Tiền Giang: Tăng cường thanh tra, kiểm tra và giải quyết các điểm nóng ô nhiễm môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 15:20, 18/06/2019

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Nghĩa, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với bảo vệ môi trường, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra và giải quyết căn cơ nhiều điểm nóng về ô nhiễm môi trường trong sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp gây nhiều bức xúc nhân dân.
rac 15356005366641900196883
Ảnh minh họa

Theo đó, một số điểm nóng về sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh bị người dân phản ứng mạnh mẽ đã được giải quyết, như: Trại chăn nuôi gà của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thuần TTG (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành), các doanh nghiệp tái chế nhựa hoạt động trên địa bàn xã Bình Đức (Châu Thành, Tiền Giang)…

Trong đó, Trại chăn nuôi gà có qui mô 150.000 con của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thuần TTG bị người dân phản ứng gay gắt về việc phát tán mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường nước và không khí. Các ngành chức năng tỉnh sau khi kiểm tra, khảo sát, đã yêu cầu doanh nghiệp này khắc phục tình trạng trên, chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất – kinh doanh; đồng thời, giao các cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương theo dõi, giám sát chặt chẽ việc khắc phục cũng như tuân thủ quy định bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động, không để dư luận bức xúc.

Các cơ sở sản xuất nhựa tái chế hoạt động trên địa bàn xã Bình Đức gây ô nhiễm môi trường cũng đã được lực lượng chức năng tỉnh kiểm tra, buộc tháo dỡ và di dời đến những nơi thích hợp, xa khu dân cư.

Về vấn đề giám sát công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất tại làng nghề chế biến cá khô thị trấn Vàm Láng, UBND huyện Gò Công Đông chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra. Kết quả có 26 cơ sở sản xuất trong làng nghề đều thực hiện đầy đủ các thủ tục bảo vệ môi trường theo quy định. Trong đó, 4 cơ sở/26 cơ sở đầu tư lắp đặt hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường, các cơ sở còn lại đều đầu tư hệ thống xử lý sơ bộ bằng hầm sinh học yếm khí.

Cũng trên cơ sở thực hiện nghiêm các chỉ đạo của UBND tỉnh Tiền Giang, huyện Gò Công Đông còn yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm, có giải pháp xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong nhân dân, tránh để phát sinh các điểm “nóng”; đồng thời, vận động, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động trên địa bàn thực hiện tốt những giải pháp bảo vệ môi trường...

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Nghĩa, nhờ công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường được quan tâm, phát huy vai trò giám sát của nhân dân và cộng đồng, địa phương đã kịp thời phát hiện, xử lý nhiều trường hợp gây ô nhiễm môi trường, làm bức xúc dư luận. 

Đáng chú ý, qua phản ánh của nhân dân, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tài Tú Trinh (xã Hậu Thành, huyện Cái Bè), UBND huyện Cái Bè đã xử phạt doanh nghiệp này về hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, mức phạt 60 triệu đồng và tạm đình chỉ hoạt động 6 tháng. Tuy nhiên, sau đó, nhân dân phản ánh doanh nghiệp này vẫn tiếp tục hoạt động, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra. 

Kết quả, UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục xử phạt doanh nghiệp này vì vi phạm về bảo vệ môi trường do xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 3 đến dưới 5 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 40m3 đến dưới 60 m3/ngày đêm, với mức phạt 378 triệu đồng. Đồng thời, UBND tỉnh giao ngành Tài nguyên và Môi trường cùng chính quyền địa phương thực hiện giám sát thi hành quyết định trên tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tài Tú Trinh.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng, năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh thực hiện 70 cuộc thanh tra, 5 cuộc kiểm tra nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời hoạt động bảo vệ môi trường, tài nguyên của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, hạn chế vi phạm và góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường trên địa bàn. 

Năm 2018, ngành đã tổ chức 42 cuộc thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Qua đó, 18 trường hợp vi phạm đã bị phát hiện và xử phạt hành chính tổng số tiền trên 538 triệu đồng.