Để Cô Tô phát triển bền vững - Bài 3: Định hướng giải quyết môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 11:55, 26/03/2019

(TN&MT) - Cô Tô đang phải đối mặt với lượng rác thải ngày càng tăng nhanh do phát triển của du lịch. Giải quyết lượng rác thải này, huyện Cô Tô đã đưa ra giải pháp gì? Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trò chuyện với ông Đào Văn Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô để làm rõ hơn những quyết tâm của địa phương hướng tới xây dựng huyện đảo xanh và bền vững.
vu
Ông Đào Văn Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô

PV: Xin ông cho biết, tình hình phát sinh rác thải trên đảo và phương án xử lý, thưa ông?

Ông Đào Văn Vũ: Trong những năm gần đây, ngành du lịch và dịch vụ du lịch đang phát triển và hứa hẹn là ngành kinh tế chiếm tỷ trọng lớn của huyện. Lượng du khách đến đảo không ngừng gia tăng đã và đang tạo ra các áp lực đối với môi trường sinh thái, lượng chất thải rắn phát sinh hàng năm là rất lớn. Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện vào khoảng 17 tấn/ngày, vào mùa du lịch vào khoảng 30 tấn/ngày. Nguồn phát sinh chất thải sinh hoạt trên địa bàn huyện chủ yếu từ hộ dân, nhà hàng, khách sạn, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ... Chỉ tính riêng rác thải ni lông, ước tính năm 2017, lượng túi ni lon thải ra môi trường Cô Tô từ 22 - 44 tấn ni lon (đã qua sử dụng) (chưa kể vỏ chai nhựa, túi nilon, lưới, bao tải… của các ngư dân, các hãng tàu cao tốc, tàu vận tải thải trực tiếp xuống biển, số này ước tính năm 2017 khoảng 15 tấn).

Lượng rác thải này phần lớn đã được công ty môi trường thu gom, vận chuyển về bãi rác. Việc thu gom rác thải do đơn vị tư nhân thực hiện, tại thị trấn Cô Tô thực hiện thu gom 1 lần/ngày, tại các xã là 3 lần/tuần, tại bãi biển là 2 lần/tuần. Rác được xử lý bằng phương pháp đốt chiếm khoảng 20% còn lại khoảng 80% là chôn lấp. Một số rác thải chưa được thu gom do một số bộ phận người dân đổ trực tiếp xuống các khu vực gần nơi sinh sống, một số chất thải rắn, túi ni lon còn rải rác trên các trục đường thôn, xóm, trên vỉa hè, các bãi biển.

Do rác thải chưa được phân loại tại nguồn, tỷ lệ túi ni lon chiếm tỷ trọng lớn gây khó khăn cho quá trình xử lý. Bên cạnh đó, các phương tiện thu gom còn thô sơ, khoảng 40% các hộ dân chưa có thùng rác đảm bảo vệ sinh, 20 % chưa tập kết rác đúng nơi quy định, 90% phương tiện, người đi đường sử dụng túi ni lon nhưng không để rác đúng nơi quy định. Tại các bãi biển, khoảng 50% rác thải chưa được thu gom do chưa có kinh phí để đầu tư máy móc, thiết bị và thuê công nhân thu gom. Để nâng cao công tác thu gom, xử lý rác thải huyện Cô Tô đã triển khai Đề án Phân loại rác thải tại nguồn và đề án hạn chế sử dụng túi ni lon.

T7
Hoạt động thu gom rác tại các bãi biển được huyện Cô Tô thường xuyên triển khai thực hiện. Ảnh: MH

PV: Ông có thể chia sẻ rõ hơn về 2 Đề án này?

Ông Đào Văn Vũ: “Đề án Phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn huyện Cô Tô giai đoạn 2017 - 2020” đã đề ra mục tiêu nâng cao nhận thức cho chính người thải rác thải ra môi trường và đến năm 2020, tỷ lệ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt đạt hơn 95%. 100% hộ dân và các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn huyện thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; 100% hộ dân và các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn huyện được trang bị các kiến thức về phân loại rác tại nguồn; phấn đấu đến năm 2020 đạt tỷ lệ 100% khu dân cư đô thị và khu dân cư nông thôn trên địa bàn huyện triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn (CTR) sinh hoạt tại nguồn phù hợp với công nghệ xử lý CTR.

Đề án xác định lộ trình thực hiện, giai đoạn 1 (năm 2018 đến giữa năm 2019) sẽ tập trung xây dựng, phát hành, triển khai tuyên truyền đề án trên địa bàn huyện; nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường và cách thức phân loại thông qua tập huấn, xây dựng mô hình phân loại rác thải hoàn thành 100% tại thị trấn Cô Tô và xã Đồng Tiến. Giai đoạn 2 (giữa năm 2019 đến cuối 2020) phát triển mô hình và mở rộng mô hình hoàn thành 100% tại xã Thanh Lân.

