Cảnh báo sớm là yếu tố chính giảm nguy cơ thiên tai

Môi trường - Ngày đăng : 10:07, 26/03/2019

(TN&MT) - Nhận định, dự báo, cảnh báo thiên tai có vai trò hết sức quan trọng góp phần giảm bớt thiệt hại về người và tài sản, ngành Khí tượng Thủy văn (KTTV) đã và đang có những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng và khả năng quan trắc, dự báo, cảnh báo, truyền tin khí tượng thủy văn từ Trung ương đến địa phương.

Chia sẻ với Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn - Bộ TN&MT) cho biết, cảnh báo sớm là một yếu tố chính trong giảm nguy cơ thiên tai, có thể ngăn ngừa thiệt hại về người và giảm thiệt hại kinh tế, vật chất từ thiên tai.

Ô Hoàng Đức Cường
TS. Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV ​​Quốc gia. Ảnh: Việt Hùng

PV: Nhìn lại năm 2018, những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt về cơ bản đã được ngành KTTV dự báo, cảnh báo chính xác và kịp thời, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và của. Ông có thể cho biết, dấu ấn nổi bật của công tác này trong thời gian qua?

Ông Hoàng Đức Cường: Nổi bật nhất trong công tác dự báo, cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới năm 2018 của ngành KTTV là việc nâng thời hạn dự báo bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Theo đó, các bản tin dự báo bão đã được phát đến 3 ngày và cảnh báo đến 5 ngày, trong khi đó, với các bản tin ATNĐ, hạn dự báo đã nâng lên đến 2 ngày và cảnh báo đến 3 ngày. Nội dung các bản tin bão, ATNĐ ngày càng đa dạng và phong phú, phù hợp với yêu cầu của công tác phòng chống thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại và yêu cầu của người sử dụng.

Nâng thời hạn dự báo mực nước triều, sóng và dòng chảy biển đến 3 ngày và cảnh báo đến 10 ngày. Triển khai dự báo nghiệp vụ nước dâng do gió mùa cho khu vực ven biển miền Đông Nam Bộ.

Các hiện tượng thiên tai đã được theo dõi chặt chẽ, các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai kèm cấp độ rủi ro thiên tai đã được ban hành theo đúng quy định. Các bản tin thiên tai được truyền đi dưới nhiều hình thức (email, fax, tin nhắn sms, họp báo và mạng xã hội,...). Trong tình huống thiên tai khẩn cấp, tần suất bản tin được phát nhiều hơn (1 bản tin/giờ) góp phần vào việc phòng chống thiên tai trên biển và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

T3
Đo thủy văn trên thượng nguồn sông Đà. Ảnh: Việt Hùng

PV: Năm 2019, các tác động của hiện tượng thiên tai tiếp tục có diễn biến phức tạp, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đã có những dự lường và giải pháp như thế nào trong công tác dự báo từ nay đến cuối năm, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Cường: Bước sang năm 2019, hiện tượng ENSO được dự báo sẽ duy trì trạng thái El Nino yếu từ nay cho tới khoảng tháng 7, tháng 8/2019 với xác suất 60 - 70%; đến cuối năm 2019, ENSO có khả năng trở về trạng thái trung tính. Như vậy, có thể nhận định El Nino năm 2018 - 2019 có cường độ yếu và không kéo dài.

Mùa bão năm 2019 trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Dự báo số lượng bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2019 có khả năng ít hơn so với TBNN, cụ thể có khả năng xuất hiện khoảng 10 - 12 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó, có khoảng 4 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ trong những tháng nửa cuối năm 2019.

Nhiệt độ trung bình từ tháng 4 - 8/2019 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn TBNN cùng thời kỳ khoảng 0,5oC - 1oC.

Nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm hơn trung bình tại các khu vực phía Tây Bắc Bộ và khu vực Trung Bộ. Khu vực miền Đông Nam Bộ còn xuất hiện nhiều ngày nắng nóng trong nửa cuối tháng 3 và tháng 4/2019. Các đợt nắng nóng có khả năng tập trung trong tháng 4 - 5 ở phía Tây Bắc Bộ, trong tháng 5 - 6 ở phía Đông Bắc Bộ, từ tháng 5 đến tháng 8 tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.

