“Ma trận”… sốt ảo đất Long Thành

Bất động sản - Ngày đăng : 13:55, 28/05/2019

(TN&MT) - Trước thông tin sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai rục rịch khởi công vào năm 2020, thị trường bất động sản (BĐS) Long Thành sôi động trở lại, ngoài các chủ đầu tư uy tín, không ít dự án “bánh vẽ”… phân lô bán nền thiếu cơ sở pháp lý như “ma trận” đưa khách hàng chui vào dây thòng lọng. 
hinh 2
Các dự án đang trong quá trình san lấp đã rao bán, thu tiền khách hàng

“Ma trận”… sốt đất

Câu chuyện xây dựng Sân bay Long Thành đã bị giới kinh doanh BĐS lạm dụng, biến tấu thành bức tranh buôn bán nhà đất khiến thị trường nhà đất ở huyện Long Thành, Nhơn Trạch xấu đi. Tại các trục đường chính qua xã Phước Tân, TP. Biên Hòa, giới “cò” đất mang băng rôn, dựng các chòi tạm bợ làm nơi để giao dịch rất nhộn nhịp. Còn đội ngũ nhân viên đứng hai bên đường mời chào, tư vấn mỗi khi có người tham gia giao thông dừng lại. Các ngã tư, ngã ba đèn đỏ lúc nào cũng đông đúc kẻ bán người mua.     

Lưu thông đến khu vực này, chúng tôi chưa định hình, các nhân viên môi giới tiến tới quảng cáo một dự án hơn 100 nền đất, mỗi nền trị giá khoảng 400 triệu đồng. Để minh chứng dự án có thật, đang triển khai xây dựng, các nhân viên dắt một nhóm khách hàng len lỏi qua nhiều hẻm nhỏ để tới dự án. Điều bất ngờ, dự án chỉ là khu đất trống, đang trong giai đoạn san lấp để xây dựng hạ tầng. Để trấn an khách hàng về hạ tầng chưa xây dựng, chưa được nghiệm thu và cho phép bán hàng, các nhân viên nói như đinh đóng cột: “Làm dự án vài chục tỷ đồng được, chắc chắn tụi em có đầy đủ pháp lý cung cấp cho người mua. Chỉ cần đặt cọc 100 triệu đồng, các anh có thể xây được nhà. Việc đó chủ đầu tư sẽ nhờ chính quyền hỗ trợ. Nếu không thực hiện đúng cam kết, bồi thường gấp đôi số tiền cọc”. 

Tương tự, chúng tôi được một nhóm nhân viên của một công ty khác đưa đến một dự án đất nền không có tên thương mại, chưa xây dựng hạ tầng tiếp thị: “Đây là dự án đất nền, tổng thể có khoảng 60 nền. Trong 5 ngày mở bán, khách hàng đã mua khoảng 70% số nền. Đất gần sân bay lâu nay đã sốt, giờ thông tin Sân bay Long Thành khởi công trong năm 2020 khiến đất ở đây khan hiếm hơn. Còn pháp lý, đừng lăn tăn, tụi em bán được là tách thửa, xin giấy phép xây dựng được cho bên mua. Nhiều người mua ngày trước, ngày sau, bán lại lời vài chục triệu đồng là bình thường”.

Việc trao đổi mua bán đang diễn ra, bất ngờ một số người đi ô tô, xe máy… tới tranh luận, giành giật các nền đất nằm ở các vị trí đẹp, đến khi nhân viên bán hàng phân giải, sự việc mới được “hạ nhiệt”. Được biết, nhóm người này là người của các dự án trên. Họ xuất hiện tạo nên hiệu ứng bất động sản đang sốt giá đúng vào thời điểm người mua đang chần chừ xuống tiền, để rồi trong phút mất bình tĩnh người mua xuống tiền, dính vào “ma trận”… cơn sốt ảo. 

Tràn lan sai phạm

Ngoài “sốt” đất nền, các dự án được quy hoạch bài bản về lâu dài cũng đua nhau “vượt rào” khi pháp lý còn mập mờ. Nhân viên môi giới từ Dự án Eco tọa lạc thị trấn Long Thành, huyện Long Thành do Công ty Thái Thần Tài làm chủ đầu tư với quy mô rộng đến 9 ha. Mặc dù, dự án đang trong giai đoạn xây dựng hạ tầng nhưng đã rao bán 461 nền, giá từ 10,6 - 25 triệu đồng mỗi m2, tháng 7/2019 khách hàng nhận được giấy chủ quyền.

hinh 3
Nhân viên môi giới tư vấn cho khách hàng

Được biết, Công ty Thái Thần Tài vừa bị công an tỉnh Đồng Nai điều tra xử lý về hành vi vi phạm quy định về sử dụng đất. Cụ thể, tháng 3/2018, UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt cho Công ty Thái Thành Tài (thị xã Long Khánh, Đồng Nai) làm chủ đầu tư khu dân cư tỷ lệ 1/500 tại xã An Phước (huyện Long Thành), diện tích 91.000m2. Tuy vậy, khi chưa hoàn thành cơ sở hạ tầng, nhưng công ty đã quảng cáo, rao bán, nhận tiền đặt cọc.

Liên quan đến những dự án còn “mù mờ” pháp lý, vừa qua, Công an tỉnh Ðồng Nai đã điều tra làm rõ hàng loạt dự án có dấu hiệu vi phạm quy định về sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.

Ông Huỳnh Thanh Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tân xác nhận, đó đều là những công trình xây dựng trái phép bị chính quyền địa phương đã lập biên bản xử lý, UBND TP. Biên Hòa ra quyết định xử phạt tiền buộc khôi phục hiện trạng. Còn các doanh nghiệp có tên trong danh sách vi phạm đều đã quá hạn từ vài tháng đến vài năm nhưng vẫn không thực hiện tháo dỡ công trình vi phạm, khôi phục lại hiện trạng sử dụng đất như yêu cầu.

Giải thích vì sao hàng loạt dự án công trình xây dựng trái phép “mọc” lên khắp nơi ở địa phương quản lý, ông Phương cho rằng, do lực lượng mỏng, địa bàn rộng, các đối tượng vi phạm lại xây dựng lén lút vào ban đêm, vào ngày nghỉ, ngày lễ nên rất khó phát hiện. Thẩm quyền của xã không đủ lực. Chỉ với các bay, vài bao xi măng, ít gạch, người ta lén xây, khi phát hiện, mọi việc đã xong.