Ngành thép thí điểm tạo tín chỉ các bon

Môi trường - Ngày đăng : 10:08, 23/04/2019

(TN&MT) - Ngành thép, một trong những ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng và phát thải lớn đang được Bộ Công Thương lựa chọn thí điểm tạo tín chỉ các bon từ các hành động giảm phát thải khí nhà kính quốc gia (NAMA). Đây được coi là bước đà để xây dựng lộ trình tham gia thị trường các bon trong lĩnh vực sản xuất thép và nhân rộng ra các ngành công nghiệp tiêu tốn năng lượng khác của Việt Nam.
T8a
Ngành thép, xây dựng lộ trình tham gia thị trường các bon trong lĩnh vực sản xuất thép. Ảnh: MH

Lao đao trước giá điện tăng

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, tiêu thụ năng lượng của ngành thép hiện chiếm khoảng 5,2% tổng tiêu thụ năng lượng của các ngành công nghiệp. Riêng năm 2018, tất cả các phân ngành thép tiêu thụ đã hơn 6.500 kTOE. Qua tính toán, con số này có tiềm năng giảm 1/5, chủ yếu nhờ các giải pháp đổi mới công nghệ tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả.

Theo TS. Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ngành thép Việt Nam đã phát triển với tốc độ cao trong suốt giai đoạn năm 2014 - 2018, trung bình 18% cho sản xuất và 20% cho tiêu dùng. Mức tăng trưởng này sẽ vẫn duy trì cao trong tương lai, nhưng sẽ phải đi kèm với các biện pháp tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải CO2 mới có thể phát triển bền vững.

“Thực tế, cuối tháng 3/2019, giá điện tăng đã giáng một đòn vào ngành thép. Theo ước tính của Hiệp hội Thép, giá điện tăng 8,36% khiến giá thép tăng trên dưới 100.000 đồng/tấn. Trước thông tin tăng giá điện, Hiệp hội Thép đã khuyến cáo doanh nghiệp tăng cường các biện pháp quản lý, áp dụng các biện pháp tiên tiến để giảm tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là điện năng. Chi phí sản xuất sẽ tăng lên, cùng với việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu đang là những rào cản cần được tháo gỡ để thép Việt Nam tự tin cạnh tranh trên thị trường quốc tế” - ông Sưa khẳng định.

Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam Trịnh Khôi Nguyên, công nghệ sản xuất thép hiện có 2 loại từ lò điện và lò cao. Lò điện bị ảnh hưởng lớn khi giá điện tăng bởi phôi thép được sản xuất ra từ công nghệ này tốn trung bình khoảng 540 kWh/tấn sản phẩm. Công nghệ lò cao có chịu ảnh hưởng nhưng nhẹ hơn do chỉ sử dụng khoảng 360 kWh/tấn sản phẩm.

Dù vậy, công nghệ sử dụng lò cao cũng có mặt trái. Do sử dụng nguyên liệu là than cốc giàu hàm lượng các bon, quá trình nấu quặng thường đi kèm khí thải các bon độc hại. Các chuyên gia khuyến cáo, việc gia tăng sử dụng lò cao cần được đánh giá cẩn trọng hơn trong chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam, đặc biệt, cần yêu cầu các nhà máy đầu tư thêm công nghệ phụ trợ để giảm lượng khí thải này, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường.

Mở hướng kinh doanh tín chỉ các bon

Việc tạo tín chỉ các bon và bán ra thị trường là hướng đi mới đang được Bộ Công Thương triển khai thí điểm với ngành thép, nhằm khuyến khích các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính. Để làm được điều này, Bộ đang phối hợp cùng nhiều Bộ ngành, đối tác quốc tế tìm kiếm các cơ hội hợp tác huy động các nguồn tài chính nhằm thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong ngành thép; xác định các công cụ định giá các bon khả thi với ngành thép và đề xuất lộ trình áp dụng công cụ định giá các bon.

Các hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án Xây dựng và triển khai thí điểm NAMA tạo tín chỉ và đề xuất công cụ thị trường và lộ trình áp dụng cho ngành thép Việt Nam, mục đích nhằm xây dựng phương pháp luận và cách tiếp cận tương tự cho các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng của Việt Nam với tầm nhìn trung và dài hạn.

Đây là hợp phần của Dự án Sẵn sàng tham gia thị trường các bon (VNPMR) do Bộ TN&MT là cơ quan chủ quản, cùng với sự tham gia của các Bộ, ngành có liên quan gồm Bộ Công Thương, Xây dựng, KH&ĐT và Tài chính. VNPMR sẽ tập trung nghiên cứu các cơ chế chính sách thúc đẩy các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và thí điểm nghiên cứu, xây dựng NAMA tạo tín chỉ cho ngành thép và chất thải rắn.

Ông Tăng Thế Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) khẳng định, Dự án hợp phần Xây dựng và Triển khai thí điểm NAMA tạo tín chỉ và đề xuất công cụ thị trường và lộ trình áp dụng cho ngành thép Việt Nam đã sẵn sàng để triển khai trong thời gian tới. Những vấn đề này còn mới đối với ngành Công Thương nói chung và ngành thép nói riêng, do đó, đây cũng là cơ hội cho các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp của ngành thép Việt Nam nâng cao kiến thức, năng lực, tổ chức thực hiện để sẵn sàng đáp ứng nghĩa vụ giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp vào nỗ lực chung quốc gia.

TS. Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) nhấn mạnh, để triển khai có hiệu quả, việc giám sát các chỉ tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là rất quan trọng và cần thiết, đòi hỏi chúng ta cần xây dựng một hệ thống báo cáo, thẩm tra cấp quốc gia và cấp ngành minh bạch, phù hợp với điều kiện Việt Nam và quy định quốc tế, đặc biệt, chú trọng cải thiện chất lượng kiểm kê khí nhà kính.

Kết quả thí điểm lĩnh vực sản xuất thép sẽ là tiền đề cơ bản cho viêc triển khai các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong công nghiệp thực hiện Quyết định số 253/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030.