Khan hiếm nhà ở cho công nhân

Bất động sản - Ngày đăng : 10:40, 21/05/2019

Thống kê của Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất (KCN&CX) Hà Nội, hiện nay có khoảng trên 140.000 công nhân, người lao động trực tiếp làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn TP.

Dự báo đến hết năm 2020, Hà Nội cần thêm khoảng 2 triệu mét vuông sàn nhà ở cho công nhân tại các KCN&CX. Bởi thế, bất động sản (BĐS) nhà ở khu công nghiệp được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho nhà đầu tư.

Chưa đáp ứng nhu cầu

Anh Bùi Minh Tuấn, công nhân Công ty May 10 - KCN Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, gia đình anh có 4 người, trong đó có 2 con nhỏ đang phải ở trong một phòng trọ rộng hơn 10m2 từ nhiều năm nay.

“Thời gian qua, TP Hà Nội đã triển khai một số dự án nhà ở xã hội (NƠXH) dành cho người thu nhập thấp và công nhân, tôi đã 2 lần nộp hồ sơ nhưng vẫn chưa đủ điều kiện xét duyệt vì số lượng hồ sơ đăng ký mua rất nhiều, trong khi sản phẩm lại không đủ cung cấp” - anh Tuấn nói.

khanhiemnhaochocongnhan
Nhà ở dành cho công nhân KCN Thăng Long, huyện Đông Anh. Ảnh: Phạm Hùng

Anh Trần Văn Tường - công nhân Nhà máy Yamaha (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) cho biết, mới đây anh cũng nộp hồ sơ đăng ký mua căn hộ tại dự án NƠXH Ecohome 3 (quận Bắc Từ Liêm) nhưng cuối cùng cũng không mua được nhà. “Bình quân một căn hộ của dự án có tới 30 - 40 hồ sơ đăng ký mua, cá biệt những căn đẹp nằm ở các góc tòa nhà có tới 80 - 90 hồ sơ đăng ký” - anh Tường chia sẻ.

Trên thực tế, việc khan hiếm các sản phẩm nhà ở dành cho công nhân trong các KCN&CX không chỉ là bài toán nan giải đối với TP Hà Nội mà còn của tất cả các tỉnh, TP trên cả nước. Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), đến năm 2020, nhu cầu về nguồn vốn để phục vụ đầu tư, mua nhà của công nhân và người thu nhập thấp cần khoảng 18.000 tỷ đồng, trong khi đó, giai đoạn 2018 - 2020, Chính phủ mới bố trí được khoảng trên 2.300 tỷ đồng.

4 tháng đầu năm 2019 là thời điểm chứng kiến lượng vốn thu hút FDI đầu tư cao nhất trong 4 năm qua vào Hà Nội với tổng số vốn đăng ký và cấp mới 4,47 USD. Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Khởi cho biết, sự chuyển dịch về địa bàn sản xuất của các tập đoàn quốc tế đã mở ra cơ hội lớn cho phân khúc BĐS công nghiệp, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức vì nhu cầu nhà ở cho công nhân sẽ tăng lên. “Thị trường nhà ở giá rẻ, NƠXH vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Những sản phẩm đã được đưa ra thị trường hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng trên 30% nhu cầu” - ông Khởi cho hay.

Thu hút đầu tư tư nhân

Thời gian gần đây, Hà Nội đã thực hiện nhiều chính sách để phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động tại các KCN&CX nhưng thực tế nhu cầu về nhà ở công nhân trên địa bàn TP vẫn còn rất lớn. Tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND TP Hà Nội với công nhân lao động Thủ đô năm 2019 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện Hà Nội vẫn còn thiếu khoảng 2 triệu mét vuông nhà ở cho công nhân.

“Hà Nội đã xây dựng được 4,2 triệu mét vuông NƠXH và đến năm 2020 sẽ hoàn thành xây dựng đủ 6,2 triệu mét vuông NƠXH để đáp ứng nhu cầu cho người lao động trên địa bàn” - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết.

Thực tế cho thấy, việc phát triển nhà ở cho công nhân nói riêng và NƠXH nói chung đang gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, giá đất tăng nhanh tại đô thị, quỹ đất sạch do TP trực tiếp quản lý để giao cho các DN đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thiếu, thời gian thu hồi nguồn vốn đầu tư nhà ở công nhân kéo dài... nên chưa thực sự thu hút được DN đầu tư.

Theo ông Vũ Đức Khuê - chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam), nhiều quốc gia trong khu vực có kinh nghiệm trong phát triển nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp theo mô hình tập trung hỗ trợ tài chính, đa dạng hóa vai trò của tư nhân và cộng đồng trong công tác đầu tư.

“Mô hình này sẽ giúp cho các dự án được triển khai nhanh hơn, tạo sự đa dạng về sản phẩm. Chính phủ là cơ quan quản lý chung, chính quyền và nhà đầu tư tư nhân sẽ tự lên kế hoạch để đầu tư dự án theo nhu cầu của từng khu vực” - ông Khê nói.

“Trong bối cảnh nguồn vốn ngoại đang rút dần khỏi các thị trường mới nổi, tập trung vào Việt Nam, phân khúc BĐS khu công nghiệp, nhà ở công nhân sẽ phát triển mạnh trong năm 2019, đầu năm 2020. BĐS nhà ở sẽ phát triển theo hai xu hướng, phân khúc cao cấp dành cho những người nước ngoài đến đầu tư và phân khúc giá rẻ dành cho công nhân, người lao động ngoại tỉnh, đặc biệt là ở những khu vực có nhiều KCN.” - TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam.