Lạng Sơn: Hàng loạt các vi phạm ở Công ty cổ phần thương mại sản xuất da Nguyên Hồng

Môi trường - Ngày đăng : 20:25, 27/02/2019

(TN&MT) – Hàng loạt các vi phạm ở Công ty cổ phần thương mại sản xuất da Nguyên Hồng (địa chỉ tại xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng) vừa được Thanh tra Sở TN&MT Lạng Sơn chỉ ra sau khi tiến hành thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước ở Công ty này.
A1 Cty Nguyên Hồng
Nhiều vi phạm liên quan đến lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước ở Công ty Nguyên Hồng.

Thanh tra Sở TN&MT chỉ rõ, Công ty cổ phần thương mại sản xuất da Nguyên Hồng (gọi tắt là Công ty Nguyên Hồng) đã đi vào hoạt động sản xuất từ năm 2003 cho đến nay, tuy nhiên trong quá trình hoạt động việc xem xét cấp các thủ tục còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Công ty hoạt động một thời gian dài có nhiều vi phạm trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước, môi trường mà không được nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời.

Ảnh 2 trong xưởng
Người dân phản ánh có mùi hôi thối từ trong nhà xưởng của Công ty.

Cụ thể, trong lĩnh vực đất đai Công ty này đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà không được cấp có thẩm quyền cho phép; Lấn chiếm đất đai, tự ý nắn dòng chảy của suối. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, việc quan trắc môi trường định kỳ năm 2017 thiếu tần suất giám sát theo quy định trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; Tự ý điều chỉnh, thay đổi quy mô công trình bảo vệ môi trường so với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt. Đối với lĩnh vực tài nguyên nước, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (khai thác, xả thải) không đúng thời gian yêu cầu trong giấy phép; Không thực hiện giám sát tài nguyên nước trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước; không thực hiện giám sát xả nước thải vào nguồn nước theo định.

Theo Thanh tra Sở TN&MT Lạng Sơn, Công ty đi vào hoạt động từ năm 2003, đến 2017 mới được UBND tỉnh Lạng Sơn xem xét, cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt và giấy phép xả thải vào nguồn nước. Như vậy, trong quá trình thực hiện, kiểm tra hồ sơ của cơ quan chức năng cũng có phần trách nhiệm, đã không kịp thời đôn đốc Công ty báo cáo hàng năm về khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước; thực hiện giám sát trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước cũng như không tiến hành kiểm tra, giám sát việc chấp hành của Công ty sau khi đã được cấp phép.

Ảnh 3 sự cố 2017
Cuối năm 2017 Công ty này cũng đã để khoảng 50m3 nước thải chưa qua xử lý tràn ra suối Khuổi Luông.

Nguyên nhân dẫn đến những vi phạm trên là do vai trò quản lý nhà nước của cơ quan chức năng còn buông lỏng, không thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để chấn chỉnh, xử lý kịp thời. UBND huyện Văn Lãng và UBND xã Tân Mỹ với trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn, nhưng đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát để Công ty vi phạm trong thời gian dài.

Liên quan đến Công ty Nguyên Hồng, nhiều năm qua, người dân xã Tân Mỹ và báo chí phản ánh, Công ty này đã gây ô nhiễm môi trường, trong đó dòng suối Khuổi Luông bị ô nhiễm nghiêm trọng, mùi hôi thối nồng nặc bốc ra từ nhà xưởng của Công ty khiến người dân địa phương vô cùng bức xúc và đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền.

Mới đây nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Phạm Ngọc Thưởng đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và bảo vệ môi trường đối với Công ty cổ phần thương mại sản xuất da Nguyên Hồng số tiền 244 triệu đồng.

Trước đó, Giám đốc Sở TN&MT Lạng Sơn Bùi Văn Côi cho biết, Sở đã nhận được các phản ánh của dư luận và qua đường dây nóng của đơn vị về Công ty Nguyên Hồng, vì vậy đây cũng là lý do Thanh tra Sở tiến hành thanh tra Công ty này.

Giám đốc Sở TN&MT Lạng Sơn yêu cầu Công ty Nguyên Hồng nghiêm túc chấp hành đúng các quy định của pháp luật về lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước. Có biện pháp hạn chế, giảm thiểu tối đa mùi hôi khó chịu phát tán ra môi trường. Đồng thời khắc phục hậu quả các hành vi vi phạm về lĩnh vực đất đai đã được chỉ ra, buộc khắc phục hậu quả trên diện tích đất vi phạm theo quy định, khắc phục xong trước ngày 31/3 tới.