Bất động sản Việt Nam “hớp hồn” nhà đầu tư ngoại
Bất động sản - Ngày đăng : 20:16, 05/07/2018
Dẫu tốc độ đô thị hóa tại các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng đang diễn biến mạnh mẽ, người dân ở các tỉnh lẻ đổ về các đô thị này sinh sống rất nhiều, dẫn đến giá nhà cửa tăng cao, song với mức giá rẻ hơn so với các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore, BĐS Việt Nam đang ngày càng thu hút các nhà đầu tư từ Hồng Kông và Trung Quốc. Theo đó, giá BĐS trung bình tại TP.HCM thấp hơn lần lượt 14% và 18% so với Hồng Kông và Trung Quốc. Theo dữ liệu từ hãng dịch vụ quản lý và đầu tư BĐS toàn cầu JLL, giá nhà tại TPHCM đã tăng khoảng 3,6% trong năm 2017, và giá biệt thự và nhà liền kề tăng 13,6%. Giới phân tích nhận định thị trường BĐS TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm nay.
Bất chấp các biện pháp kiểm soát dòng tiền chảy ra nước ngoài của Trung Quốc, mức giá tương đối rẻ tại Việt Nam vẫn rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước này. Nhu cầu mua BĐS Việt Nam của các nhà đầu tư Trung Quốc trong quý 1 năm nay đã tăng hơn 300% so với quý đầu năm 2017. Dù vẫn nằm ở top dưới trong danh sách ưu tiên so với Thái Lan hay Malaysia, nhu cầu tại thị trường Việt Nam đang tăng nhanh. Trong khi đó, ông Chen Lian Pang, CEO của CapitaLand Việt Nam cho biết khách hàng đến từ Hồng Kông vẫn tiếp tục là nguồn khách nước ngoài lớn nhất của công ty kể từ khi công bố một dự án lớn ở TPHCM năm 2016. Thị trường BĐS Singapore đã bão hòa, còn Thái Lan thì đã dư cung và giá cũng không còn rẻ nữa.
Đáng chú ý, trong hai năm 2017 - 2018, thị trường BĐS trong nước gia tăng một số thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) của các đối tác Trung Quốc. Tiêu biểu là thương vụ quỹ đầu tư VinaCapital cho biết đã bán 70% cổ phần của mình trong dự án khu đô thị 198,5 hecta Đại Phước Lotus ở Đồng Nai cho China Fortune Land Development (CFLD). Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư phát triển Trung Quốc khác cũng đang xúc tiến mua lại các dự án BĐS tại Việt Nam. Đơn cử, dự án Waterpoint có quy mô 350ha tại Long An của Công ty CP đầu tư Nam Long cũng được nhà đầu tư Trung Quốc để mắt tới.
Sôi động hoạt động đầu tư
Theo báo cáo đầu tư mà bộ phận nghiên cứu Savills vừa công bố, trong thời gian qua, sự tăng trưởng du lịch đã thúc đẩy các nhà đầu tư tập trung nhiều hơn vào thị trường BĐS nghỉ dưỡng. Ngoài ra, trong quý đầu tiên của năm 2017, thị trường BĐS Việt Nam cũng chứng kiến những hoạt động đầu tư sôi động. Kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng mạnh nhất trong 10 năm qua, tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước (YoY) trong quý đầu tiên của năm 2018 và mở rộng đà phát triển trong nửa cuối năm 2017. Theo đó, Việt Nam tiếp tục thu hút sự quan tâm đầu tư và TPHCM nổi bật trong danh sách của các nhà đầu tư, đảm bảo vị trí hàng đầu cho triển vọng thu hút vốn và phát triển khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tâm lý thị trường vẫn tích cực trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng nâng cao và lượt khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng, các nhà đầu tư cũng đang tìm kiếm các địa điểm phát triển và sở hữu trong lĩnh vực khách sạn. Vào tháng 1 vừa qua, Tập đoàn khách sạn Mikazuki của Nhật Bản đã công bố kế hoạch đầu tư 100 triệu USD vào một dự án ở Đà Nẵng. Với diện tích gần 11,5ha, dự án phát triển nhằm đáp ứng một khu phức hợp khách sạn, công viên nước, công viên giải trí và khu ẩm thực đẳng cấp năm sao phía trước bãi biển Đà Nẵng. Cũng trong quý 1 năm nay, Bamboo Capital, một công ty đầu tư có trụ sở tại Việt Nam, đã mua lại dự án khu nghỉ mát Malibu với giá khoảng 14,8 triệu USD từ Công ty TNHH Indochina Hội An Beach Villas.
Thị trường BĐS vẫn thể hiện tiềm năng hấp dẫn đối với những nhà phát triển quan tâm đến các dự án phức hợp, hướng tới thành phần dân cư đa dạng ở các TP lớn. Vào tháng 3-2018, CapitaLand đã mua lại khoảng 0,9ha tại một vị trí đắc địa ở quận Tây Hồ, TP.Hà Nội. Dự án này bao gồm một khu dân cư 380 căn hộ, khoảng 21.400m2 diện tích văn phòng, và hơn 19.300m2 diện tích bán lẻ. Thương vụ mới nhất này sẽ mở rộng danh mục đầu tư của CapitaLand lên đến 12 khu phát triển dân cư, một khu phát triển tích hợp và 21 khu nhà ở dịch vụ, trải dài trên khắp 6 TP của Việt Nam. Keppel Land, một nhà phát triển Singapore khác cũng đã thâu tóm 10% cổ phần còn lại của Jencity Limited, cùng kế hoạch xây dựng một cộng đồng - Saigon Sports City - với khoảng 11,4 triệu USD. Với diện tích 64ha, TP thu nhỏ này sẽ bao gồm khoảng 4.300 căn nhà cao cấp và trung tâm sống lý tưởng hàng đầu Việt Nam, với đầy đủ cơ sở vật chất cho thể thao, giải trí, mua sắm và ăn uống.
Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam, hoạt động đầu tư, mua bán sáp nhập đang được triển khai bởi phần lớn các nhà đầu tư châu Á. Trên thực tế, có khá nhiều yếu tố để tạo nên sự khác biệt giữa mục tiêu cũng như phương thức đầu tư của các đơn vị nước ngoài. Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Hồng Kông và Trung Quốc đang là những nhà đầu tư dẫn đầu về hoạt động ở khắp các phân khúc tại thị trường BĐS Việt Nam. Thông qua việc kết hợp với các nhà phát triển trong nước, danh mục đầu tư các đơn vị đến từ những quốc gia này đang ngày càng mở rộng. Đối với họ, một thị trường BĐS hơn 100 triệu dân với cơ cấu dân số trẻ và thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể là một cơ hội vô cùng hấp dẫn. Và tùy theo từng góc nhìn chiến lược, mỗi nhà đầu tư lại chọn một phương thức tiếp cận hoặc lĩnh vực đầu tư khác nhau, dù trong cùng một ngành địa ốc.
Thị trường Việt Nam đang được các nhà đầu tư Hàn Quốc đánh giá là có bước phát triển tương đồng với quốc gia này cách đây vài thập niên và sở hữu nhiều cơ hội đầy hứa hẹn. Đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, thị trường Việt Nam được chú ý bởi sức hấp dẫn từ dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh và đẩy mạnh xu hướng đầu tư văn phòng và gần đây là sự tham gia vào lĩnh vực BĐS nhà ở. Theo họ, tốc độ phát triển của nền kinh tế và nguồn lao động dồi dào chính là những nguyên nhân thuyết phục các công ty Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào mảng văn phòng, với những kỳ vọng vào khả năng phát triển lâu dài, bền vững của dự án.