Phát triển nhà ở cho công nhân: Gỡ khó từ đâu?
Bất động sản - Ngày đăng : 16:11, 23/05/2019
Chưa bao giờ hết “khát”
Hiện nay, tại TP.HCM cũng như các tỉnh, thành khác ở khu vực phía Nam đang có nhiều khu công nghiệp (KCN) hoạt động nhưng công nhân, người lao động làm việc tại các KCN rất khó để kiếm chỗ ở phù hợp và đạt chất lượng. Do vậy, người lao động phải ở trong những điều kiện sống không đảm bảo, thậm chí, phải đi một quãng đường rất xa mới đến được nơi làm việc.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Mai - công nhân của Khu chế xuất (KCX) Linh Trung 2 (quận Thủ Đức, TP.HCM) khăn gói từ Quảng Ngãi vào TP.HCM đã gần 8 năm nay. Mặc dù, vợ chồng tích cực tăng ca, làm thêm giờ, nhưng sau nhiều năm bôn ba “xứ người”, họ vẫn sống trong khu nhà trọ tồi tàn dành cho công nhân.
“Vợ chồng tôi có 2 đứa con, lương mỗi tháng của 2 vợ chồng xấp xỉ 15 triệu. Cả tháng có bao nhiêu khoản để chi, nên khoản nào cũng phải dè xẻn. Trong đó, một phần dùng để thuê nhà. Mà tìm được căn nhà vừa túi tiền rất khó, chưa kể phải chuyển nhà liên tục vì bị chủ lấy lại nhà”, chị Mai cho biết.
Một công nhân khác chia sẻ, hiện có 2 vấn đề rất lớn đối với công nhân ngoại tỉnh đang làm việc tại các KCN - KCX là nhà ở và trường học cho con. Thực tế, nhu cầu này rất cao nhưng tỷ lệ đáp ứng lại thấp, hầu hết công nhân lao động đều phải thuê nhà ở trong dân và gửi con tại các nhóm trẻ tư thục nên chi phí sinh hoạt cao, không được như người địa phương.
Mong muốn của công nhân này cũng giống nguyện vọng chung của nhiều công nhân ở các KCN - KCX trên toàn quốc là được thuê nhà ở hoặc mua nhà có sự hỗ trợ của Nhà nước, có nhiều trường công lập gần các KCN để cho công nhân lao động ngoại tỉnh yên tâm ổn định cuộc sống và làm việc.
Được biết, chỉ riêng trên địa bàn TP.HCM hiện có đến 17 KCX - KCN, 1 khu công nghệ cao và 16 cụm công nghiệp, thu hút khoảng 370.000 công nhân lao động. Theo khảo sát gần đây của các ngành chức năng của TP.HCM, khoảng 70% trong tổng số công nhân đang có nhu cầu về nhà ở, nhà lưu trú.
Thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, thành phố hiện có tổng cộng 34 dự án xây dựng nhà lưu trú dành cho công nhân được hoàn thành với 5.514 phòng, đáp ứng gần 39.400 chỗ ở. Tuy vậy, so với số lượng công nhân có nhu cầu về chỗ ở, nhà lưu trú phục vụ công nhân mới chỉ đáp ứng được gần 15,3%, số còn lại đang phải đi thuê nhà để ở với điều kiện sống rất thấp, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống và làm giảm chất lượng lao động.
Cần cơ chế gỡ khó
Ông Trần Công Khanh, Trưởng Phòng Quản lý các KCN TP.HCM (Hepza) nhận định, hiện tại, nhu cầu về chỗ ở trong các KCN - KCX rất lớn. Phần lớn, các công nhân đều thuê phòng trọ để giải quyết chỗ ở. Trong khi đó, các khu nhà trọ đều chưa đảm bảo điều kiện sinh sống cơ bản cho công nhân.
Cũng theo ông Khanh, một trong các vấn đề còn vướng mặc là quỹ đất đầu tư xây dựng nhà lưu trú. Với quy định hiện hành, quỹ đất xây dựng nhà lưu trú phải nằm ngoài ranh KCN. Điều này đòi hỏi nhà quy hoạch phải có chiến lược xây dựng quỹ đất. Đồng thời, các Sở, ban, ngành cũng cần có sự hỗ trợ về vốn, thủ tục cho các doanh nghiệp (DN) đầu tư xây dựng nhà lưu trú.
Cùng với đó, theo tổng hợp của Hepza, DN đầu tư NOXH hiện mong muốn được áp dụng thuế suất ưu đãi thuế giá trị gia tăng (thuế suất 0%), miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, Nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án (giao thông, cấp điện, cấp nước…).
Theo ông Trần Quốc Đạt, Phó trưởng Phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng TP.HCM, tại TP.HCM trong các đồ án quy hoạch KCN, KCX đều bắt buộc có quy hoạch khu dân cư phục vụ cho công nhân, chuyên gia nhưng quỹ đất eo hẹp nên rất khó. “Hiện, chúng tôi đang xin UBND thành phố thu hồi quỹ đất do Nhà nước sử dụng không hiệu quả để lựa chọn nhà đầu tư làm nhà lưu trú cho công nhân”, ông Đạt nói.
Cũng theo ông Đạt, hiện, thành phố đang có 47ha quỹ đất để triển khai các dự án NOXH và nhà lưu trú cho công nhân. Thời gian qua, nhiều DN đã nỗ lực thực hiện việc xây dựng nhà ở cho công nhân và NOXH. Tuy vậy, DN cũng gặp một số khó khăn, cụ thể như ngoài được ưu đãi thuế, thì doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục hành chính, đầu tư không khác nhà ở thương mại bao nhiêu. Đây chính là cái khó đối với DN làm NOXH và nhà lưu trú cho công nhân.
Còn ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM mong muốn, người lao động có nơi ăn chốn ở được đàng hoàng để đời sống được cải thiện tốt hơn. Tuy vậy, qua khảo sát của Liên đoàn cho thấy, phần lớn người lao động phải ở các khu nhà trọ tự phát, có những khu nhà trọ ọp ẹp, môi trường sống không đảm bảo. Ông Tâm cũng cho rằng, Nhà nước cần phải có quy định tiêu chuẩn xây nhà trọ cho công nhân. Và nên thành lập quỹ hỗ trợ cho các chủ nhà trọ nâng cao, xây mới các khu nhà trọ đảm bảo chất lượng.
Ông Trần Đức Vinh, Tổng Giám đốc Trần Anh Group, một DN bất động sản đầu tư nhà ở tại KCN kiến nghị, Nhà nước nên giúp đỡ, tạo điều kiện cho các DN bất động sản đầu tư NOXH, nhà ở công nhân. Trong đó, nên giảm bớt thủ tục về chính sách mua NOXH cho công nhân. Như vậy, DN mới có động lực để đầu tư. Ngoài ra, nên giảm bớt các thủ tục hành chính và có các chính sách hỗ trợ cho các DN. Vì làm NOXH lợi nhuận rất thấp, nếu thủ tục hành chính kéo dài, các DN rất khó đầu tư.