Kiến nghị cấp sổ đỏ có thời hạn cho condotel

Bất động sản - Ngày đăng : 19:41, 10/12/2018

(TN&MT) - Đó là  một trong những nội dung trong văn bản mà Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa gửi đến Chính phủ và các Bộ ngành liên quan để kiến nghị hoàn thiện cơ sở pháp lý cho loại hình căn hộ khách sạn (condotel).
condotel
Ảnh minh họa

Theo đó, bên cạnh việc công bố quyền sử dụng đất có thời hạn khi bán, HoREA cho rằng Bộ Xây dựng cần có yêu cầu chủ đầu tư dự án condotel phải công bố các biện pháp bảo đảm thực hiện cam kết lợi nhuận theo hợp đồng mua bán căn hộ condotel.

Đồng thời, công bố minh bạch các chi phí trang bị căn hộ, chi phí quản lý trong quá trình kinh doanh, các quyền lợi mà nhà đầu tư thứ cấp được hưởng. Thống nhất với nhà đầu tư thứ cấp về việc khai thác, kinh doanh căn hộ condotel sau khi đã hết thời hạn cam kết (sau 8 - 12 năm) để nhà đầu tư yên tâm đầu tư.

Ngoài ra, để phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững thị trường căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch để hoàn thiện bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng cụ thể đối với loại hình căn hộ condotel.

Tiếp tục áp dụng chế độ sử dụng đất có thời hạn tối đa 50 năm đối với đất du lịch. Trên cơ sở đó, người mua sản phẩm condotel trong các dự án du lịch nghỉ dưỡng được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu và quyền sử dụng đất có thời hạn theo thời hạn của dự án.

Mặt khác, HoREA cũng kiến nghị cho cá nhân nước ngoài được mua căn hộ condotel để đầu tư, bởi theo Luật Nhà ở, cá nhân nước ngoài chỉ được mua nhà ở trong các dự án nhà ở thương mại ngoài khu vực bảo vệ quốc phòng, an ninh.

HoREA còn đề xuất nhà đầu tư mua căn hộ condotel sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ và quyền sử dụng đất có thời hạn theo thời hạn sử dụng đất của dự án, khi hết hạn sử dụng đất thì được gia hạn theo quy định của pháp luật. 

Theo HoREA, từ năm 2015 đến tháng 9/2017, cả nước đã có 71 dự án condotel, officetel được cấp phép với tổng số 25.639 căn, trong đó có 15.010 căn hộ condotel. Song, do chưa hoàn thiện về cơ sở pháp lý, nên đã dẫn đến những lúng túng trong việc “ứng xử” với loại hình sản phẩm mới này.