Cầu Cát Lái có làm “sống lại” đô thị Nhơn Trạch?

Bất động sản - Ngày đăng : 15:45, 21/08/2018

(TN&MT) - Đô thị Nhơn Trạch (Đồng Nai) được xây dựng rồi… bỏ hoang cả chục năm nay. Nguyên nhân của việc này một phần được cho là cách trở về địa lý nên không thể hấp dẫn cư dân, cũng như các nhà đầu tư trong nước. Mới đây, tỉnh Đồng Nai nhận trách nhiệm chủ trì dự án đầu tư xây dựng cầu Cát Lái thì vấn đề đô thị Nhơn Trạch bắt đầu "nóng" trở lại.
 
LAI1
Nhiều người dân tỉnh Đồng Nai hằng ngày đi TP.HCM bằng cách qua phà Cát Lát

Đô thị vắng bóng người

Thời gian qua, người dân tỉnh Đồng Nai và các địa phương lân cận như TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu… không khỏi lo ngại khi chứng kiến cảnh hoang tàn của TP mới Nhơn Trạch. Vùng đất này được quy hoạch thuộc phía Đông tỉnh Đồng Nai, giáp với 2 vùng kinh tế năng động là TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án TP mới Nhơn Trạch được Chính phủ phê duyệt từ năm 1996, xem như “cánh tay nối dài” của TP.HCM. Từ một vùng đất nông nghiệp thuần túy, Nhơn Trạch thành khu vực “đại dự án”. Lúc bấy giờ, dự báo về dân số của Nhơn Trạch đến năm 2010 là khoảng 265.000 người, năm 2020 khoảng 600.000 người; trong đó, cư dân trung tâm đô thị là 450.000 người.

Đầu những năm 2000, hàng loạt nhà đầu tư từ các miền Bắc - Trung - Nam từng kéo về Nhơn Trạch xí phần “chiếc bánh thơm”. Tổng cộng, 74 dự án lớn với gần 5.000ha đất đã được giao cho các nhà đầu tư để triển khai xây dựng. Thế nhưng, đến nay, đã gần 20 năm trôi qua, hiện chỉ có 12 dự án được thực hiện dở dang, số còn lại bỏ hoang hoàn toàn hoặc nhà đầu tư “bỏ của chạy lấy người”. Sau những năm tháng ồn ào theo cơn sốt bất động sản, Nhơn Trạch giờ vẫn chỉ là một đô thị vệ tinh của tỉnh Đồng Nai, được xây dựng dở dang, hiu hắt đến lạ.

Ông Nguyễn Văn Hảo, người dân sống lâu năm tại xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) thổ lộ: “Từ những năm 1998, nghe tin chuẩn bị có dự án xây TP ở Nhơn Trạch là người dân khắp nơi đổ về mua đất nhiều lắm. Sau đó người dân chúng tôi thấy người ta xây mấy con đường lớn, mấy cái biệt thự lên xong rồi bỏ đó. Đến nay khu này vẫn thưa thớt như vậy, thậm chí là âm u hơn vì nhiều ngôi nhà được xây xong bỏ hoang, cỏ cây mọc lút đầu người”.

Được biết, những khu đất có diện tích lớn ở TP mới Nhơn Trạch đều có chủ sở hữu. Nhưng không hiểu vì lý do gì, những người chủ này chỉ mua đất rồi để lại đó, không có bất kỳ động thái đầu tư, xây dựng nào. Tình trạng này khiến nhiều người muốn mua đất lẻ để sinh sống cũng rất khó khăn. Theo lời người dân trong vùng, quãng những năm 2006 - 2008, giá đất tại đây rất cao. Tuy nhiên, hiện tại đã hạ xuống rất nhiều.

