Khử mặn nước bằng năng lượng gió – một giải pháp khả thi chống hạn hán và xâm nhập mặn

Môi trường - Ngày đăng : 18:16, 19/12/2018

(TN&MT) - Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã gây nên nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, triều cường, xâm nhập mặn ăn sâu vào đất liền…đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, hoạt động canh tác nông nghiệp của người dân, đe dọa an ninh lương thực quốc gia.

Để ứng phó với tình trạng trên, tháng 12/2017, Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đệ trình đề xuất dự án “ Khử mặn nước sử dụng năng lượng gió” đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Quỹ Nghiên cứu và tư vấn Việt - Bỉ (Quỹ SCF) nhằm mục đích thực hiện nghiên cứu đánh giá tính khả thi của việc áp dụng những công nghệ và kỹ thuật tiên tiến đến từ Vương quốc Bỉ và các quốc gia khác của Châu Âu cho việc xử lý nước mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long(ĐBSCL) và Duyên hải Nam trung bộ.

IMG 1
Toàn cảnh hội thảo “Hạn hán, xâm nhập mặn và ứng dụng công nghệ khử mặn bằng năng lượng gió tại duyên hải Nam trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long”.

Qua quá trình khảo sát, triển khai thí điểm dự án áp dụng kỹ thuật công nghệ lọc nước mặn bằng năng lượng gió đã đạt được những kết quả khả quan.

Ngày 18/12/2018, tại hội thảo “Hạn hán, xâm nhập mặn và ứng dụng công nghệ khử mặn bằng năng lượng gió tại duyên hải Nam trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long”, trước sự chứng kiến của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Đại sứ quán Vương Quốc Bỉ tại Việt Nam và nhiều tỉnh thành, Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp đã báo cáo kết quả thực hiện dự án “Khử mặn nước sử dụng năng lượng gió”.

3 han han
Hạn hán ở Ninh Thuận.

Những năm gần đây, người dân nghèo ở các tỉnh ven biển và đặc biệt các tỉnh Nam Trung bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận) và ĐBSCL đã và đang phải đối mặt với tác động của xâm nhập mặn lên sản xuất và đời sống. Nhiều nơi tại ĐBSCL xâm nhập mặn đã vào sâu từ 35-40km với độ mặn từ 14,6-31,2g/l. Đặc biệt sông Tiền đã bị xâm nhập mặn tới 90km trong nội địa. Nhiều hàng hóa bị tổn thất do hạn hán vào mùa khô và xâm nhập mặn, ngập lụt vào mùa mưa gây nên ở những sản phẩm như lúa gạo, rau, trái cây, cá tôm… Tính đến năm 2050, tổng thiệt hại dự ước trung bình khoảng 30% mức sản lượng nông nghiệp.Về giá trị tiền tệ chiếm khoảng 3,6 đến 12 nghìn tỷ đồng. Do vậy, việc tìm giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn là điều hết sức cần thiết.

4 n
Mô hình thống khử mặn nước bằng năng lượng gió.

 Qua 2 năm nghiên cứu xây dựng 5 mô hình hệ thống thí điểm khử mặn nước bằng năng lượng gió tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Sóc Trăng, Cà Mau, Bến Tre, Kiên Giang đã cho thấy nhiều lợi ích khả thi và cho phép nhân rộng phổ biến vào nhiều năm sau.

Các hệ thống xử lý nước có thể sản xuất ra nước uống, nước phục vụ sản xuất nông nghiệp góp phần thay thế và giảm lượng nước ngầm, góp phần phục hồi môi sinh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hệ thống đã cấp nước tưới cho khoảng 40ha đất lúa với công xuất 400m3/ngày và có thể mở rộng, hoặc cấp nước sinh hoạt cho 10 nghìn đến 20 nghìn dân trong một ngày. Hệ thống gồm 4 thành phần chính gồm: 2 tua bin gió loại nhỏ với công xuất 100kw; 2 module khử muối vi mô với công xuất 400m3/ngày(có thể mở rộng nâng cao công xuất); bộ điều khiển và pin tập trung; hệ thống được lắp đặt trên xà lan nổi hoặc lắp đặt trên cạn. Ưu điểm nổi bật của hệ thống khử mặn nước bằng năng lượng gió là sử dụng 100% năng lượng xanh(gió và mặt trời); dễ dàng di chuyển; được thiết kế lắp đặt ở các cửa sông, cửa biển; đấu nối trực tiếp với hệ thống kênh dẫn nước hiện có; không dần điện lưới quốc gia; Chi phí thấp, vận hành và bảo dưỡng đơn giản...

 

IMG 6
Lễ ký kết thỏa thuận Hợp tác giữa NIAPP và Liên danh công ty AIEI-SCE về hợp tác xây dựng Dự án khử mặn nước bằng năng lượng gió tại 01 tỉnh có tiềm năng.

Ông Phan Văn Thựu, Phó Giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Thuận đã cho biết: Trong nhiều năm gầng đây, Ninh Thuận thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước sản xuất. Do lượng mưa ít lại rất thấp. Năm 2015, tỉnh đã có khoảng 37 nghìn ha thiếu nước sản xuất; 2016 khoảng 15,5 nghìn ha, năm nay khoảng 3000ha phải dừng sản xuất. Ninh thuận là địa phương có lượng gió dồi dào bình quân 5-7 m/s, có nơi cao 20-30 m/s rất thích hợp cho phép xây dựng hệ thống khử mặn nước bằng năng lượng gió, cung cấp nước cho 600 nghìn dân và phục hồi sản xuất nông nghiệp.

Dự kiến, năm 2019 sẽ khởi công xây dựng 250 công trình hệ thống và lắp đặt cho 28 tỉnh thành của Việt Nam. Vốn ODA không hoàn lại của AFD, Ủy ban Châu Âu.  

Bà Krista Verstraelen, Trưởng Đại diện Cơ quan phát triển Bỉ (ENABEL) tại Việt Nam đã chia sẻ: Cơ quan phát triển Bỉ đã tài trợ cho Việt Nam rất nhiều, không chỉ dự án khử mặn nước bằng năng lượng gió mà còn nhiều dự án khác về giáo dục, sức khỏe, các thể chế chính trị... Chúng tôi hỗ trợ cho Việt Nam 50 triệu URO để thực hiện dự án khử mặn nước bằng năng lượng gió.

Ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã vui mừng đánh giá tính khả thi của dự án và cho phép nhân rộng ở nhiều tỉnh thành. Hy vọng những năm sau, chúng tôi cùng các công ty của Bỉ, Pháp...tiếp tục vận động vốn, xây dựng nhiều dự án thiết thực sử dụng năng lượng xanh, sạch phục vụ tái sản xuất nông nghiệp, phục hồi môi sinh môi trường, giải quyết nhu cầu về nước sinh hoạt và nước tiêu trong sản xuất cho người dân.

Cũng tại Hội thảo, đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận Hợp tác giữa Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT(NIAPP) và Liên danh công ty AIEI-SCE về hợp tác xây dựng Dự án khử mặn nước bằng năng lượng gió tại 01 tỉnh có tiềm năng. Đại sứ quán Vương quốc Bỉ, đại diện Bộ Nông Nghiệp và PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chứng kiến sự kiện này.