Cái khó bó... văn minh!

Môi trường - Ngày đăng : 11:56, 08/08/2019

(TN&MT) - “Khủng hoảng rác” xảy ra thời gian qua ở nhiều đô thị lớn của nước ta không chỉ đơn thuần là chuyện của những cọng rác và bãi chôn lấp mà nó bộc lộ nhiều vấn đề ngay trong khâu quản lý.
s 4 QFXW
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Rác là một vấn đề của đô thị, thiết yếu như việc cấp điện, cấp nước… Ở Việt Nam, tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Vấn đề rác thải cũng theo đó ngày càng nan giải. Không chỉ ở các đô thị lớn như TP. Hà Nội, TP.HCM mà nhiều đô thị nhỏ, vùng nông thôn cũng đang phải đối diện với cuộc “khủng hoảng” này.

Nguyên nhân chính được các ngành chức năng “điểm mặt, gọi tên” do xuất phát từ việc rác không được phân loại tại nguồn. Hoặc nếu có cũng chỉ dừng lại ở mức độ thử nghiệm, nặng về hình thức chứ chưa áp dụng triệt để. Vòng luẩn quẩn đổ lỗi cho nhau khi người dân chưa quan tâm lắm đến việc phân loại rác, còn cơ quan chức năng vẫn mãi loay hoay với biện pháp chôn lấp vì chưa có một giải pháp khả thi.

Cứ nhìn vào bức tranh xử lý rác thải đô thị ở Việt Nam sẽ tỏ tường. Hiện, chúng ta có số lượng trung bình một bãi chôn lấp/một đô thị. Riêng TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, mỗi đô thị có từ 4 - 5 bãi chôn lấp và khu xử lý. Có tới trên 80% đô thị từ thị xã trở lên sử dụng phương pháp chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh. Toàn quốc có có khoảng 100 bãi chôn lấp rác thải tập trung đang vận hành, nhưng mới có gần 20 bãi được coi là chôn lấp hợp vệ sinh.

Giải pháp được coi là “ít tốn kém” và dễ thực hiện này không còn phù hợp khi lượng rác thải tăng lên theo cấp số nhân, trong khi đất đai không thể “nảy nở“ thêm. Đó là chưa nói phương pháp chôn rác hoàn toàn không hề rẻ so với việc chúng ta trả giá về môi trường và sức khỏe người dân.

 Người ta vẫn nói rác là tài nguyên. Điều đó đúng! Và nhiều nước trên thế giới đã “đánh thức” hiệu quả nguồn tài nguyên này để phục vụ lại cho phát triển kinh tế - xã hội. Còn Việt Nam thì sao? Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật. Cho dù không mấy vui, không mấy ngọt hay chẳng bùi tai!

Chúng ta cũng nhìn thấy điều đó.  Nhưng nhìn thấy để chuyển hóa nó hành động là cả câu chuyện dài. Và thực tế, hoạt động tái chế của nước ta đang vừa thiếu, vừa yếu... Nó mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chưa được quản lý và kiểm soát chặt chẽ, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Các cơ sở tái chế đa số ở quy mô vừa và nhỏ, phần nhiều là các hộ sản xuất cá thể tại các làng nghề với công nghệ và dây chuyền sản xuất lạc hậu, trang thiết bị thô sơ, thủ công.

Cũng chẳng quá khi ví von: Hoạt động tái chế hiện nay đang “phó mặc” cho lực lượng ve chai. Bằng chứng là phần lớn các cơ sở tư nhân thu mua chất thải sinh hoạt từ những người bán ve chai và tái chế với phương tiện kỹ thuật sơ sài, lạc hậu, không đúng tiêu chuẩn khoa học. Sau khi thu gom, chất thải được đem đi nghiền, đốt rồi pha thêm hóa chất, vật liệu khác... để làm ra các sản phẩm tái chế rẻ tiền. Hệ lụy nhãn tiền là quy trình lạc hậu như thế khiến rác thải sinh hoạt được xử lý rất chậm, không đúng quy cách và nhiều nguy cơ tác động ngược trở lại môi trường, đời sống…

Nếu không sớm cải thiện, rác thải sẽ “vượt” nhiều vấn đề nóng khác như giao thông, trở thành “cơn khủng hoảng” nghiêm trọng của các đô thị. Một đô thị hướng đến văn minh, cần những công dân văn minh, tầm nhìn quản lý văn minh, tư duy xử lý rác thải văn minh...

Sẽ không bao giờ là quá muộn để bắt đầu một việc đúng đắn vì lợi ích quốc gia!