Khai thác không gian ngầm đô thị: Cần sự đột phá về chính sách
Bất động sản - Ngày đăng : 11:13, 20/08/2018
“Mỏ vàng” còn bỏ ngỏ
Hiện tại, Hà Nội đang quản lý trên 550.000 phương tiện ô tô và khoảng 6 triệu xe máy, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên lưu thông trên địa bàn. Nhiều năm nay, chỉ riêng không gian dành cho giao thông tĩnh của Thủ đô gặp nhiều khó khăn do quỹ đất ngày càng hẹp lại. Vì vậy việc tạo ra không gian ngầm hoặc trên cao được cho là phương án hữu hiệu để giải quyết bài toán này.
Thạc sĩ Quản lý đô thị Đinh Quốc Thái nhìn nhận, khi quỹ đất ngày càng eo hẹp, áp lực phát triển đô thị gia tăng thì việc lập quy hoạch ngầm để có thêm không gian tĩnh dưới lòng đất được xem sẽ giảm tải áp lực cho hạ tầng nổi và đáp ứng được tốc độ phát triển đô thị trong giai đoạn hiện nay. “Không gian ngầm được xem là “mỏ vàng” của kinh tế “đất” vẫn chưa được khai thác. Phát triển không gian ngầm sẽ góp phần quan trọng vào việc gia tăng diện tích cho giao thông và giải quyết vấn đề quá tải, ùn tắc. Đặc biệt giao thông ngầm cũng kết nối được nhiều tiện ích khác như không gian dành cho người đi bộ, thương mại, dịch vụ…” - ông Đinh Quốc Thái chia sẻ.
Thời gian qua, nguồn thu từ đất chiếm khoảng 8 – 10% ngân sách của nhiều tỉnh, TP. Theo nhiều chuyên gia, quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp thành phi nông nghiệp, đất ở, để đầu tư, kinh doanh, các dự án phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, các khu đô thị, dân cư... tiến tới là xây dựng hệ thống công trình ngầm sẽ giúp tăng thu ngân sách.
Thiếu quan tâm đúng mức
TP Hồ Chí Minh có lẽ là địa phương đi đầu trong việc triển khai xây dựng các công trình ngầm, các dự án bãi đỗ xe ngầm kết hợp dịch vụ (tại các Công viên Lê Văn Tám, Tao Đàn, sân khấu Trống Đồng, Sân vận động Hoa Lư). Đặc biệt, các tuyến Metro 1, 2, 3a, 4, 5, 6 đã được quy hoạch từ hàng chục năm nay. Đoạn hầm ngầm đầu tiên của tuyến Metro số 1 được hoàn thành từ Nhà hát TP đến Ga Ba Son vào tháng 11/2017...
"Kinh nghiệm từ nhiều nước phát triển cho thấy, việc khai thác không gian ngầm làm trung tâm thương mại, giao thông… sẽ giải quyết nhiều vấn đề khi hạ tầng đô thị nổi trở nên quá tải. Đó cũng chính là một trong những lời giải cho bài toán chống ùn tắc giao thông mà chúng ta hoàn toàn có thể học tập và dần đưa ngay vào nội dung “ngầm hóa” hạ tầng trong quy hoạch." - Thạc sĩ Quản lý đô thị Đinh Quốc Thái |
Tại Hà Nội việc triển khai quy hoạch không gian ngầm chậm hơn so với TP Hồ Chí Minh, nhưng quy hoạch cho 8 tuyến Metro cũng đã được triển khai, trong đó có một phần tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Bên cạnh đó, việc xây dựng các công trình ngầm để phục vụ hoạt động của đô thị đang được đẩy mạnh trong những năm gần đây. Đó là sự xuất hiện của các Trung tâm thương mại ngầm quy mô lớn như Mega Mall tại Royal City hay Time City… Tuy nhiên, về cơ bản việc khai thác không gian ngầm tại Hà Nội vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Về vấn đề này, ông Đinh Quốc Thái cho biết, với một đô thị hiện đại, hệ thống hạ tầng ngầm phải chiếm ít nhất từ 25 – 30% số lượng các công trình, còn tại một số quốc gia phát triển chiếm tới 60 – 70%. Nhưng hiện nay, việc khai thác không gian ngầm ở Hà Nội cũng như cả nước chưa được quan tâm đúng mức. Các công trình ngầm vẫn chưa có sự kết nối với nhau giữa các dự án, nhà đầu tư vẫn theo xu hướng “mạnh ai nấy làm”. Và trên thực tế, diện tích không gian ngầm dưới lòng đất gần như đang bị bỏ trống.
Giải pháp chiến lược phát triển đô thị
Các chuyên gia về đô thị và nhà tư vấn quy hoạch đều cho rằng xây dựng hệ thống hạ tầng ngầm được coi là giải pháp chiến lược cho quá trình phát triển đô thị bền vững. Theo KTS Nguyễn Tuấn Hải – Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, xây dựng không gian ngầm đáp ứng được 2 khía cạnh quan trọng trong phát triển bền vững đô thị, đó là: Dịch vụ đáp ứng yêu cầu của cuộc sống ngày càng cao; Sử dụng tiết kiệm tài nguyên đất tại đô thị. "Nhưng các không gian ngầm phải gắn bó mật thiết với kết cấu không gian mặt đất để cung cấp và bổ sung cơ sở vật chất cho hệ thống dịch vụ còn thiếu, đồng thời góp phần giải quyết vấn đề giao thông và bảo vệ môi trường cảnh quan đô thị" - ông Hải cho hay.
Cần sự đột phá về chính sách
Khi tất cả các yêu cầu về quy hoạch, kết nối liên hoàn, tương thích được đảm bảo, việc không gian ngầm Hà Nội đi vào hoạt động ổn định không chỉ cải thiện áp lực đô thị, mà còn giúp thị trường bất động sản có thêm một mảng sản phẩm mới. Tuy nhiên, hiện nay, cơ chế, chính sách về phát triển hạ tầng ngầm chưa được rõ ràng nên nhà đầu tư vẫn chưa thực sự quan tâm. Bên cạnh đó, việc phát triển hệ thống hạ tầng ngầm đòi hỏi phải có nguồn tài chính lớn, nên cũng là rào cản trong việc đầu tư phát triển.
Do vậy, các chuyên gia cho rằng, muốn phát triển hệ thống hạ tầng ngầm, chính quyền các đô thị phải dành sự quan tâm nhiều hơn, xây dựng các chính sách đồng bộ trong quy hoạch, xây dựng, kết nối; Có chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư. Ví như, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình ngầm, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay chính sách trả tiền thuế đất nếu xây dựng công trình ngầm nhằm mục đích kinh doanh. Với loại không gian ngầm mang tính cấp bách như bãi đỗ xe ngầm, công trình đầu mối ngầm, hào kỹ thuật ngầm..., nên sớm có riêng chính sách hỗ trợ, ưu đãi nhà đầu tư.
Ngày 3/12/2015, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 6649/QĐ-UBND, phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - TP Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu quy hoạch nhằm cụ thể hóa và bổ sung nội dung quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị của đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về xây dựng, quản lý và sử dụng công trình ngầm trên địa bàn; Đồng thời làm cơ sở cho việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu không gian xây dựng ngầm đô thị và các dự án đầu tư xây dựng tại Hà Nội. |