Môi trường các khu kinh tế, khu công nghiệp, làng nghề: Nhiều chuyển biến

Môi trường - Ngày đăng : 10:48, 16/07/2019

(TN&MT) - Khu vực miền Nam, với 3 khu kinh tế (KKT) ven biển, 7 KKT cửa khẩu và 166 khu công nghiệp (KCN) đã hoạt động cùng hàng trăm làng nghề lớn nhỏ đang tạo một áp lực lớn đối với công tác bảo vệ môi trường.
T7
Xử lý chất thải tại các khu công nghiệp Ảnh: MH

Áp lực môi trường khi phát triển công nghiệp

Hiện nay, riêng khu vực Đông Nam Bộ (bao gồm 5 tỉnh: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh) đã có 95 khu công nghiệp đang hoạt động, chiếm 33% tổng số khu công nghiệp đang hoạt động trong cả nước gây áp lực môi trường lớn cho khu vực này nơi có các sông Đồng Nai, Thị Vải.

Bên cạnh đó, khu vực miền Nam cũng tập trung nhiều dự án có quy mô lớn đã và đang triển khai có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam, Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải, Trung tâm Nhiệt điện Long Phú, Nhà máy bột - Giấy VNT19, Nhà máy Alumina Nhân Cơ, Dự án Tổ hợp Bauxite - Nhôm Lâm Đồng, Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất, Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc… Tuy vậy, mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường không khí và nước xung quanh các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao ở trên và các khu vực nhạy cảm trong vùng chưa được đưa vào quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia.

Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, công tác bảo vệ môi trường KCN tại các địa phương trong vùng có chuyển biến nhất định trong những năm qua. Trong số 172 KCN đang hoạt động trong khu vực, có 171 KCN được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), có 163 KCN đã xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, chiếm tỷ lệ 94,7%; 135 KCN đã tiến hành lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động cho hệ thống xử lý nước thải tập trung (XLNTTT), chiếm tỷ lệ 78,4%.

Nhìn chung, phần lớn các địa phương trong khu vực miền Nam đã xây dựng quy chế phối hợp quản lý môi trường KKT, KCN trên địa bàn, hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quản lý và bảo vệ môi trường KKT, KCN tại địa phương cũng được cải thiện so với các năm trước.

Môi trường làng nghề chưa thực sự được quan tâm

Các làng nghề khu vực phía Nam vẫn mang đậm nét thủ công truyền thống, tận dụng lao động nhàn rỗi tại chỗ và nguyên vật liệu địa phương, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của cộng đồng dân cư quanh vùng, nên thực chất, phát triển làng nghề một cách có định hướng tại các khu vực này là hết sức cần thiết. Nhiều tỉnh khu vực miền Nam (Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Phú Yên...) đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường (BVMT) làng nghề (theo Quyết định số 577/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ). Một số tỉnh Tây Nam Bộ, do tỷ lệ các cơ sở sản xuất trên địa bàn một đơn vị hành chính cấp xã chưa đủ tiêu chí công nhận làng nghề, vì vậy, không xây dựng kế hoạch.

Về công tác quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường tại các làng nghề, một số tỉnh, thành phố, khu vực phía Nam (Bạc Liêu, Cà Mau, Kon Tum, Tây Ninh, Vĩnh Long,…) đã thực hiện lồng ghép trong chương trình quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường của tỉnh. Các địa phương đã chủ động, tích cực trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và tại làng nghề nói riêng.

Theo báo cáo tổng hợp công tác BVMT làng nghề của một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam cho thấy sự thiếu hụt về nguồn lực (tài chính, nhân lực) là một trong những khó khăn chính. Nguồn lực tài chính phân bổ hàng năm cho công tác BVMT nói chung còn hạn hẹp, đặc biệt, nguồn kinh phí sử dụng cho các hoạt động xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề đã hạn chế, lại chưa được sử dụng hiệu quả. Hầu hết, các địa phương chỉ tập trung đầu tư xây dựng các công trình thu gom, xử lý chất thải rắn, cải tạo môi trường mà không có biện pháp ngăn chặn, kiểm soát các nguồn xả thải, môi trường nước thải và khí thải tại các làng nghề ít được nhiều địa phương quan tâm, giám sát; các hộ sản xuất không thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và tình hình ô nhiễm vẫn không được cải thiện.

Đồng thời, một số địa phương đề xuất, kiến nghị các giải pháp về: Bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong bảo vệ môi trường làng nghề (tập trung vào các quy định quản lý đặc thù cho làng nghề, khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, hỗ trợ kinh phí chuyển giao, xử lý chất thải...); đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục; tập trung triển khai văn bản pháp luật; hỗ trợ làng nghề thực hiện công trình xử lý chất thải; thực hiện việc xem xét, công nhận làng nghề, trong đó, chú trọng tiêu chí đảm bảo vệ sinh môi trường làng nghề; tăng cường, đào tạo năng lực cho cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường làng nghề tại các địa phương,...