Người Hà Nhì giữ đất rừng trên Tả Ló San

Môi trường - Ngày đăng : 22:03, 28/07/2019

(TN&MT) - Việc điều chỉnh tăng mức chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) qua Nghị định 147/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã giúp người dân được hưởng số tiền DVMTR nhiều hơn, điều kiện cuộc sống đảm bảo hơn và khích lệ họ đóng góp công sức  giữ rừng, bảo vệ vững chắc phên dậu của Tổ quốc.

Những năm qua, nhờ chính sách này mà người dân vùng sâu, vùng xa biên giới tỉnh Điện Biên đã có thêm một khoản thu nhập ổn định, cải thiện sinh kế.

Bản Tả Ló San, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên được hình thành từ quá trình vận động những hộ dân người Hà Nhì ở các xã Sín Thầu, Sen Thượng, huyện Mường Nhé và Mù Cả (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) xung phong lên lập nghiệp, với mục tiêu giữ đất biên cương. 

Một góc ảnh chụp bản Tả Ló San, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé
Một góc ảnh chụp bản Tả Ló San, xã Sín Thầu, huyện Mường NhéNhãn

Đến năm 2009, khi xã Sen Thượng tách ra từ xã Sín Thầu thì bản Tả Ló San vẫn giữ vị trí đầu bảng về khó khăn, giao thông cách trở. 

Cách đây hơn 7 năm về trước, do thiếu đất sản xuất nhưng không muốn rừng bị phá, bởi tín ngưỡng thờ thần rừng của người Hà Nhì như một sợi dây tâm linh truyền qua nhiều thế hệ.

Mỗi bản làng người Hà Nhì đều có những khu rừng cấm riêng được dân bản giữ gìn và thờ cúng thần rừng. Không muốn phá rừng, hàng chục hộ gia đình bản Tả Ló San đã rời bản làng của mình để tìm đất sản xuất, có thời điểm cả bản chỉ còn 2 đến 3 hộ gia đình ở lại bản.

Năm 2011, chính sách chi trả DVMTR được triển khai, người bảo vệ rừng được hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR, nhờ đó mà người Hà Nhì đã trở lại Tả Ló San để cùng nhau giữ đất, giữ rừng.

Anh Lỳ Phu Cà, một hộ gia đình hưởng lợi từ DVMTR ở bản Tả Ló San, xã Sen Tượng, huyện Mường Nhé chia sẻ: Thiếu đất sản xuất nên những năm trước đây cuộc sống của nhân dân bản Tả Ló San gặp rất nhiều khó khăn, nay được Nhà nước quan tâm hỗ trợ bà con tiền bảo vệ rừng, cuộc sống gia đình ngày càng ổn định, yên tâm giữ rừng, giữ đất ông cha.

Đứng từ trên cao nhìn xuống, Bản Tả Ló San như một bức tranh sinh động được bao phủ bởi những cánh rừng xanh bạt ngàn, dưới những tán rừng là những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi và những vườn chuối, nương ngô xanh mướt. Một diện mạo mới, một bản làng yên bình, an cư trên mảnh đất biên cương cực Tây của Tổ quốc.

Người Hà Nhì chăm sóc rừng cây phát dọn thực bì
Người Hà Nhì chăm sóc rừng cây phát dọn thực bì

Bản Tả Ló San có 19 hộ là đồng bào Hà Nhì. Từ năm 2011, bản Tả Ló San được giao bảo vệ hơn 2.000ha rừng, đến năm 2018, trung bình mỗi hộ gia đình ở Tả Ló San được nhận trên 500 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ từ chính sách chi trả DVMTR.

Từ số tiền này, bà con nơi đây có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Một minh chứng thuyết phục nhất khi chúng tôi có mặt tại bản Tả Ló San, hiện diện trước mắt chúng tôi là những căn nhà mới khang trang đã thay thế cho những căn nhà tranh tre, nứa lá tạm bợ những năm trước đây, tiền hưởng lợi từ Nghị định 99/CP của Chính phủ giúp các gia đình nơi đây đổi thay đúng nghĩa với hai từ vượt bậc.

Gia đình anh Lỳ Phu Cà, bản Tả Ló San vừa mới hoàn thành căn nhà mới khang trang này trong tháng tư năm 2018. Trong ngôi nhà mới của mình anh Cà, chia sẻ: Là gia một gia đình trẻ, nếu chỉ trồng ngô, trồng lúa không có nguồn tiền hỗ trợ từ chính sách chi trả DVMTR có được một căn nhà vững trãi và khang trang như thế này là rất khó khăn, không chỉ với gia đình tôi mà rất nhiều hộ gia đình thanh niên khác trong xã.

Nhà mới vừa hoàn thành, gia đình anh Cà lại nhận được trên 110 triệu đồng tiền hỗ trợ từ DVMTR 2017, gia đình anh Cà đã đầu tư xây dựng ngay một công trình vệ sinh kiên cố và hệ thống bình nước nóng năng lượng mặt trời, một điều kiện sống văn minh mà nhiều đời nay người Hà Nhì mong ước.

Những năm trước đây, tình trạng di cư tự do, phát nương làm rẫy, là lỗi lo thường trực của các cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé, thì nay nhờ có chính sách chi trả DVMTR từ Nghị định 99 của Chính phủ, hàng nghìn hộ gia đình ở huyện Mường Nhé đã định cư, đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc, khai hoang đất trồng lúa, nhớ đó mà cuộc sống ngày càng ổn định.

Là huyện nằm trên thượng nguồn của lưu vực Sông Đà, Mường Nhé hiện có trên 70.000ha rừng, trong đó có 66.000ha rừng đã được giao cho 77 cộng đồng thôn, bản và 10 hộ gia đình bảo vệ.

Từ năm 2016 đến năm 2017, định mức hỗ trợ từ nguồn Quỹ chi trả dịch vụ môi trường rừng là 800.000đ/ha, năm 2018 là 1.200.000đ/ha, với mức hỗ trợ này chỉ tính riêng trong năm 2018, huyện Mường Nhé đã tiếp nhận khoảng 84 tỷ đồng tiền hỗ trợ từ nguồn Quỹ chi trả DVMTR, bình quân mỗi hộ được nhận nguồn tiền hỗ trợ gần 70 triệu đồng/hộ/năm.

ảnh tư liệu


Đây là nguồn lực rất quan trọng giúp cho nhân dân các dân tộc huyện biên giới Mường Nhé từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên xóa nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, phát triển rừng.

Ông Thào A Dế, phó chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Chính sách chi trả DVMTR đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng, không chỉ từng bước ngăn chặn tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép. Chính sách chi trả DVMTR đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo, an cư giữ đất, giữ rừng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới cực Tây của Tổ quốc./.