Thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ở Hà Nội: Cần sớm triển khai
Môi trường - Ngày đăng : 09:08, 11/12/2018
Rõ tính hữu ích
Thực tế, việc phân loại rác thải tại nguồn (mô hình 3R) đã được triển khai ở Hà Nội (giai đoạn 2006-2009) do cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Theo đó, người dân được hướng dẫn phân rác thải thành 3 loại: Rác hữu cơ (hoa, rau, củ, quả...), rác vô cơ (xương, sành sứ...), rác tái chế (giấy, bìa, nhựa, kim loại…). Sau khi thu gom, rác vô cơ được chuyển đến bãi rác Nam Sơn; rác hữu cơ đưa đến Nhà máy Chế biến phân hữu cơ Cầu Diễn để sản xuất phân bón; rác tái chế dành cho người thu gom phế liệu. Dự án thí điểm tại 4 phường Phan Chu Trinh, Nguyễn Du, Thành Công, Láng Hạ.
Năm 2009, khi dự án kết thúc, người dân phân loại thêm một thời gian rồi dừng lại. Là đơn vị phối hợp thực hiện dự án, đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) đánh giá cao mục tiêu của dự án. Tuy nhiên, khi rác hữu cơ được đưa đi sản xuất phân bón, công nhân phải phân loại thêm, sau đó vận chuyển lên bãi rác Nam Sơn, tốn kém chi phí. Giá thành phân hữu cơ bán ra lại không bù đắp được chi phí đầu vào nên càng làm càng lỗ. Vì thế, hiện Nhà máy Chế biến phân hữu cơ Cầu Diễn đang tạm dừng hoạt động.
Ngược lại, tại nhiều nơi vẫn có những mô hình phân loại rác thành công do địa phương hoặc người dân tự bỏ vốn đầu tư. Ví như đề án "phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn" (năm 2009) tại xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất) đã thu hút 1.353 hộ tham gia. Mô hình này được nhân rộng tại 5 xã khác của huyện này. Cái được của đề án là 100% số hộ dân, cơ quan, đơn vị đã phân loại rác thải tại nguồn thành 2 loại: Rác phân hủy (có nguồn gốc thiên nhiên), rác không phân hủy (túi ni lông) và đã giảm được 30% lượng rác thải phải mang đi chôn lấp.
Thực hiện càng sớm càng tốt
Sau 9 năm sau phóng viên trở lại 4 phường từng thí điểm thành công mô hình 3R ở Hà Nội nhận thấy, đa số người dân, chính quyền địa phương đều mong muốn tái khởi động chương trình này. Bà Phạm Thị Thu Hương, Chủ tịch UBND phường Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm) đánh giá, đây là mô hình hiệu quả. "Trong một số phiên giải trình về môi trường tại quận Hoàn Kiếm, tôi đã đề xuất cần tiếp tục thực hiện mô hình 3R như JICA từng làm ở Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm cho biết sẽ báo cáo thành phố về vấn đề này", bà Hương nói.
Từ kinh nghiệm tham gia tập huấn tại Nhật Bản, ông Nguyễn Cảnh Quang, Phó Chủ tịch UBND phường Láng Hạ (quận Đống Đa) cho biết, cần giáo dục, tuyên truyền cho học sinh từ cấp tiểu học để định hướng cho các em ý thức bảo vệ môi trường. Để hình thành thói quen tốt phải có thời gian, lộ trình, không thể trong một vài năm, bởi ngay như tại Nhật Bản, việc đưa dự án 3R vào cuộc sống thành công cũng phải mất 13 năm.
Thực tế, đã có nhiều giải pháp cấp bách nhằm bảo vệ môi trường. Cụ thể, tại Điều 4, Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24-4-2015 của Chính phủ quy định các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện việc phân loại chất thải tại nguồn để xử lý, tái sử dụng. Việc này cũng đang được thực thi nghiêm túc tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 24-11-2018. Theo đó, nếu không phân loại rác và chuyển giao theo nhóm chất thải, đơn vị thu gom sẽ nhắc nhở. Nếu tái phạm nhiều lần, người dân có thể bị phạt đến 20 triệu đồng, theo quy định tại Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Từ cơ sở chỉ đạo của Chính phủ và thực tiễn phát triển cho thấy đã đến lúc Hà Nội cần xem xét triển khai mạnh mẽ hơn việc phân loại rác tại nguồn. Trước tiên, cần tiếp tục tuyên truyền và xử lý nghiêm hành vi xả rác không đúng nơi quy định theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Sau đó sẽ bắt buộc phân loại rác tại nguồn. Đồng thời, phải có thông báo hướng dẫn chi tiết thế nào là rác hữu cơ, rác tái chế, rác thải khác và hợp đồng thu gom, vận chuyển rác với đơn vị nào. Có thể tham khảo mô hình phân loại của TP Hồ Chí Minh hiện nay để áp dụng tại Hà Nội... Song song với đó, các cấp, ngành, cơ quan của Hà Nội cần đưa ra quy định, chính sách riêng, lộ trình cụ thể để triển khai mô hình 3R. Và điều tiên quyết, như đại diện Công ty URENCO trăn trở, cần phải có cơ chế về kinh phí để bảo đảm duy trì hoạt động phân loại rác tại nguồn.
Phân loại rác thải tại nguồn là việc làm mang lại nhiều lợi ích cả trước mắt và lâu dài cho môi trường, xã hội, kinh tế... Hiệu quả mang lại là sẽ trực tiếp giảm độc hại do các loại vật liệu khó phân hủy tồn dư trong môi trường đất, giảm ô nhiễm về mùi hôi, nước rỉ rác, đặc biệt sẽ tiết kiệm diện tích đất dùng để chôn lấp rác. Hơn thế, làm tốt công tác phân loại rác còn tạo ra nguồn nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy xử lý rác, từ đó đưa công tác xử lý rác đạt hiệu quả cao. Dưới góc độ phát triển, đây còn là việc làm thiết thực nhằm xây dựng đô thị văn minh, phát triển bền vững. Vì thế, cần có kế hoạch nghiên cứu triển khai sớm việc phân loại rác thải tại nguồn với những bước đi, cách làm hợp lý để đạt hiệu quả lâu bền.