Thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt: Bất cập trong xác định đơn giá

Môi trường - Ngày đăng : 15:52, 02/07/2019

Nhờ nỗ lực của các cấp chính quyền, DN, người dân, công tác quản lý duy trì vệ sinh môi trường (VSMT) và thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội ngày càng đồng bộ.

Song, với mục tiêu TP đặt ra 100% rác thải sinh hoạt được thu gom trong ngày vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là giải quyết vướng mắc trong kinh phí duy trì VSMT.

Vướng từ ngõ, xóm

Theo Ban Đô thị HĐND TP, qua khảo sát một số quận, huyện cho thấy, hạn chế nổi bật trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt thể hiện ở việc xây dựng định mức, đơn giá, giá dịch vụ, lựa chọn nhà thầu và việc thực hiện thanh, quyết toán gói thầu lĩnh vực VSMT. Cụ thể, đơn giá yếu tố đầu vào (nguyên nhiên liệu, nhân công...) ban hành theo Quyết định 6841 ngày 13/12/2016 của UBND TP được áp dụng cho các gói thầu duy trì VSMT từ năm 2017 đến nay đã biến động tăng nhưng chưa được bổ sung kịp thời.

Một số huyện còn cho rằng, giá dịch vụ VSMT tại nông thôn quy định 3.000 đồng/nhân khẩu chưa đủ cân đối kinh phí chi trả công tác duy trì VSMT, chưa công bằng giữa hộ ở ngõ trên 2m (đơn vị cung ứng thu gom trực tiếp) với hộ ngõ dưới 2m (hộ phải tự thu gom).

thugomrachtai1
Công nhân vệ sinh môi trường thu gom, vận chuyển rác thải rắn tại khu vực quận Đống Đa

Đại diện Sở Xây dựng cũng nhận định: Mức thu giá dịch vụ VSMT ở các quận 6.000 đồng nhưng ở huyện chỉ 3.000 đồng/nhân khẩu, trong khi địa bàn huyện rộng, ngõ xóm dân cư cách xa nhau khiến thu gom vất vả nên mức giá chênh lệch như vậy không hợp lý.

Tại nhiều huyện, công tác phối hợp với ngành, đơn vị cung ứng dịch vụ khi tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nhất là tại ngõ, xóm gặp rất nhiều vướng mắc. Như thị xã Sơn Tây, khối lượng duy trì vệ sinh ngõ xóm theo hồ sơ trúng thầu mới đạt 70% tổng khối lượng ngõ xóm nên để thực hiện tốt thu giá dịch vụ VSMT, đơn vị duy trì VSMT phải làm cả khối lượng không có trong hồ sơ thầu, không được thanh toán.

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho hay, lượng công việc duy trì vệ sinh ngõ, xóm 2m trở lên trong hồ sơ thầu tại huyện chỉ đạt 36% khối lượng thực tế thực hiện; ngõ dưới 2m không được tính vào khối lượng mời thầu nhưng vẫn phải thu gom rác để đảm bảo VSMT.

Tại các xã, một bộ phận người dân không thường xuyên sống tại địa phương, nhiều hộ đăng ký kinh doanh nhưng thực tế không sản xuất kinh doanh hoặc đã ngừng hoạt động, gây khó khăn trong thu giá dịch vụ VSMT. Do đó, TP cần giao chỉ tiêu thu giá này trên cơ sở số dân thường lưu trú tại địa phương sau khi trừ số dân đi làm xa.- Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Thế Công

Trong khi, giá dịch vụ VSMT tại Quyết định 54/QĐ-UBND là 3.000 đồng/người/tháng chỉ áp dụng được một phần lượng công việc thực hiện, khiến thu gom tại ngõ xóm rất khó khăn. Còn theo Ban QLDA huyện Thanh Trì, thu gom rác ngõ xóm năm 2018 huyện chỉ đạt 80,77% chỉ tiêu, một phần do nhiều hộ mặt đường vừa sinh sống vừa kinh doanh nhưng đơn vị chỉ thu được giá dịch vụ theo hộ kinh doanh.

Công tác thu giá VSMT tại các huyện càng khó khăn hơn do nhận thức hạn chế của người dân. Theo Phòng Quản lý đô thị huyện Ứng Hòa, địa bàn rộng, dân cư thưa, người dân nhận thức chưa đúng nên vẫn mang rác ra không đúng giờ, đúng nơi tập kết. Bên cạnh đó, nhân khẩu hay biến động khiến công tác thu giá VSMT, thu gom rác thải rất khó khăn. 2 bãi xử lý rác tập trung của huyện đều đầy, đóng bãi từ cuối tháng 6/2018; toàn bộ rác sinh hoạt tại huyện phải đưa về bãi xử lý tập trung TP tại xã Xuân Sơn (Sơn Tây).

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Văn Hải cũng phản ánh: Huyện diện tích rộng, khoảng cách giữa các hộ rất lớn, trong khi ý thức bảo vệ môi trường, nộp giá dịch vụ VSMT của người dân rất thấp. Nhiều hộ miền núi có đất vườn rộng thường tự tiêu hủy rác, do xa trung tâm, thu nhập thấp, đường sá khó khăn...

Đặc biệt, theo Ban Đô thị HĐND TP, công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung ứng dịch vụ VSMT thực hiện chưa tốt; nhiều gói thầu của quận, huyện có khối lượng đăng ký mời thầu thấp hơn khối lượng thực phải thực hiện, làm phát sinh khối lượng, kinh phí VSMT phải chi trả.

