Hà Nội: Sớm ban hành giá dịch vụ vệ sinh môi trường mới ở ngoại thành

Môi trường - Ngày đăng : 12:44, 17/06/2019

(TN&MT) - Thời gian qua, công tác thu gom, vận chuyển rác thải ở khu vực ngoại thành Hà Nội còn nhiều khó khăn, bất cập do mức giá dịch vụ vệ sinh môi trường (VSMT) còn thấp, mất cân đối nguồn kinh phí.

Giá dịch vụ không đủ thu – chi

Thời gian qua, thành phố và các địa phương ở Hà Nội đã có nhiều nỗ lực để nâng mức thu gom rác thải trong ngày đạt cao. Thông qua việc thay đổi phương thức quản lý, duy trì vệ sinh môi trường, cải tiến công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải mà vệ sinh môi trường tại địa bàn các quận, thị xã được đảm bảo. Dù tổng khối lượng rác thải phát sinh hằng ngày khoảng 6.500 tấn, nhưng tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải tại các quận đạt từ 98% trở lên, tại các huyện đạt từ 87% đến 88%.

Đặc biệt, kinh phí duy trì vệ sinh môi trường giảm hơn 32% khi chuyển từ cơ chế đặt hàng sang tổ chức đấu thầu tập trung, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực. Thành phố cũng tăng cường sử dụng cơ giới hóa trong hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải; áp dụng quy trình định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá mới… Sau đấu thầu, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trúng thầu đã đầu tư phương tiện cơ giới hóa, đổi mới công nghệ.

rác thải nông thôn 1
Công tác thu gom rác thải ở khu vực ngoại thành Hà Nội còn nhiều bất cập. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, tại khu vực ngoại thành, công tác thu gom, vận chuyển rác thải còn nhiều bất cập. Trong đó, vấn đề khó khăn nhất đối với hầu hết các huyện là việc có thực hiện thu gom ở các ngõ, xóm. Điển hình như huyện Chương Mỹ, việc thu gom rác thải ở các ngõ, xóm bề rộng dưới 2m, nhưng chưa nằm trong gói thầu. Cùng với đó, mức giá dịch vụ không đủ cân đối thu - chi nên hoạt động thu gom còn hạn chế.

Ngoài ra, khối lượng công việc phát sinh ngoài hợp đồng do các tuyến đường, phố, ngõ, xóm vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng, trong quá trình xây dựng nông thôn mới cũng không được thanh toán kinh phí, ảnh hưởng đến việc chi trả lương cho người lao động. Hợp đồng gói thầu chỉ quy định tần suất thu gom rác hằng ngày tại thị trấn Chúc Sơn và Xuân Mai, còn lại 30 xã thực hiện thu gom từ 2- 3 lần/tuần, dẫn đến tồn đọng rác thải tại các điểm tập kết, không bảo đảm vệ sinh môi trường.

Ở huyện Thường Tín, việc thu gom rác ở các ngõ, xóm bề rộng dưới 2m chưa được nghiệm thu thanh toán; trong khi khối lượng duy trì vệ sinh đối với các ngõ, xóm có bề rộng từ 2m, với mức giá thu 3.000 đồng/người/tháng áp dụng từ ngày 1/1/2017 là quá thấp, không đủ cân đối thu - chi. Mặt khác, theo phân luồng của Thành phố, huyện Thường Tín chỉ được vận chuyển về khu xử lý chất thải tập trung 140 tấn rác/ngày, không giải quyết hết rác phát sinh hàng ngày của huyện.

Các huyện Thanh Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thanh Trì cũng gặp vướng mắc do giá phí dịch vụ thấp, đơn vị không cân đối thu - chi trong hoạt động thu gom rác thải. Trong đó, huyện Thanh Trì đã mở rộng, bổ sung việc thu gom rác ở một số tuyến đường mới nhưng chưa được phê duyệt kinh phí.

thu gom rác thải
Các huyện, xã ngoại thành cần bố trí đủ điểm tập kết và trạm trung chuyển rác thải. Ảnh minh họa

Kết quả giám sát của Ban Ðô thị HÐND thành phố Hà Nội cũng chỉ ra, việc thu phí dịch vụ vệ sinh môi trường tại các huyện hiện nay còn thấp, chưa hợp lý. Nhiều gói thầu có khối lượng đăng ký công việc thấp hơn khối lượng thực tế dẫn đến phát sinh khối lượng và kinh phí phải chi trả. Việc phối hợp giữa đơn vị duy trì vệ sinh môi trường với chính quyền các xã để thu phí dịch vụ chưa tốt dẫn đến mất cân đối nguồn kinh phí. Số lượng điểm tập kết rác thải tại các xã còn thiếu, nhiều điểm xuống cấp.

Sớm ban hành giá dịch vụ VSMT mới

Khác với các loại dịch vụ thiết yếu khác, vấn đề thu gom rác thải cần được ưu tiên nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Do vậy, để nâng cao chất lượng công tác vệ sinh môi trường, bảo đảm thu gom toàn bộ rác thải trong ngày ở cả khu vực đô thị và nông thôn, UBND thành phố cần chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể và sớm ban hành giá dịch vụ vệ sinh môi trường mới để các đơn vị cung ứng dịch vụ cân đối được thu chi.

Đồng thời, bổ sung khối lượng dịch vụ và kinh phí cần thiết. Tăng cường kiểm tra, giám sát các nhà thầu vệ sinh môi trường, bảo đảm chất lượng dịch vụ ngày càng nâng cao. Trong quá trình rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới, các huyện, xã phải bố trí đầy đủ các điểm tập kết, trạm trung chuyển rác thải. Tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Riêng ở địa bàn huyện Chương Mỹ, TP cũng cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Nhà máy Xử lý chất thải rắn sinh hoạt Núi Thoong và Nhà máy Xử lý rác thải Đồng Ké.