Mùa mưa lũ năm 2019, đỉnh lũ trên các sông suối khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức BĐ2 - BĐ3, một số sông suối nhỏ trên BĐ3. Lũ quét và sạt lở đất có khả năng xuất hiện sớm ngay từ các tháng đầu mùa mưa lũ, nhiều đợt lũ quét và sạt lở đất tập trung tại vùng núi phía Tây Bắc. Nguồn nước khu vực Tây Bắc và Việt Bắc ở mức xấp xỉ TBNN; khu vực Đông Bắc phổ biến thiếu hụt từ 20 - 30%; khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, hạ lưu sông Hồng thiếu hụt từ 10 - 30%.

Đối với khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ: Từ tháng 3 - 5/2019, lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN; riêng các sông từ Quảng Nam đến Bình Định và Bình Thuận phổ biến ở mức xấp xỉ và cao hơn TBNN. Nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt, tình hình hạn hán thiếu nước xảy ra cục bộ ở những vùng nằm ngoài khu vực cấp nước của các công trình thủy lợi.

Từ tháng 6 - 8/2019, dòng chảy trên các sông từ Thanh Hóa - Hà Tĩnh và khu vực Tây Nguyên có xu thế tăng dần; các sông khác ở Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ tiếp tục giảm. Mùa khô năm 2019 ở các tỉnh ven biển Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ khả năng kéo dài tới tháng 8/2019, nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng cửa sông tại các tỉnh thuộc khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Xâm nhập mặn vùng Đồng bằng Nam Bộ ít gay gắt hơn so với năm 2016 nhưng vẫn ở mức cao hơn TBNN và cao hơn năm 2018.

Trong mùa lũ năm 2019, đỉnh lũ trên các sông ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ ở mức xấp xỉ TBNN.

Trong năm 2019, tại khu vực ven biển Nam Bộ triều cường cao sẽ xuất hiện vào những ngày thuộc tuần đầu của tháng 10, 11 và 12. Trong khi đó, tại ven biển Nam Trung Bộ nguy cơ triều cường cao tập trung vào tháng giữa 10, 11 và 12, nhất là khi trùng với hoạt động của không khí lạnh lấn sâu xuống Trung Bộ. Sạt lở bờ biển tại ven biển Trung Bộ vẫn diễn ra nghiêm trọng do sóng lớn trong gió mùa Đông Bắc kết hợp với triều cường.

PV: Để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo chính xác các hiện tượng thiên tai, ông có thể chia sẻ những nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm sẽ triển khai trong thời gian tới?

Ông Hoàng Đức Cường: Trong năm 2019, chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 3/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016 - 2020; triển khai thực hiện kế hoạch duy tu, bảo dưỡng công trình KTTV; xây dựng và hoàn thiện phương án quan trắc khi xảy ra bão, mưa, lũ lớn cho các trạm KTTV, trong đó, chú trọng việc truyền tin, diễn tập, thực hành các phương án quan trắc để ứng phó hiệu quả các tình huống nguy cấp.

Theo dõi chặt chẽ, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo sớm, sát diễn biến thời tiết hàng ngày và diễn biến các hiện tượng KTTV nguy hiểm, đặc biệt, bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, mưa lớn; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo cho các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương, địa phương phục vụ công tác chỉ đạo, phòng tránh.

Đồng thời, tăng cường hợp tác song phương và đa phương để trao đổi thông tin dữ liệu KTTV, nhất là các số liệu KTTV xuyên biên giới; trao đổi, chia sẻ thông tin và công tác phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để khai thác hạ tầng sẵn có, phát huy sức mạnh tổng hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai.

Một nhiệm vụ cũng rất quan trong là đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, đào tạo nhằm đưa thông tin tới người dân, nâng cao năng lực cộng đồng để nắm bắt tình hình, diễn biến thiên tai và chủ động ứng phó trong các tình huống thiên tai, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

10 - 20 cơn bão và ATNĐ có khả năng xuất hiện trên khu vực Biển Đông năm 2019. Trong đó, có khoảng 4 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ.