Xử lý chất thải rắn ở Ninh Bình: Nhiều gian nan!
Môi trường - Ngày đăng : 09:43, 21/03/2019
Nhiều gian nan
Thống kê của Sở TN&MT Ninh Bình cho biết, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh năm 2018 khoảng 154.000 tấn (trong đó nhiều nhất là TP. Ninh Bình với 31.390 tấn và huyện Gia Viễn với 21.900 tấn). Hiện chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh cơ bản được thu gom và xử lý nhưng chưa được phân loại tại nguồn mà vẫn là thu gom chung cả rác vô cơ và rác hữu cơ. Riêng tại TP. Tam Điệp và TP. Ninh Bình rác thải phát sinh sẽ được Công ty CP môi trường và dịch vụ đô thị Tam Điệp thu gom. Lượng rác thải sinh hoạt được thu gom toàn tỉnh đạt khoảng 70%.
Hiện Ninh Bình có 6 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt gồm 1 Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phân vi sinh công suất 600 tấn/ngày đêm, còn lượng chất thải vô cơ được chon lấp tại bãi rác Thung Quèn Khó, TP. Tam Điệp và 5 lò đốt rác quy mô nhỏ công suất 250 – 500 kg/giờ tại các xã Khánh Thiện, Khánh Hòa, Khánh Thủy và thị trấn Yên Ninh. Các lò đốt này cũng chưa có giải pháp xử lý khí thải đồng bộ phát sinh trong quá trình xử lý rác thải.
Các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa đáp ứng được nhu cầu xử lý toàn bộ lượng chất thải sinh hoạt phát sinh, hiệu quả xử lý chất thải chưa cao. Việc xử lý chất thải sinh hoạt theo mô hình lò đốt nhỏ lẻ là chưa phù hợp do hệ thống mới chỉ có buồng đốt sơ cấp, nhiệt độ chưa đảm bảo, hầu hết không có hệ thống xử lý khí thải phát sinh, quy trình công nghệ còn sử dụng nhiều thao tác thủ công, mất nhiều nhân công. Rác sau ủ đem phơi để đốt bốc mùi ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là trong các mùa mưa, ẩm ướt, làm tăng sức ép lên môi trường nước và môi trường xung quanh khu vực đặt lò.
Ngoài chất thải rắn sinh hoạt, năm 2018 toàn tỉnh có khoảng 57.870 tấn chất thải rắn khác phát sinh chủ yếu từ các KCN, CCN, cơ sở sản xuấ vật liệu xây dựng, cơ sở may mặc… Cùng với đó là chất thải rắn phát sinh từ các cơ sở y tế trên địa bàn khoảng 870 tấn. Lượng chất thải rắn này mới chỉ được các đơn vị thu gom, phân loại, một phần được tái chế, phần còn lại được các doanh nghiệp ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng để vận chuyển, xử lý. Chưa có công nghệ xử lý rác thải xây dựng, rác thải công nghiệp phù hợp do vậy vẫn còn xảy ra tình trạng đổ rác thải sinh xây dựng bừa bãi, gây mất cảnh quan đô thị.
Đâu là giải pháp?
Để khắc phục những khó khăn, tồn tại trên, Sở TN&MT Ninh Bình đưa ra nhiều giải pháp cần làm ngay như: Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho người dân về công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Có chính sách ưu đãi đối với các cơ sở sản xuất tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, các cơ sở áp dụng công nghệ sạch và không gây ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh công tác quản lý môi trường tại các khu vực đô thị, nông thôn, các KCN, CCN.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, ứng dụng KH&CN tiên tiến trong xử lý chất thải, tránh đầu tư các công trình nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường thứ cấp từ các cơ sở xử lý rác quy mô nhỏ như hiện nay. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT, xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi thải rác thải trái quy định ra môi trường. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các công trình phục vụ cho công tác BVMT và xử lý chất thải rắn.