Kết quả thu phí dịch vụ VSMT năm 2017 - 2018 không đủ bù đắp kinh phí duy trì vệ sinh ngõ xóm nên các ngành cần gỡ vướng cho đơn vị về kinh phí, đảm bảo lương trả cho người lao động. Năm 2019, việc thu giá dịch vụ giao cho đơn vị thực hiện VSMT tự tổ chức thu nên cũng đề nghị tạm ứng kinh phí để giải quyết khó khăn cho đơn vị. - Giám đốc Công ty CP Môi trường & công trình đô thị Sơn Tây Vũ Ngọc Nghĩa

Theo báo cáo của liên Sở Xây dựng - Tài chính, rà soát khối lượng bổ sung các gói thầu dịch vụ công ích VSMT giai đoạn 2017 - 2020 tại TP, qua tổng hợp giá trị bổ sung kinh phí duy trì VSMT (giai đoạn 3 năm 10 tháng) của 22/26 đơn vị, số kinh phí chênh lệch phải bổ sung là 591 tỷ đồng. Dù liên sở đã báo cáo, UBND TP chỉ đạo Thanh tra TP thanh tra toàn diện các gói thầu, song đến tháng 4/2019 chưa được giải quyết.

Lãnh đạo UBND thị xã Sơn Tây cho rằng: Hàng năm, địa bàn đều phát sinh việc thu gom rác, vận chuyển vào khu xử lý chất thải rắn, khối lượng hè đường mới mở cần duy trì VSMT… Việc khống chế giá gói thầu khiến phần khối lượng phát sinh không được đưa vào hồ sơ mời thầu; muốn bổ sung lại phải qua nhiều cấp ngành, thời gian phê duyệt lâu, gây bức xúc.

Sớm đạt 100% rác thải thu gom trong ngày

Từ những bất cập hiện nay, Ban Đô thị HĐND TP kiến nghị UBND TP sớm giải quyết đề nghị của quận, huyện về giá trị bổ sung kinh phí duy trì VSMT do phát sinh tăng khối lượng thu gom, vận chuyển rác thải so với hồ sơ mời thầu (giai đoạn 3 năm 10 tháng) đã được liên sở báo cáo.

Đặc biệt, UBND TP cần chỉ đạo các Sở Xây dựng, Tài chính, KH&ĐT; UBND quận, huyện, đơn vị cung ứng dịch vụ duy trì VSMT khẩn trương xây dựng kế hoạch, phương án thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trong ngày đạt 100% ở mọi khu vực. “Sở Xây dựng cần tăng giám sát nhà thầu; kịp xử lý, kiến nghị TP xử lý nghiêm đơn vị không đáp ứng đủ yêu cầu gói thầu, hay vi phạm.

Sở QH-KT khi lập đồ án quy hoạch mới, rà soát quy hoạch phân khu, chi tiết, quy hoạch khu đô thị mới đã được phê duyệt, cần tính đủ số lượng, diện tích quỹ đất; xác định rõ vị trí thu gom tập kết trung chuyển rác thải sinh hoạt, bổ sung kịp thời vào quy hoạch” - Trưởng ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân nêu rõ.

Trong điều kiện rác thải phát sinh ngày càng nhiều, các huyện kiến nghị UBND TP sớm cho phép bổ sung khối lượng thu gom rác ngõ xóm theo khối lượng thực hiện thực tế còn thiếu trong gói thầu. Huyện Thường Tín cũng đề nghị TP, Sở Xây dựng có kế hoạch tiếp nhận rác tồn, nâng chỉ tiêu phân luồng xử lý rác của huyện lên 180 tấn/ngày.

Lãnh đạo huyện Phú Xuyên mong HĐND TP tăng cho huyện từ 235km vệ sinh ngõ xóm trong gói thầu lên 531km theo nhu cầu thực tế, tăng lượng vận chuyển rác từ huyện về khu xử lý tập trung của TP từ 85 lên 95 tấn/ngày, đảm bảo hết lượng rác thu gom trong ngày.

Liên quan Khu xử lý rác Xuân Sơn, huyện Ba Vì kiến nghị TP chỉ đạo Sở Xây dựng tăng giám sát để các đơn vị xử lý rác tại đây tuân thủ quy trình chôn lấp, đốt rác. Đồng thời đầu tư công nghệ hiện đại xử lý triệt để việc gây ô nhiễm do chất thải rắn, khí thải, nước rác.

Phía đơn vị thực hiện duy trì VSMT, Giám đốc HTX Thành Công Phạm Thiện Lộc cùng lãnh đạo Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai đề nghị TP sớm bù chênh lệch đơn giá các hạng mục duy trì VSMT do thay đổi yếu tố đầu vào (lương, nhiên liệu…) giữa đơn giá tại Quyết định 6841/QĐ-UBND và thực tế biến động năm 2017 - 2018.

Với khu xử lý rác thải Xuân Sơn cũng như các khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp, HĐND TP cần nâng mức hỗ trợ bằng tiền cho người dân phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường bởi các khu. UBND TP cần hỗ trợ đầu tư hạ tầng khu vực bãi rác Xuân Sơn theo Nghị quyết 08/HĐND TP cho 14 dự án xã Xuân Sơn; miễn thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt cho người dân xã. - Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Phan Thị Hảo