Tây Bắc là điểm nóng tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất
Môi trường - Ngày đăng : 17:55, 06/06/2019
PV:Thưa bà, sáng 4/6, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo nguy cơ lũ quét và sạt lở đất ở vực tỉnh Lai Châu, Sơn La và Lào Cai. Xuất phát từ cơ sở khoa học nào Trung tâm đưa ra cảnh báo với các khu vực này?
Bà Trịnh Thu Phương: Trong khoảng 5 ngày qua, khu vực vùng núi phía Bắc đã xuất hiện mưa diện rộng, một số nơi đã quan trắc được mưa lớn cục bộ trong thời gian rất ngắn. Tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200mm. Mưa lớn đã xảy ra tập trung nhiều tại các tỉnh địa đầu của Việt Nam như Lai Châu, Sơn La, Lào Cai và Hà Giang. Trên nền mưa lớn những ngày qua, trên thượng nguồn sông Thao, sông Cầu, sông Bôi đã xuất hiện lũ với biên độ lũ lên từ 2-4m.
Sáng ngày 4/6, một số nơi khu vực tỉnh Lai Châu, Sơn La và Lào Cai đã xuất hiện mưa lớn cục bộ trong 2 giờ như: tại Mường Giô (Huyện Quỳnh Nhai, Sơn La) 57mm, Bon Phặng (huyện Thuận Châu, Sơn La) 46mm, Lóng Phiên (huyện Yên Châu, Sơn La) 58mm, Mã Ký (huyện Mường Tè, Lai Châu) 39mm. Trên nền mưa lớn những ngày qua, phân tích các sản phẩm của Hệ thống hỗ trợ định hướng cảnh báo lũ quét cho thấy: bề mặt lưu vực thuộc tỉnh Lai Châu, Sơn La và Lào Cai đã có độ ẩm đất trung bình đạt mức gần bão hòa, ngưỡng mưa định hướng sinh lũ quét ở khu vực này (lượng mưa cần thiết để vượt qua khả năng trữ nước của đất và lòng suối gây dòng chảy tràn bờ) ở mức xấp xỉ lượng mưa đã xảy ra. Do đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia đã thực hiện bản tin cảnh báo nhanh lũ quét trên khu vực này.
PV: Vậy hiện nay, khu vực nào có khả năng xảy ra lũ quét và sạt lở đất, thưa bà?
Bà Trịnh Thu Phương: Lũ quét, sạt lở đất là hiện tượng tự nhiên, chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố và thường xảy ra ở những lưu vực sông suối miền núi với các đặc điểm thuận lợi cho hình thành như: mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn, địa hình chia cắt, độ dốc lưu vực và độ dốc sông suối lớn nhất là các lưu vực có độ dốc lớn độ ổn định của lớp đất mặt yếu do quá trình phong hoá mạnh, độ che phủ của thảm thực vật thấp do bị tàn phá mạnh tạo điều kiện tập trung hình thành dòng chảy dồn vào các sông suối, lượng nước tích tụ ngày càng nhanh và tạo ra thế năng rất lớn gây ra lũ quét.
Sự xuất hiện của lũ quét, sạt lở đất thường chỉ trong vài giờ sau khi có mưa với cường độ lớn. Sự hình thành lũ quét có liên quan mật thiết với cường độ mưa, điều kiện khí hậu, đặc điểm địa hình, các hoạt động của con người cũng như điều kiện tiêu thoát lũ của lưu vực. Trung bình mỗi năm tại Việt Nam xảy ra khoảng 10-15 trận lũ quét. Bốn khu vực tại Việt Nam thường xuyên xảy ra lũ quét là vùng núi Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ.
Vùng Tây Bắc, đặc biệt là các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, ở miền Trung có tỉnh Nghệ An có nguy cơ trượt lở đất đá cao đến rất cao. Tai biến trượt lở đất đá thường xảy ra và gắn liền với các thiên tai lũ, lũ quét đặc biệt hay xảy ra dọc các đường giao thông, các khu vực tập trung dân cư ven sông, ven suối. Mùa mưa bão năm 2019, khu vực vùng núi phía Bắc đặc biệt khu vực Tây Bắc tiếp tục là điểm nóng tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
PV: Công tác phối hợp với các địa phương có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất được Tổng cục Khí tượng thủy văn thực hiện như thế nào để giảm thiểu rủi ro tối đa cho những khu vực dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, thưa bà?
Bà Trịnh Thu Phương: Hiện nay, hệ thống dự báo KTTV quốc gia triển khai công tác dự báo, cảnh báo thiên tai theo ba cấp: cấp trung ương, cấp khu vực và cấp tỉnh. Bản tin từ cấp Trung ương sẽ được cấp khu vực và cấp tỉnh chi tiết phù hợp với công tác phòng, chống thiên tai của địa phương. Các bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất được gửi theo quy định và gửi tới các đơn vị phòng, chống thiên tai. Tổng cục KTTV luôn duy trì thực hiện tăng cường năng lực dự báo và truyền tin từ Trung ương đến các đài khu vực, đài tỉnh, các trạm ở tuyến huyện, tuyến phường xã. Các thông tin cảnh báo lũ quét được thể hiện dưới nhiều hình thức: dạng chữ viết, dạng bản đồ. Hình thức truyền tin cảnh báo cũng sử dụng kết hợp các phương tiện truyền thông như: internet, điện thoại, mạng xã hội,…
Đồng thời Tổng cục KTTV luôn duy trì phối hợp chặt chẽ với Hội nông dân các cấp, các đơn vị Phòng, chống thiên tai từ Trung ương đến địa phương, đến từng người dân cơ sở, những người trực tiếp bị ảnh hưởng để tuyên truyền, nhận diện ra những dấu hiệu lũ quét, lũ…
Cần lưu ý rằng, lũ quét tiềm ẩn chứa nhiều yếu tố bất ngờ, xảy ra thường xảy ra ở những quy mô rất hẹp, thường xảy ra vào ban đêm, những biểu hiện cảnh báo trước nguy cơ xảy ra chỉ có thể phát hiện được trực tiếp tại chỗ. Các biện pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do lũ quét tập trung theo hướng phòng ngừa là chính. Các địa phương cần tích cực tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng, tổ chức tập huấn kỹ năng phòng chống thiên tai cho người dân để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Trân trọng cảm ơn bà!