Đà Nẵng xin Thủ tướng lấy lại sân Chi Lăng

Bất động sản - Ngày đăng : 15:41, 28/11/2018

(TN&MT) - Ngày 28/11, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến Thủ tướng được trả chuyển tiền cho doanh nghiệp và để được giữ lại toàn bộ diện tích sân Chi Lăng vốn đã bán cho Tập đoàn Thiên Thanh.
UBND TP. Đà Nẵng thông tin rằng, xuất phát từ tâm tư của chính quyền và nhân dân TP. Đà Nẵng, đồng thời theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND, TP. Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng cho phép chính quyền Đà Nẵng được giữ lại toàn bộ diện tích đất tại sân Chi Lăng
UBND TP. Đà Nẵng thông tin rằng, xuất phát từ tâm tư của chính quyền và nhân dân TP. Đà Nẵng, đồng thời theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND, TP. Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng cho phép chính quyền Đà Nẵng được giữ lại toàn bộ diện tích đất tại sân Chi Lăng

Theo đó, UBND TP. Đà Nẵng thông tin rằng, xuất phát từ tâm tư của chính quyền và nhân dân TP. Đà Nẵng, đồng thời theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND, TP. Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng cho phép chính quyền Đà Nẵng được giữ lại toàn bộ diện tích đất tại sân Chi Lăng thông qua thi hành án bằng cách tự nguyện, thỏa thuận với các bên được thi hành án. 

Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, TP. Đà Nẵng sẽ chuyển trả toàn bộ số tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách khi được giao khu đất nói trên để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của người sử dụng đất có đất đang bị thế chấp. Số tiền sử dụng đất TP. Đà Nẵng thực tế thu nộp ngân sách khi giao quyền sử dụng đất là 1.251 tỷ đồng.

Hiện nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (chủ nợ của Tập đoàn Thiên Thanh) đều là ngân hàng 100% vốn Nhà nước. Do đó, UBND TP. Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xem xét kiến nghị của UBND TP. Đà Nẵng cho phép thành phố thỏa thuận với các ngân hàng trên nhằm thực hiện thay nghĩa vụ thi hành án của người sử dụng đất, đồng thời thu hồi lại các khu đất tại sân Chi Lăng.

Theo hồ sơ của cơ quan chức năng, sân Chi Lăng đã được chia thành 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại sân Chi Lăng. Tất cả đều được cấp thời hạn sử dụng lâu dài. Theo Luật đất đai, sân Chi Lăng thuộc diện đất thương mại, được cấp đất có thời hạn. Có 4 lô đất thuộc giai đoạn 2 chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng.

Một góc SVĐ Chi Lăng, TP. Đà Nẵng
Một góc SVĐ Chi Lăng, TP. Đà Nẵng

Trước đó, vào năm 2010, Đà Nẵng đã bán sân Chi Lăng cho Tập đoàn Thiên Thanh thu về gần 1.251 tỷ đồng. Ngay khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Tập đoàn Thiên Thanh đã thế chấp ở ngân hàng với số tiền lớn hơn nhiều lần so với số tiền mua đất.

Khi chuyển giao dự án khu phức hợp tại sân vận động Chi Lăng cho Tập đoàn Thiên Thanh, TP. Đà Nẵng phải giải tỏa hàng trăm hộ dân, số tiền đền bù lên đến hơn 200 tỷ đồng. Đà Nẵng cũng phải đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng xây dựng một khu liên hợp thể thao mới để thay thế cho sân vận động Chi Lăng.

Ngày 29/7/2014, ông Phạm Công Danh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thiên Thanh bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an bắt tạm giam. Dự án sân vận động Chi Lăng nằm trong những nội dung sai phạm nên bị phong tỏa tài sản. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nắm quyền quản lý sân vận động Chi Lăng. Từ năm 2015, chính quyền TP.Đà Nẵng đã từng thương thảo với Ngân hàng Nhà nước để lấy lại quyền sử dụng đất sân Chi Lăng nhưng chưa thành công.

Trước đó, liên quan đến việc bán tháo SVĐ Chi Lăng cho Công ty CP Tập đoàn Thiên Thanh, Ủy ban kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng đã thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với các ông Phan Xuân Ít (nguyên Phó Chánh văn phòng, Trưởng phòng quản lý đô thị thuộc Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng); ông Nguyễn Đình Thống (nguyên Giám đốc Công ty Quản lý và Khai thác đất TP. Đà Nẵng).