Để Cô tô phát triển bền vững - Bài 2: Áp lực về môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 14:02, 21/03/2019

(TN&MT) - Cô Tô vươn mình đứng dậy, nhiều khách sạn, nhà nghỉ hiện đại được xây dựng; các hoạt động nuôi trồng, chế biến thủy sản… cũng diễn ra mạnh mẽ kéo theo đó là áp lực về môi trường.

Cần nguồn lực đầu tư cho môi trường

Mỗi ngày, huyện đảo Cô Tô phải đối mặt với lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 17 tấn, vào mùa du lịch, rác thải tăng lên khoảng 30 tấn. Đó là chưa kể  một lượng lớn rác thải biển từ các tàu thuyền, rác thải bãi biển trôi dạt vào bờ, đặc biệt, vào mùa du lịch khi có sóng nam, bão gió. Các nguồn gây ô nhiễm môi trường chủ yếu từ khu vực dân cư, đô thị; cơ sở chế biến sứa biển; khu vực kinh doanh, dịch vụ du lịch, khu vực chợ, các điểm tập kết buôn bán, kinh doanh, các khu vực tập trung sơ chế thủy hải sản…

1C6A7834


Bên cạnh đó, huyện đảo Cô Tô còn có lượng nước thải sinh hoạt phát sinh khá lớn, khoảng trên 250 m3/ngày đêm, vào thời điểm du lịch lượng là 800 - 900 m3/ngày đêm. Đặc biệt, nước thải sản xuất từ hoạt động chế biến sứa biển từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm. Hiện,  trên địa bàn huyện có 36 cơ sở chế biến sứa biển chủ yếu tập trung tại khu vực vụng cát 2, vụng cát 3 thị trấn Cô Tô, khu dân cư ven biển thôn 1 xã Thanh Lân và một số đảo nhỏ lẻ. Các cơ sở chế biến sứa biển đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải; khu vực chế biến sứa tập trung. Tại thôn 1 xã Thanh Lân đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tuy vậy, việc duy trì và vận hành hệ thống của một số cơ sở chưa đúng cam kết; nhân lực để vận hành các công trình xử lý nước thải còn thiếu và yếu nên chưa đáp ứng được yêu cầu về môi trường.

Không chỉ có rác, nước thải, nơi đây còn có nỗi lo về sự xuống cấp của các hồ chứa nước và hệ thống xử lý cấp nước sinh hoạt. Tại hồ C4 thị trấn Cô Tô và hồ Chiến Thắng tại xã Thanh Lân, hệ thống xử lý nước cấp đã được đầu tư lâu năm, công suất xử lý kém nên về cơ bản chỉ đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân trên đảo. Đến mùa du lịch, lượng khách đến với Cô Tô lớn. Vì vậy, thời gian tới Cô Tô cần đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các hệ thống xử lý nước cấp.

Nỗ lực giải quyết

Để giải quyết vấn đề liên quan đến rác thải, những năm qua, huyện đã ban hành cơ chế hỗ trợ để người dân mua thùng rác, thu gom rác thải ngay tại nhà; chỉ đạo Đoàn Thanh niên xây dựng Quỹ Bảo vệ môi trường tại các nhà hàng, khách sạn... Cách đây gần chục năm, Cô Tô đã quan tâm đầu tư lò đốt để xử lý rác thải nhưng đến nay, lò đốt này đã không còn phù hợp với tình hình thực tế nhất là trước nhu cầu phát triển dịch vụ, du lịch của huyện.

