Nỗi lo nhà cũ

Bất động sản - Ngày đăng : 11:13, 04/07/2019

(TN&MT) - Nhà hay bất cứ công trình nào cũng có tuổi thọ và niên hạn sử dụng nhưng chúng ta quản lý và lưu giữ hồ sơ như thế nào để có thể đưa ra những cảnh báo kịp thời nhằm giảm thiểu rủi ro cao nhất cho con người là vấn đề cần phải suy ngẫm.
4 1811
Ảnh minh họa

Nước Pháp và một số nước trên thế giới quản lý hồ sơ tới từng công trình nhà dân, tất cả đều vào “kho dữ liệu” quốc gia. Họ có cả bộ phận chuyên trách để hàng ngày đưa ra những cảnh báo cho người dân, tổ chức về các công trình xây dựng hết niên hạn sử dụng, vận hành…

Thực tế, ở Việt Nam có rất nhiều công trình, kiến trúc cổ kính do Pháp xây dựng từ xưa, nhất là các công sở mà nhiều địa phương hiện đang sử dụng để làm việc. Đáng nói, các công trình trên đã đến tuổi “nghỉ hưu” nhưng chúng ta ra sức cải tạo, gia cố để bắt nó phải “khỏe” theo ý mình. Trên thực tế, hàng năm, Việt Nam vẫn nhận được Công hàm từ Pháp gửi sang và họ cảnh báo về tuổi thọ, độ nguy hiểm của các công trình xây dựng, đề nghị Việt Nam cho dừng sử dụng các công trình trên.

Mới nhất, ngôi nhà số 56 Hàng Bông - Hà Nội bị sập để lại hậu quả nghiêm trọng. Đó là một trong rất nhiều cảnh báo từ thực trạng quản lý bảo tồn nhà cổ, duy tu bảo dưỡng nhà cũ ở các đô thị của Việt Nam. Nhưng vì phát triển du lịch, vì bảo tồn phố cổ… nhiều công trình quá cũ người dân xin cải tạo, xây dựng lại thì vướng vào luật, vào cơ chế chính sách, nên nhà cũ, phố cổ cứ thế cũ đi.

Hay phố cổ Tiên Yên, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, phố người Hoa (TP.HCM), phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam… và nhiều công trình trong đô thị, nhất là nhà dân, công sở đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy, thay đổi cách quản lý để nhìn thẳng vào “góc tối” của những ngôi nhà cũ, công trình cổ để xem xét, đánh giá chuẩn xác và thẳng tay “khai tử” để đảm bảo an toàn cho người dân và các công trình lân cận. Đồng thời, cần sớm đưa các công trình xây dựng dân dụng, tổ chức và Nhà nước vào kho dữ liệu quốc gia để quản lý và đưa ra những cảnh báo kịp thời cho người dân.