Với đặc thù rác thải của huyện, Cô Tô sẽ thực hiện phân loại rác thải thành 2 loại là rác thải hữu cơ và rác thải vô cơ kết hợp phân loại rác thải có thể tái chế, tái sử dụng. Tùy theo cách thức xác định nhóm chất thải cần được phân loại để lựa chọn phương án lưu giữ chất thải phù hợp tại hộ gia đình, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, trường học, công sở… Có thể trong giai đoạn đầu triển khai, Đề án sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để mua túi phân loại rác thải thân thiện với môi trường cho các hộ gia đình trong khu vực thực hiện Đề án…

Đối với Đề án Hạn chế sử dụng túi ni lon trên địa bàn huyện Cô Tô giai đoạn 2017 - 2020, huyện đã đưa ra lộ trình cụ thể, năm 2018, huyện tập trung tuyên truyền vận động để thay đổi nhận thức của người dân. Bên cạnh đó, cấp phát vật dụng, túi thân thiện với môi trường thay thế túi ni lon; kiểm soát các nguồn phát tán túi ni lon, thực hiện ký cam kết không phát tán, buôn bán, sử dụng túi ni lon... Năm 2019, sẽ chủ động cung ứng các vật dụng thay thế túi ni lon bằng việc tổ chức các hoạt động hướng dẫn gấp túi giấy; thành lập tổ đội gấp túi giấy, sáng tạo các vật dụng thay thế túi ni lon; xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vật dụng thân thiện với môi trường thay thế túi ni lon. Năm 2020, tăng cường kiểm soát sử dụng túi ni lon, ban hành các quy định riêng; áp dụng chế tài, thành lập các đoàn kiểm tra kiểm soát…

Đề án Hạn chế sử dụng túi ni lon sẽ được thực hiện lồng ghép vào các Chương trình, Đề án có liên quan như: Đề án Phân loại rác thải đầu nguồn, Đề án Phát triển du lịch Cô Tô bền vững.

PV: Để đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2020, tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đạt hơn 95%. 70% - 80% hộ dân và các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn huyện thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, Cô Tô sẽ thực thi các giải pháp quyết liệt nào, thưa ông?

Ông Đào Văn Vũ: Không chỉ có rác thải sinh hoạt, khối lượng rác từ biển trở thành một thách thức rất lớn cho huyện đảo du lịch. Vì vậy, chúng tôi đã, đang và sẽ tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức và chuyển biến thành hành động của từng người dân, từng khách du lịch và cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang… thông qua hệ thống truyền thanh đến từng khu phố, thôn xóm, phát tờ rơi, quy tắc ứng xử du lịch và đặc biệt triển khai tuyên truyền vận động qua Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên. Tổ chức những “Ngày Chủ nhật xanh”, hàng tuần, hàng tháng tại các khu dân cư đều đồng loạt xuống đường, ra các bãi biển dọn vệ sinh. Các tổ chức chính trị - xã hội tích cực vận động, tuyên truyền hội viên, đoàn viên hưởng ứng chương trình vì môi trường xanh - sạch - đẹp. Sạch từ trong nhà, sạch ngoài ngõ và sạch cả ngoài đường.

Bên cạnh đó là các giải pháp về công tác quản lý, cơ chế chính sách như: Giảm phí thu gom đối với các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất nếu họ thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn. Kịp thời khen thưởng, biểu dương đối với các hộ, các địa bàn làm tốt công tác phân loại rác tại nguồn. Ưu tiên đầu tư trang bị cho phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt.

Tăng cường tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về quản lý CTR cho cán bộ phụ trách công tác môi trường tại cơ sở và đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý CTR. Chú trọng vào nghiên cứu các mô hình hay về môi trường, áp dụng vào thực tiễn cho phù hợp với địa phương.

Áp dụng các công nghệ tiên tiến, có hiệu quả, lợi ích về kinh tế để đưa vào sử dụng, thực hiện tại địa phương. Đặc biệt, sẽ có những chính sách thu hút nguồn chất lượng cao, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực về quản lý môi trường. Khẩn trương triển khai cải tạo, nâng công suất khu xử lý rác thải…

Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, huyện Cô Tô mong muốn các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất chủ trương cho UBND huyện Cô Tô được nghiên cứu thu phí bảo vệ môi trường đối với du khách, khách du lịch khi đến với Cô Tô nhằm bổ sung nguồn kinh phí xã hội hóa thực hiện đầu tư các dự án, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Cô Tô, đặc biệt, nguồn kinh phí thực hiện hạn chế sử dụng túi ni lon, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Hỗ trợ địa phương trong việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ thực hiện xử lý môi trường.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!