Hiện, huyện đang triển khai 2 đề án hạn chế sử dụng túi nilon và phân loại rác thải tại nguồn; lắp đặt các thùng rác đôi để phân loại rác thải; xây dựng và đưa vào hoạt động 5 điểm trạm trung chuyển rác thải tại xã Đồng Tiến. Duy trì thực hiện các hoạt động dọn vệ sinh môi trường tại khu vực bãi biển, khu vực dân cư, triển khai có hiệu quả chương trình Ngày Chủ nhật xanh, Hãy làm sạch biển. Triển khai các hoạt động, dự án về bảo vệ môi trường như:  Đề án hạn chế sử dụng túi nilon, Đề án phân loại rác thải tại nguồn. Phối hợp với Sở TN&MT triển khai Dự án “Nâng cao nhận thức về quản lý chất thải rắn tại huyện Cô Tô, huyện Ba Chẽ và TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh”… Nhưng do lượng rác thải bãi biển rất lớn, nguồn kinh phí thực hiện còn hạn chế, ý thức của một số người dân và khách du lịch còn chưa cao nên xả thải bừa bãi không đúng nơi quy định nên công tác bảo vệ môi trường chưa đạt được kết quả mong muốn.

Bên cạnh đó, chi phí cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý còn thấp, nguồn kinh phí được cấp chỉ tính trên số nhân khẩu của huyện Cô Tô mà không tính đến số lượng khách du lịch, do đó,  việc chi trả, cung ứng, duy trì hoạt động thu gom, xử lý rác thải còn rất khó khăn. Tại xã Thanh Lân chưa có bãi rác xử lý. Bãi rác tại xã Thanh Lân mới thực hiện đầu tư tạm thời, không đáp ứng được yêu cầu.

Đối với xử lý nước thải, từ đầu năm 2014, huyện chỉ đạo các cơ sở chế biến thủy, hải sản phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải để thu gom vào một hệ thống xử lý chung trước khi thải ra môi trường… Được sự tài trợ của tổ chức JICA Nhật Bản, huyện đã thực hiện lắp đặt hệ thống đường ống làm sạch nước thải sinh hoạt trên địa bàn thị trấn Cô Tô với chiều dài 290 m với công suất 50 m3/ngày đêm. Huyện đã nghiên cứu công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt cục bộ bằng hệ thống New Johka và xử lý chất thải nhà tiêu bằng hệ thống Bio Toilet; lắp đặt 1 hệ thống xử lý nước thải cho nhà hàng tại thị trấn Cô Tô với công suất 5 m3/ngày đêm do Sở KH&CN làm chủ đầu tư.

Trao đổi với Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Mai Quốc Hoàn, Trưởng Phòng TNMT và NN huyện Cô Tô cho biết: Chính quyền nơi đây đã nhận định thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt là vấn đề cấp bách, cần được triển khai sớm nhằm bảo vệ môi trường, tạo mỹ quan và thiện cảm đối với người dân và khách du lịch. Huyện Cô Tô mong muốn UBND tỉnh, Sở KH&CN, Sở TN&MT  nghiên cứu, kêu gọi đầu tư khu xử lý nước thải sinh hoạt tại đảo Cô Tô lớn để đảm bảo môi trường, đặc biệt vào mùa du lịch.

Với nhiều nỗ lực, đến nay, vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện Cô Tô đã từng bước được giải quyết. Tuy vậy, phải nhìn nhận khách quan là cơ sở vật chất hạ tầng cho công tác bảo vệ môi trường, nhất là vấn đề xử lý rác thải của Cô Tô hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Mọi chi phí xử lý chỉ dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước, chưa có xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực môi trường nên việc thu gom, xử lý rác thải, nước thải còn gặp nhiều khó khăn.

Việc thu gom xử lý rác thải ở tuyến đảo có đặc thù, thường gặp nhiều khó khăn và tốn kém. Quốc đảo Singapore đã phải chi 400 triệu USD để xây dựng tổ hợp xử lý rác thải kết hợp du lịch sinh thái Semakau rộng 3,5 km2. Ở Việt Nam, đảo Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) vừa đưa vào sử dụng hệ thống quản lý chất thải rắn trị giá 6,5 tỷ đồng do Chính phủ Đan Mạch tài trợ; huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cũng hỗ trợ 30 tỷ đồng để xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt...