Kỷ niệm Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3: Những nhà khoa học nữ đam mê nghiên cứu môi trường
Môi trường - Ngày đăng : 14:06, 07/03/2019
Hướng đến “vòng tròn khép kín”
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hà - Trưởng Bộ môn Công nghệ Môi trường, hiện nay, các cơ sở sản xuất nhỏ, nhất là cơ sở sản xuất trong các làng nghề, thường không có tiềm lực tài chính mạnh để đầu tư hệ thống, công trình xử lý chất thải quy củ, đáp ứng yêu cầu. Thậm chí, nhiều nơi hoạt động sản xuất gắn liền với chỗ ở; trong khi nhận thức về vấn đề ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe cũng còn chưa đầy đủ nên những nguy cơ rủi ro, ảnh hưởng đến môi trường sống rất lớn.
Hướng các nhà khoa học nữ đặt ra là nghiên cứu, đưa ra các công nghệ phù hợp với quy mô sản xuất vừa và nhỏ, các giải pháp có chi phí thấp, tiện lợi, dễ sử dụng. Trong quá trình khảo sát thực tế, nhóm nghiên cứu cũng thấy có thể tận dụng được nhiều trang thiết bị, hạ tầng có sẵn để tiết kiệm cho các hộ sản xuất.
Với hướng nghiên cứu này, các nhà khoa học nữ Bộ môn Công nghệ môi trường đã triển khai áp dụng thử nghiệm, thực tế một số mô hình xử lý nước thải sản xuất công nghiệp và cải thiện môi trường nước mặt, như các đề tài: Xây dựng hệ thống xử lý nước thải dệt nhuộm; Nghiên cứu chế tạo hệ thống đồng bộ xử lý nước ngầm có hàm lượng Asen cao; xử lý nước thải với nồng độ chất hữu cơ cao; chế tạo vật liệu xử lý ô nhiễm từ các chất thải,…
Ở nội dung phân tích, đánh giá chất lượng môi trường, PGS.TS Nguyễn Thị Hà cho biết, một số đề tài nghiên cứu nổi bật trong cụm đề tài được trao giải có thể kể đến như: Nghiên cứu về Asen và các hợp chất Nitơ trong nước ngầm; Bộ kít thử và phương pháp xác định nhanh Amoni trong các nguồn nước cấp cho sinh hoạt và ăn uống,… thể hiện tính tiên tiến và định hướng ứng dụng cao.
Đặc biệt, kết quả nghiên cứu và đề xuất của các đề tài cũng có tính khuyến cáo để các nhà quản lý tham khảo khi xây dựng, sửa đổi các chính sách, văn bản pháp lý và có thể tác động đến hành động, ý thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường.
Chú trọng tái sử dụng chất thải
Một trong những điểm nổi bật trong cụm đề tài của nhóm nhà khoa học nữ Bộ môn Công nghệ Môi trường là những nghiên cứu hướng đến tái sử dụng chất thải vào việc hữu ích.
Có thể kể đến nghiên cứu xử lý nước thải mạ điện để tận dụng làm men màu gốm sứ và vật liệu xây dựng, xử lý giấy ăn thải để làm cơ chất trồng nấm ăn, chế tạo vật liệu hấp phụ Asen từ các chất thải và nguyên liệu sẵn có rẻ tiền, chế tạo viên nén nhiên liệu từ phế phụ phẩm nông nghiệp...
PGS.TS Nguyễn Thị Hà cho rằng, những nghiên cứu này hoàn toàn có tính ứng dụng trong thực tế. Tuy vậy, do có những khó khăn nhất định nên việc triển khai, nhân rộng còn vướng mắc, bất cập về chi phí hiệu quả, tính kinh tế, sự cạnh tranh, cơ chế. Một khó khăn nữa là vì nhiều lý do, các cơ sở sản xuất vẫn còn tâm lý dè dặt, không mặn mà với việc sử dụng chất thải thay thế, bổ sung cho nguyên nhiên liệu trong sản xuất.
“Cháy” với đam mê nghiên cứu
Lĩnh vực nghiên cứu về môi trường rất nhạy cảm, không dễ dàng để tiếp cận những cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, những đơn vị là chủ nguồn thải, cơ sở gây ô nhiễm. Nhiều khi vừa mới đến hỏi đã bị người ta đuổi, có em để lấy được mẫu nước thử nghiệm phải trèo tường... Các nhà khoa học nữ vẫn kiên trì với niềm đam mê để môi trường sạch hơn.
“Nghiên cứu thực địa không phải cứ nghiên cứu là thành công, có những thí nghiệm làm đi làm lại, thậm chí, phải làm đến 10 lần cũng chưa đạt điều mình mong muốn”, bà Hà cho biết thêm.
Thế nhưng, niềm vui sau những vất vả đó với những nhà khoa học nữ này là được đến với người dân, tập huấn giúp họ tìm và hiểu được nguyên nhân, hướng dẫn cách đơn giản để có thể cải thiện, giám sát chất lượng nước ao hồ, bảo vệ môi trường sống cho chính họ. Một số mô hình mẫu đã được triển khai thực hiện rất thành công.