Điện Biên: Khó xử lý chất thải rắn trong sinh hoạt
Môi trường - Ngày đăng : 12:56, 19/07/2019
Được biết, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại Điện Biên khoảng 264 tấn/ngày. Trong đó, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 109 tấn/ngày. Riêng TP. Điện Biên Phủ chiếm 74%, khoảng 80,6 tấn/ngày, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn phát sinh khoảng 155 tấn/ngày.
Hiện nay, tỷ lệ thu gom chất thải rắn tại khu vực đô thị đạt 90%, xử lý đạt 85,2% tương đương với 92,9 tấn/ngày; tại khu dân cư nông thôn và làng nghề đạt 12%. Như vậy, Điện Biên vẫn còn một lượng chất thải rắn sinh hoạt chưa thu gom được, tồn tại ở trong những hộ dân.
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Điện Biên thì việc thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Điện Biên chưa thực hiện được; một phần do thiếu nguồn vốn, nguồn nhân lực để triển khai thực hiện còn thiếu; ý thức của cộng đồng dân cư chưa cao, chưa nhận thức hết được lợi ích của công tác thu gom, phân loại rác thải.
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư cho các dự án xử lý chất thải rắn còn nhiều bất cập, đặc biệt đơn giá thu gom và xử lý chất thải rắn. Công tác quy hoạch chất thải rắn, bãi chứa, công nghệ xử lý chất thải rắn trong sinh hoạt chưa đảm bảo do nguồn ngân sách của địa phương và Trung ương phân bổ còn hạn chế. Nên việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải; kỹ thuật, quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với: hạ tầng các khu vực, cơ sở thực hiện xử lý; trang thiết bị thu gom, vận chuyển và công nghệ xử lý chất thải ở Điện Biên khó thực hiện được trong nay mai.
Là một trong những cơ sở có nhiều chất thải rắn sinh hoạt, ông Lương Hậu Tân, Giám đốc Trung tâm Y tế, huyện Mường Chà, cho biết: Hiện nay, Trung tâm đang gặp nhiều khó khăn trong công tác xử lý, phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải và chất rắn sinh hoạt. Hiện nay, Trung tâm chưa có hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn theo quy chuẩn, chưa có điều kiện kinh phí để xây hệ thống lưu giữ rác thải. Chính vì vậy, chúng tôi phải tận dụng phòng xây cấp 4 để tập kết, lưu giữ chất thải của Trung tâm. Mặc dù Trung tâm cũng đã thuê một vài đơn vị thu gom, xử lý chất thải y tế của Trung tâm nhưng chưa có đơn vị, doanh nghiệp nào xử lý tốt chất thải, chất rắn theo nhu cầu… mà chỉ thực hiện theo biện pháp chôn, đốt thủ công.
Trước đó, ngày 27/12/2014, UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 1055/QĐ-UBND. Theo đó, xây dựng 1 khu xử lý chất thải rắn cấp vùng tỉnh (Nhà máy xử lý rác thải Điện Biên, tại xã Pom Lót, huyện Điện Biên) để xử lý chất thải rắn tại TP. Điện Biên Phủ, khu vực lòng chảo huyện Điện Biên và các vùng phụ cận huyện Điện Biên và 9 khu xử lý cấp vùng huyện để xử lý chất thải rắn tại khu vực trung tâm huyện và vùng phụ cận của các huyện.
Tuy nhiên, đến nay việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Điện Biên vẫn còn nhiều bất cập. Nhà máy xử lý rác thải tại xã Pom Lót, huyện Điện Biên được đầu tư với tổng mức 70 tỷ đồng với nhiều hạng mục, máy móc hiện đại, công nghệ cao… theo lộ trình thì Dự án này mới vừa kết thúc đầu tư giai đoạn 1 (30/6/2019), việc vận hành, xử lý ra sao thì hiện vẫn còn là câu hỏi ngỏ.