Tập huấn về quản lý đất ngập nước cho cán bộ Khu bảo tồn

Môi trường - Ngày đăng : 16:04, 17/04/2019

(TN&MT) – Khóa đào tạo Train of Trainers (ToT) quốc tế dành cho 30 cán bộ các Khu bảo tồn đến từ 5 quốc gia: Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar và Camuchia được tổ chức nhằm trang bị kiến thức về quản lý vùng đất ngập nước dưới tác động của biến đổi khí hậu.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án Nâng cao sức chống chịu các vùng đất ngập nước tại vùng hạ Mê Công (Mekong WET) do BMUB tài trợ được thực hiện từ 2017-2020 tại 4 quốc gia: Việt Nam, Lào, Thái Lan và Campuchia. Khóa học do Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp với Hội Sếu Quốc tế (International Crane Foundation) và Vườn quốc gia U Minh Thượng tổ chức.

Những người tham gia khóa đào tạo là các cán bộ quản lý của Khu bảo tồn, các nhà nghiên cứu từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong khu vực.

tập huấn
Cán bộ quản lý của các Khu bảo tồn tham gia khóa tập huấn. Ảnh: IUCN

Tham gia khóa tập huấn, các học viên được chia sẻ kiến thức liên quan đến phương thức quản lý đất ngập nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu (chế độ thủy văn, nhiệt độ, khan hiếm nước, quy tắc tự nhiên cũng như tác động của nó,...); diễn thế sinh thái và quản trị tài nguyên bền vững có sự tham gia của cộng đồng (thực tiễn hiện tại về sử dụng đất và khai thác tài nguyên thiên nhiên, quản lý bền vững, phương pháp tiếp cận có sự tham gia của cộng đồng trong quản lý và phát triển tài nguyên đất ngập nước,...). Trong khóa học có một chuyến thăm thực địa.

Sau khi kết thúc đào tạo, mỗi học viên sẽ dịch tài liệu giảng dạy sang ngôn ngữ địa phương phù hợp của quốc gia của họ và đào tạo lại cho nhân viên Khu bảo tồn để phổ biến thêm kiến ​​thức liên quan về quản lý vùng đất ngập nước.

Sắp tới, Mekong WET sẽ đưa ra các kế hoạch quản lý cho 10 địa điểm Ramsar trong khu vực; tiến hành đánh giá thích ứng; và thí điểm thực hành tốt nhất để hỗ trợ tốt hơn vùng đất ngập nước. Cùng với ToT, dự án đã thực hiện các chuyến tham quan học tập tại 4 quốc gia bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan để chia sẻ kinh nghiệm quản lý vùng đất ngập nước và thiết lập mạng lưới trao đổi trong các chủ đề liên quan.