LAI2
Nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang nhiều năm tại đô thị Nhơn Trạch

“Hồi sinh” nhờ cầu Cát Lái

Tháng 5/2017, sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương, TP.HCM khẩn trương bắt tay nghiên cứu thực hiện dự án xây cầu Cát Lái, đồng thời triển khai nhiều công trình cải tạo, nâng cấp đường, xây dựng nút giao Mỹ Thủy…, để giảm tải tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông quanh khu vực này. Đến tháng 7 năm nay, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và TP.HCM đã có cuộc họp bàn việc thực hiện xây cầu Cát Lái, và bước đầu đưa ra quyết định tỉnh Đồng Nai thực hiện dự án. Dự kiến công trình có thể bắt đầu khởi công từ năm 2020. Cầu Cát Lát có tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 4,5km, vận tốc thiết kế 80 km/h; mặt cắt ngang đường 60 m, đảm bảo 6 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp; mặt cắt ngang cầu phù hợp với quy mô tuyến. Theo tính toán, tổng mức đầu tư xây dựng cầu Cát Lái dự kiến hơn 5.700 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 1.200 tỷ đồng.

Từ khi thông tin cầu Cát Lái được xây dựng, bất động sản ở khu vực Nhơn Trạch bắt đầu ấm dần lên. Nhiều doanh nghiệp và khách hàng đã chuyển hướng đầu tư về đây. Một số doanh nghiệp cho rằng xét trên tổng thể, Nhơn Trạch chỉ “mắc kẹt” khi chưa thể kết nối một cách hoàn chỉnh với TP.HCM. Khu đô thị này luôn được đánh giá tốt với hạ tầng nội khu quy hoạch bài bản mà hiếm đô thị nào ở Việt Nam so được. Nhưng từ trước tới nay, nhắc đến Nhơn Trạch, nhiều người vẫn nghĩ đến khu đô thị không có người ở, khiến cho tình hình càng trở nên tối tăm hơn.

Theo chuyên gia đầu tư bất động sản Phan Công Chánh, đánh giá là vị trí “vàng” nhưng rõ ràng Nhơn Trạch vẫn chưa được đánh thức đúng lúc. Với những lời ong tiếng ve mà giới đầu cơ để lại, khu vực này vẫn khó được nhìn nhận đúng với giá trị thực tế của mình. Tại các khu vực lân cận, ví như quanh khu vực sân bay quốc tế Long Thành, giao dịch bất động sản khá sôi nổi từ nhu cầu thật. Vì vậy, nếu cây cầu Cát Lái được thi công thì đô thị Nhơn Trạch sẽ hồi sinh. Bởi đô thị này đã được quy hoạch bài bản và không phải mất thời gian điều chỉnh nhiều.

Một số chuyên gia khác cũng nhận định rằng hơn 15 năm qua, khu đô thị Nhơn Trạch đã "ngủ yên" và vẫn chưa lên được TP như kế hoạch đề ra, bởi nơi đây thiếu hạ tầng kết nối và chỉ tập trung vào phát triển công nghiệp, mà công nghiệp thì không bao giờ trở thành đô thị mà phải là thương mại, dịch vụ. Do vậy, thời gian gần đây TP.HCM và Đồng Nai đã làm việc với nhau cùng hợp tác phát triển nhiều dự án hạ tầng giao thông kết nối quy mô lớn, nhằm chuẩn bị đón đầu cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành ra đời.

Trong một diễn biến có liên quan, một chuyên gia nghiên cứu thị trường địa ốc của CBRE Việt Nam nhấn mạnh, đang xuất hiện "khu tứ giác bất động sản mới" tại những khu vực xung quanh dự án sân bay quốc tế Long Thành, chính vì thế hơn 2 năm qua nhiều công ty địa ốc trong và ngoài nước dành sự ưu tiên lớn cho nơi này. Theo kế hoạch của Chính phủ, dự kiến đến năm 2025, giai đoạn 1 của dự án sân bay quốc tế Long Thành mới được đưa vào vận hành thương mại, nhưng trong 2 năm trở lại đây thị trường bất động sản của vùng tứ giá này đang bước vào một cuộc cạnh tranh vô cùng sôi động. Bằng chứng là nhiều doanh nghiệp bất động sản ào ạt đổ vốn phát triển các khu đô thị, giá đất vì thế cũng đang thiết lập mặt bằng mới, tăng khoảng 20 - 40% so với đầu năm 2017.