sản xuất NPK/DAP cho các nhà sản xuất khác.

Công nghệ sản xuất NPK/DAP của Incro đã được áp dụng thành công tại hơn 70 nhà máy ở Anh, Mỹ, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Brazil, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Tunisia, Colombia, Ả-rập Xê-út... Công nghệ ống phản ứng của Incro trong lĩnh vực NPK/DAP được biết đến là một công nghệ nổi trội so với các hãng cung cấp bản quyền sản xuất NPK/DAP khác trên thế giới. Hiện tại, trên thế giới có hơn hai mươi nhà máy sử dụng công nghệ hóa học tương tự như dự án NPK của PVFCCo. Dự án Nhà máy NPK Phú Mỹ là dự án đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ hoá học nói chung và của Incro SA nói riêng để sản xuất NPK.

Bên cạnh Nhà máy Đạm Phú Mỹ, nay đã sừng sững thêm một công trình quy mô, hiện đại – Nhà máy NPK Phú Mỹ - mở ra một giai đoạn mới của ngành sản xuất NPK tại Việt Nam – chuyển từ công nghệ thấp lên công nghệ cao và cho ra những sản phẩm NPK chất lượng tốt nhất.

Thục Vy