Nối vòng tay lớn bảo vệ môi trường Trái đất

Môi trường - Ngày đăng : 10:20, 28/03/2019

(TN&MT) - 20 giờ ngày 30/3, Lễ tắt đèn Hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2019 sẽ chính thức bắt đầu trên toàn thế giới. Từ 1 tháng nay, TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 thành phố lớn đi đầu triển khai các hoạt động, phong trào liên quan đến tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Không chỉ dừng lại ở việc hưởng ứng hoạt động tắt đèn toàn cầu, đến nay, việc vận động cộng đồng thực hiện tắt điện tiết kiệm mà còn mở rộng ra nhiều hoạt động bảo vệ môi trường khác giảm thiểu sử dụng năng lượng hóa thạch, giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn để gia tăng lượng rác thải tái chế, khuyến khích nhân rộng các ý tưởng xanh…
HNM6167
Người dân chung tay hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất . Ảnh: Hoàng Minh

Tuyên truyền đến từng người dân

Với khẩu hiệu “Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ Trái đất”, các hoạt động Hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2019 đã được tổ chức ở nhiều trường học, khu dân cư, công sở các quận, huyện nhằm tiếp tục tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, thay đổi tích cực tới cộng đồng xã hội, doanh nghiệp, người dân về ý thức tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Chiến dịch Giờ Trái đất TP. Hà Nội 2019 kêu gọi công dân thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các quy định về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố. Từng cá nhân trong cộng đồng biến cam kết thành hành động cụ thể, tốt đẹp, thực hiện hàng ngày trong suốt cả năm. Đặc biệt, thành phố kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện ứng dụng, đổi mới trang thiết bị công nghệ, quy trình quản lý sản xuất hiện đại trong quá trình sản xuất tạo ra các sản phẩm có chỉ số phát thải thấp nhất khi đến tay người tiêu dùng Thủ đô.

Bên cạnh đó, thay đổi hành vi người tiêu dùng trong quá trình mua sắm, sử dụng và thải bỏ sản phẩm. Hình thành mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu phát sinh chất thải và ô nhiễm môi trường; bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, hướng tới phát triển nền kinh tế các bon thấp.

Nhiều trường học, năm nay, đã hướng tới các hoạt động cụ thể, thiết thực hơn đã đưa chuyên đề ngoại khóa đầy thú vị và bổ ích như tìm hiểu về Giờ Trái đất, cách thức sử dụng các thiết bị điện thế nào cho tiết kiệm, phát động phong trào đổi giấy lấy cây xanh, thi vẽ tranh về đề tài Giờ Trái đất… Theo anh Nguyễn Văn Quyết, Giáo viên phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong của Trường Tiểu học Dịch Vọng B, thông qua các bức tranh hay việc trả lời các câu hỏi, các em thiếu nhi đã cho thấy sự hiểu biết về ý nghĩa, kiến thức về tiêt kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Từ những việc nhỏ như lựa chọn thiết bị nào tiết kiệm điện, tắt điều hòa bao lâu trước khi ra khỏi phòng, không mở tủ lạnh quá lâu đến các hành động lớn như ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo, không vứt rác thải nhựa ra môi trường, bảo vệ đại dương…

Khuyến khích các ý tưởng xanh

Tại TP. Hồ Chí Minh, dự án trọng điểm của Chương trình Giờ Trái đất 2019 là phát động phong trào sáng kiến xanh "Change your green". Các tình nguyện viên đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp quanh chủ đề giảm thiểu khí thải gây ô nhiễm môi trường, tái chế rác thải, tái chế nhựa, giảm thiểu sử dụng nhựa… Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những ý tưởng khả thi và hỗ trợ chi phí để các tình nguyện viên xây dựng mô hình, kết nối với doanh nghiệp để triển khai các ý tưởng ra cộng đồng.

Chia sẻ về dự án của mình, bạn Nguyễn Trương Anh Kiệt, Trưởng nhóm Đội hình xung kích tình nguyện vì an sinh xã hội cho biết: Nhóm dự định sẽ sửa chữa, cải tạo lại hệ thống điện cho 100 hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, các khu dân cư tập trung có nguy cơ về cháy nổ và mất an toàn về điện trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, nhóm cũng tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng tiết kiệm điện và các nguồn năng lượng sạch, năng lượng táo tạo…

Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên TP. Hồ Chí Minh Ngô Minh Hải thông tin, hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2019, Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh xác định các nội dung hoạt động trọng tâm hướng đến phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ thành phố trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo mảng xanh, không xả rác ra đường phố và kênh rạch… Trong đó, các hoạt động hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất gồm các dự án: “Chuyển động xanh”, “Năng lực xanh cho cộng đồng”, “Kết nối xanh” và “Thay đổi xanh của bạn” sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường, tăng cường sử dụng sản phẩm xanh, cũng như thay đổi thói quen chuyển sang sản xuất xanh, ủng hộ các doanh nghiệp hướng đến công nghệ xanh, sản phẩm xanh…

Một đơn vị mạnh trong phong trào tiết kiệm năng lượng là Tổng Công ty Điện lực miền Nam cũng triển khai 10 chương trình hưởng ứng trong năm nay, bao gồm: Tuyên truyền tiết kiệm điện trên các kênh thông tin truyền thống; "Gia đình tiết kiệm điện"; "Tiết kiệm điện trong trường học"; "Tuyên truyền dán nhãn năng lượng"; "Hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng"; "Cung cấp dịch vụ tiết kiệm năng lượng theo mô hình ESCO"; dự án "Đầu tư hệ thống pin năng lượng mặt trời tại nhà điều hành và trạm 110 KV thuộc EVN SPC quản lý"; "Hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long"; "Hỗ trợ nông dân trồng hoa cúc tại Lâm Đồng"; "Ngày hội Tiết kiệm điện 2019".

Theo EVN SPC, mỗi chương trình gắn với mục tiêu cụ thể. Điển hình như mục tiêu của chương trình "Gia đình tiết kiệm điện" là đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến 100% hộ gia đình sử dụng điện tham gia thi đua "Gia đình tiết kiệm điện" với tiêu chí khen thưởng động viên đạt mức tiết kiệm từ 10% trở lên so với mức sử dụng năm 2018.

Các hoạt động tuyên truyền, vận động sẽ tiếp tục diễn ra trong những ngày tới, nhằm kêu gọi các cơ quan, tổ chức, các trường học, doanh nghiệp, các hộ gia đình tham gia hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2019 bằng việc tắt toàn bộ đèn tại trụ sở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong 1 giờ (từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút) tối 30/3/2019 - đêm sự kiện Giờ Trái đất 2019, đồng thời, duy trì thói quen tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên trong suốt cả năm.