Làng nghề gỗ: Liên kết tạo sức cạnh tranh

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 00:00, 27/07/2016

(TN&MT) - Trong bối cảnh nhiều Hiệp định Thương mại tự do được ký kết, đặc biệt khi Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (VPA/FLEGT) có hiệu lực, cần thiết phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các làng nghề để tăng khả năng cạnh tranh các sản phẩm gỗ trên thị trường.
Xưởng sản xuất chế biến gỗ nhỏ lẻ chưa có sự liên kết theo chuỗi cung ứng – sản xuất – kinh doanh
Xưởng sản xuất chế biến gỗ nhỏ lẻ chưa có sự liên kết theo chuỗi cung ứng – sản xuất – kinh doanh

Liên kết lỏng lẻo, kinh doanh xuống dốc…

Hiện, Việt Nam có khoảng trên 300 làng nghề chế biến gỗ, nhưng chỉ số ít làng nghề có khả năng tạo ra các sản phẩm có giá trị cao phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Hầu hết, các làng nghề sử dụng công nghệ thô sơ trong sản xuất chế biến gỗ, sản phẩm không đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường, cộng thêm giá thành sản phẩm cao đã làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Các làng nghề chế biến gỗ phải đương đầu với nhiều khó khăn trong việc thiếu chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, thị trường xuất khẩu trọng điểm thu hẹp, hàng hóa tồn đọng, giá đầu ra giảm,... dẫn tới các đơn hàng vừa giảm, vừa khó thực hiện.

Theo chuyên gia Nguyễn Văn Hoàng, Trung tâm Nghiên cứu và Quản lý tài nguyên cho biết: Tại thị trường trong nước, đồ gỗ Việt chỉ chiếm khoảng 40% tổng giá trị thương mại, phần còn lại là các sản phẩm đồ gỗ cao cấp nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Singapore... Riêng Trung Quốc, chỉ tính trong 5 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ với giá trị lên tới gần 90 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

Song song với việc suy giảm thị phần là sự thu hẹp quy mô sản xuất. Nghiên cứu trên 200 hộ chế biến gỗ tại Hòa Bình, Nghệ An, Bình Định và Kon Tum chỉ ra rằng, 97% các hộ sản xuất mộc thủ công mỹ nghệ tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa và hơn 50% làng nghề phải đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng. Ngay cả một số làng nghề gỗ truyền thống phát triển lâu đời, sản phẩm có mặt trên thị trường trong nước và thế giới như Làng nghề gỗ truyền thống Vạn Điểm (Hà Nội), Đồng Kỵ (Bắc Ninh)... cũng không tránh khỏi. Tại các làng nghề, do chưa có sự liên kết chuyên môn hóa rõ ràng giữa các hộ cung ứng – sản xuất – kinh doanh dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm. Bên cạnh đó, việc cạnh tranh không lành mạnh theo hình thức hạ giá, phá giá để chiếm thị trường, chạy theo số lượng để nâng cao lợi nhuận đã khiến chất lượng sản phẩm gỗ Việt đi xuống trầm trọng.

Trong khi đó, năng lực và trình độ sản xuất của người lao động trong ngành chế biến, sản xuất gỗ còn thấp, khó cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Trình độ công nghệ, quản trị kinh doanh, tiếp thị dịch vụ, mẫu mã sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước cũng không đủ sức bứt phá. Có thể thấy, việc hỗ trợ của Nhà nước và các bên liên quan nhằm thúc đẩy liên kết nội tại trong và giữa các làng nghề là việc làm cực kỳ cần thiết.

Liên kết để tồn tại

Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, cần có sự liên kết giữa các làng nghề mới có thể tồn tại, đủ sức cạnh tranh và cung cấp sản phẩm đáp ứng yêu cầu của hội nhập thị trường quốc tế. Việc hình thành liên kết giữa các làng nghề gỗ thủ công mỹ nghệ sẽ thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới. Sản phẩm mộc thủ công Việt Nam sẽ dễ dàng chinh phục được những thị trường khó tính trên thế giới.

Để làm được điều này, theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Nhà nước cần ban hành chính sách hỗ trợ quy hoạch các làng nghề tạo ra sự liên kết, hình thành quan hệ mua – bán tập trung và kênh phân phối hàng hóa dịch vụ.  Chính quyền địa phương cần hỗ trợ liên kết công nghệ sản xuất trong nội bộ làng nghề và các làng nghề lân cận theo hướng chuyên môn hóa. Thành lập hội nghề nghiệp có đủ sức quản lý, vận hành hiệu quả mạng lưới làng nghề. Sự lớn mạnh của mạng lưới làng nghề sẽ làm tăng cơ hội tiếp cận với nguồn vốn đầu tư, thị trường và dây chuyền công nghệ hiện đại.

Các làng nghề cũng cần quan tâm ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và trong thiết kế, sáng tạo mẫu mã sản phẩm. Đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo nghề đảm bảo nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực để các hộ gia đình, làng nghề thực hiện và tuân thủ các quy định của pháp luật. Đảm bảo gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam đáp ứng tất cả yêu cầu, tiêu chuẩn của những thị trường quốc tế khó tính nhất.

Vũ Vân