Yên Bái: Đề phòng lũ ống, lũ quét và sạt lở đất

Môi trường - Ngày đăng : 11:50, 01/08/2019

(TN&MT) – Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Yên Bái, bắt đầu từ chiều ngày 1/8 đến ngày 5/8, do ảnh hưởng của hoàn lưu của Bão số 3 nên thời tiết tại Yên Bái xảy ra mưa lớn trên diện rộng (dự báo mưa to đến rất to xảy ra tập trung từ sáng ngày 2 - 4/8).
Bão số 3 sẽ gây ra mưa lớn trên diện rộng tại các khu vực trong tỉnh
Bão số 3 sẽ gây ra mưa lớn trên diện rộng tại các khu vực trong tỉnh Yên Bái.

Lượng mưa cả đợt phổ biến 100 – 200mm (có nơi trên 250mm), rủi ro thiên tai ở cấp độ 2. Trên các sông suối trong tỉnh Yên Bái sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 3 - 5m. Mực nước đỉnh lũ trên sông Thao (tại Yên Bái) có khả năng đạt báo động 2. Cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi như: Huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Lục Yên, Văn Yên, Yên Bình. Ngập lụt ở vùng trũng của huyện Trấn Yên và thành Phố Yên Bái.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 3, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã có Công điện gửi các ngành thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động ứng phó.

Theo đó yêu cầu các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh, đặc biệt là đối với lũ quét, sạt lở đất; dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, thuốc men thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động đối phó với mưa, lũ lớn.

Tiếp tục rà soát các khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ đập, vùng trũng thấp, ngầm tràn, khu vực có nguy có sạt lở, lũ quét, nhà ở không an toàn để chủ động cảnh báo, sơ tán dân đến nơi an toàn. Đặc biệt là các khu vực đã có mưa to trong thời gian qua.

Yên Bái cần đề phòng lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.
Yên Bái cần đề phòng lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.

Đồng thời, kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê, kè, hồ đập, hạ du hồ chứa, nhất là các hồ đập xung yếu đang thi công, sửa chữa và việc vận hành các thủy điện nhỏ.

Bên cạnh đó, cần sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để triển khai ứng cứu khi có yêu cầu. Bố trí lực lượng trực, canh gác tại các vị trí ngầm tràn, đường qua suối để hướng dẫn giao thông đảm bảo an toàn, nghiêm cấm hoạt động đối với các phương tiện không đảm bảo an toàn hoặc không có đủ các thiết bị cứu sinh. Cấm người đi vớt củi, lội qua, đánh bắt cá... trên các sông, suối khi đang có lũ. Đặc biệt trong các ngày mưa lũ, cần tuyên truyền cho nhân dân không được ngủ trên đồi, trên nương để đề phòng sạt lở đất, đá gây thiệt hại về người.