Bình Định: Sản xuất, chế biến mực xà gây ô nhiễm môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 17:56, 23/05/2019

(TN&MT) - Nhiều năm nay, người dân sinh sống ở thôn An Quang Đông và An Quang Tây, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định) khổ sở do sống chung với ô nhiễm môi trường phát sinh trong hoạt động sản xuất, chế biến mực xà. Chính quyền dù nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để khắc phục, song chưa đem lại kết quả.
41 muc xa
Mùi hôi phát sinh trong quá trình phơi mực gây ảnh hưởng tới khu dân cư

Ô nhiễm lan rộng

Theo ông Trần Bá Đăng, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, tại thôn An Quang Đông và An Quang Tây hiện có khoảng 40 hộ hành nghề sản xuất, chế biến mực xà. Bình quân mỗi ngày, 40 hộ này sản xuất, chế biến từ 2 - 4 tấn mực, số lượng tăng gấp đôi nếu vào chính vụ.

“Hoạt động sản xuất mực xà tuy đem lại nguồn thu nhập khá cho các hộ gia đình, nhưng phát sinh mùi hôi gây ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân trong vùng. Chưa kể, hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại những cơ sở sản xuất, chế biến mực xà chưa được đầu tư xây dựng. Do đó, nước thải phát sinh trong quá trình sơ chế mực hầu như xả thẳng ra môi trường bên ngoài”, ông Đăng nhìn nhận.

Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, các cơ sở sản xuất, chế biến mực xà đa phần nằm trong khu dân cư và ven đầm Đề Gi. Do không xây dựng bể chứa, công trình xử lý nước thải, vì thế nước thải phát sinh trong quá trình chế biến được xả thẳng ra đầm Đề Gi thông qua các đường ống nhựa được đấu nối sẵn. Trong khi đó, mực sau khi chọn lọc, rửa thì được đem phơi ở những khu đất trống nằm trong khu dân cư và cả ven đầm. Mùi hôi cứ thế phát tán khắp nơi, gây ô nhiễm trầm trọng.

“Mùi mực tanh nồng, hôi phát sinh rất nặng vào buổi trưa, nhất là khi trời nắng gắt. Trẻ nhỏ, người lớn tuổi kêu ca vì mùi hôi cứ xộc vào mũi khiến họ đau đầu, khó chịu. Nước thải thì xả thẳng ra đầm gặp nước triều lên thì phân tán, lan rộng ra mặt đầm, làm môi trường nước trong đầm Đề Gi nhếch nhác, ô nhiễm. Bà con rất mong chính quyền, huyện Phù Cát và cơ quan chức năng sớm tìm ra giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm này”, ông N.V.T, một hộ dân ở thôn An Quang Tây, phân trần.

42
Các đường ống xả thải của các cơ sở chế biến mực xà ở thôn An Quang Tây được đấu nối từ khu chế biến ra thẳng mặt đầm Đề Gi

Loay hoay xử lý!

Theo ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, việc xử lý ô nhiễm trong hoạt động sản xuất, chế biến mực xà ở thôn An Quang Đông và An Quang Tây là vấn đề khá nan giải. Xã không thể cấm các hộ sản xuất, kinh doanh vì đây là kế sinh nhai của họ. Hoạt động này cứ để mãi trong khu dân cư thì cũng không ổn vì ô nhiễm phát sinh. Lâu nay, địa phương chỉ tuyên truyền, vận động bà con giảm quy mô sản xuất là chính; đồng thời, yêu cầu chủ sản xuất phải có biện pháp thu gom, xử lý nước thải phát sinh, không được xả thẳng ra đầm Đề Gi để hạn chế ô nhiễm, nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế.

“Trước mắt, xã tiến hành làm việc với các chủ sản xuất yêu cầu mua sắm, trang bị các thùng nhựa để chứa các phế phẩm phát sinh trong quá trình chế biến mực xà; nghiêm cấm hành vi vứt chất thải ra mặt đầm Đề Gi. Đồng thời, xã sẽ hợp đồng với một DN ở huyện Phù Mỹ để thu gom, xử lý trên bình diện xã hội hóa. Về lâu dài, xã vận động các cơ sở chế biến mực xà vào Cụm Chế biến nông - thủy sản tại thôn Thắng Kiên để hoạt động sau khi hạ tầng Cụm chế biến này hoàn thành”, ông Tiến cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, UBND huyện Phù Cát đã tiến hành làm việc với UBND xã Cát Khánh để tìm giải pháp khắc phục. Theo ông Trần Bá Đăng, huyện Phù Cát chỉ đạo địa phương ngoài các giải pháp trên thì tiếp tục vận động, tuyên truyền các chủ cơ sở chế biến mực xà cần chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động, tổ chức cho người dân ký cam kết không vi phạm. Trường hợp các chủ cơ sở vi phạm thì lập biên bản xử phạt hành chính, cương quyết đình chỉ hoạt động đối với các hộ chây ì, vi phạm kéo dài.