Quảng Nam: Hạn chế bỏ đất hoang hóa, không đầu tư kết cấu hạ tầng

Bất động sản - Ngày đăng : 12:38, 23/07/2018

Cùng với việc thực hiện rà soát các dự án trên địa bàn, tỉnh Quảng Nam cũng bắt đầu có những bước điều chỉnh nhằm tránh ảnh hưởng sức nóng do cơn sốt bất động sản (BĐS) tác động tới trong thời gian qua.

Chủ đầu tư quy hoạch dự án kiểu "da beo"

Trong vài năm trở lại đây, tỉnh Quảng Nam chịu nhiều tác động tiêu cực từ sự phát triển quá nóng của thị trường BĐS. Đặc biệt tác động từ thị trường BĐS Đà Nẵng khiến khu vực Điện Nam - Điện Ngọc, Hội An trở thành điểm nóng thu hút các nhà đầu tư và người đầu tư vào BĐS.

Kéo theo đó là hiện tượng đầu cơ đất, tăng giá đột biến... tạo nên những áp lực không nhỏ trong công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, giải quyết đất ở cho người thật sự có nhu cầu, cũng như các vấn đề về môi trường, dân sinh với khu vực giáp ranh Quảng Nam - Đà Nẵng.

DAT BO HOANG
Có tình trạng giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch theo kiểu “da beo”.

Trong thực hiện dự án, có tình trạng giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch theo kiểu “da beo”, chỉ tiến hành ở những nơi thuận lợi, dẫn đến quy hoạch manh mún, nhiều dự án đã đầu tư nhưng không khớp nối hạ tầng kỹ thuật dự án với hạ tầng khung, chưa có hệ thống thoát nước đã ảnh hưởng đến môi trường, đời sống của người dân trong vùng dự án.

Điều này còn gây nhếch nhác bộ mặt đô thị, nguy cơ tác động tiêu cực đến cảnh quan môi trường, phá vỡ quy hoạch. Hiện trạng nhiều dự án đang xảy ra những vấn đề mà theo báo cáo Đoàn giám sát HĐND tỉnh Quảng Nam đánh giá là có nhiều hạn chế, bất cập.

Điển hình một số dự án khu vực ven biển Điện Bàn - Hội An chưa đảm bảo khoảng cách khu đất dự án với mép nước triều cường trung bình nhiều năm về phía đất liền khoảng 100m; khoảng cách giữa các dự án liền kề, làm ảnh hưởng việc sử dụng bãi biển công cộng của người dân, khó khăn trong công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.

Khu vực ven sông Cổ Cò có tình trạng cốt san nền các dự án cao hơn khu vực dân cư dẫn đến tình trạng ngập úng cục bộ. Tại khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, chưa có giải pháp căn cơ về hạ tầng thu gom, xử lý nước thải cho đô thị, hạ tầng thiết yếu như: Trường học, bệnh viện...

Đặc biệt tính khớp nối đồng bộ hạ tầng của từng dự án với hạ tầng kỹ thuật chung; nhiều dự án đưa vào kế hoạch sử dụng đất mang tính cơ hội, phụ thuộc vào ý tưởng nhà đầu tư, không tuân thủ quy hoạch sử dụng đất, chưa đảm bảo thông tin về nguồn vốn đầu tư, chủ trương đầu tư theo quy định, dẫn đến danh mục dự án đề xuất đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm còn sai sót, thiếu tính khả thi.

Tình trạng "hổng" trong quy hoạch còn diễn ra khi một số khu đô thị, khu dân cư đã đầu tư cơ bản về kết cấu hạ tầng, nhưng việc xây dựng nhà ở trên thực tế còn rất ít. Một số nơi hình thành các khu dân cư riêng lẻ, khu đô thị nhỏ hẹp, chưa quan tâm đến chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu.

Nhiều biện pháp hạ nhiệt sức nóng từ BĐS

Hạn chế một phần khác đến từ năng lực quản lý từ cấp địa phương, khi một số nơi lúng túng trong việc triển khai, bố trí nguồn lực, cung cấp thông tin dự án, thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định năng lực tài chính, năng lực thị trường của các chủ đầu tư; không quan tâm đến việc rà soát chặt chẽ giữa kế hoạch sử dụng đất của từng dự án với quy hoạch sử dụng đất theo phân khu chức năng.

DAT BO HOANG 2
Quảng Nam sẽ hạn chế bỏ đất đai hoang hóa, không đầu tư kết cấu hạ tầng

Trước thực trạng này, tỉnh Quảng Nam đã có những biện pháp nhằm điều chỉnh hợp lý, vừa giảm nhiệt sức nóng tiêu cực cho thị trường BĐS Quảng Nam vừa giúp các chủ đầu tư an tâm tiếp tục đổ tiền đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh.

Đó là việc phát huy vai trò Trung tâm Phát triển quỹ đất, Quỹ phát triển đất trong việc tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư; cũng như vai trò, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định giá đất.

Tăng cường giám sát công tác lập, tổ chức và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn, việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 dự án, trình tự thủ tục thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện theo đúng quy định.

Trong đó về mặt quản lý Nhà nước là việc lập, thẩm định kế hoạch sử dụng đất hàng năm; rà soát thực hiện trước những khu vực, dự án trọng điểm để tạo nguồn cơ sở dữ liệu đồng bộ; thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, thanh tra và giám sát việc quản lý, sử dụng đất theo quy hoạch, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, kinh doanh BĐS, vi phạm cam kết tiến độ thực hiện dự án.

Đồng thời, công bố công khai các tổ chức, chủ đầu tư chậm triển khai dự án, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất. Có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật, không giao đất cho các chủ đầu tư không đảm bảo điều kiện theo quy định tại Điều 58 Luật Đất đai 2013.

Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh BĐS, tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; sớm ban hành quy trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh.

Thường xuyên thống kê, cập nhật, lưu trữ đầy đủ thông tin, dữ liệu thị trường BĐS làm cơ sở lập quy hoạch, phê duyệt dự án nhà ở phù hợp nhu cầu của thị trường, hạn chế tình trạng bỏ đất đai hoang hóa, không đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật hoặc đầu tư nhưng không xây dựng nhà ở, gây lãng phí nguồn lực ngân sách, đất đai.

Khi phê duyệt dự án khu đô thị, khu dân cư cần lưu ý dành từ 10 - 20% quỹ đất cho tái định cư, xây dựng nhà ở xã hội theo quy định, đa dạng hóa loại hình tái định cư về vị trí, đất ở hoặc suất đầu tư, diện tích phân lô nhằm phù hợp với điều kiện thực tế (thu nhập, ngành nghề, tập quán...) ở từng vùng, miền cụ thể và khả năng chi trả của các nhóm đối tượng.

Đặc biệt, tỉnh sẽ khẩn trương xúc tiến đầu tư nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò, tạm dừng phê duyệt thực hiện dự án mới, rà soát các dự án đã cấp phép ven sông Cổ Cò để điều chỉnh phù hợp quy hoạch phát triển không gian đô thị dọc hai bên bờ sông Cổ Cò, đảm bảo khớp nối quy hoạch giao thông, du lịch và quy hoạch chung giữa tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.