Đường dây nóng môi trường: Một năm nhìn lại

Môi trường - Ngày đăng : 13:11, 08/12/2018

(TN&MT) - Ngày 10 tháng 10 năm 2017, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà ban hành Chỉ thị số 03/CT-BTNMT về việc tăng cường tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng (sau đây gọi tắt là Chỉ thị).  
image001


Theo đó, ngày 30 tháng 10 năm 2017, Tổng cục Môi trường đã chính thức thiết lập và vận hành đường dây nóng cấp Trung ương theo số điện thoại 086.900.0660, địa chỉ thư điện tử duongdaynong@vea.gov.vn và đã tổ chức công khai thông tin đường dây nóng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Môi trường, trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đồng thời Tổng cục Môi trường đã phối hợp, hướng dẫn các với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành quy trình tiếp nhận, xử lý, phản hồi thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường từ trung ương đến địa phương.

Để tiếp nhận thông tin từ các tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng cấp Trung ương, Tổng cục Môi trường đã chỉ định Văn phòng Tổng cục làm đầu mối vận hành, quản lý; bố trí phương tiện, cán bộ thường trực 24/24 giờ trong ngày, 7 ngày trong tuần để tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị qua đường dây nóng, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ.

Tính từ ngày 30 tháng 10 năm 2017 đến hết ngày 30 tháng 11 năm 2018, đường dây nóng của Tổng cục Môi trường đã tiếp nhận tổng số 1.082 vụ việc phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường diễn ra trên địa bàn 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trung bình, tiếp nhận khoảng 90 vụ/tháng. Trong tổng số vụ việc phản ánh về ô nhiễm môi trường qua đường dây nóng của Tổng cục Môi trường có 82 vụ việc gây ô nhiễm môi trường về chất thải rắn (chiếm tỷ lệ 7%); 213 vụ việc gây ô nhiễm môi trường về nước thải (chiếm tỷ lệ 20%); 787 vụ việc gây ô nhiễm môi trường về khí thải (chiếm tỷ lệ 73%).

Kể từ khi đưa vào vạn hành, Cao Bằng là địa phương không có phản ánh về ô nhiễm môi trường.

Tổng số vụ việc đã được xử lý là 496/1082 vụ việc, chiếm tỷ lệ 46%. Bên cạnh đó, hàng ngày, hàng tuần, Tổng cục Môi trường đều tổng hợp các thông tin phản ảnh về ô nhiễm môi trường tại các địa phương thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời gửi cho các đơn vị chuyên môn của Tổng cục Môi trường để kịp thời nắm bắt, theo dõi, xử lý. Điển hình như các vụ: Sự cố vỡ đập thải tại Lào Cai; xả thải trực tiếp không qua xử lý ở Hưng Yên gây ô nhiễm nước lưu vực sông Bắc Hưng Hải... để kịp thời tham mưu lãnh đạo Tổng cục chỉ đạo xử lý.

Các thông tin về ô nhiễm môi trường được phản ánh qua đường dây nóng chủ yếu tập trung vào các vụ việc xả thải nước thải, chất thải rắn, mùi, tiếng ồn do hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân; hoặc các điểm bị ô nhiễm chưa được xử lý dứt điểm như các bãi rác, hệ thống sông, kênh, rạch gây ra ô nhiễm môi trường tại các địa phương.

Sau hơn 01 năm quyết liệt triển khai, công tác tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây đã tạo bước chuyển biến tích cực về ý thức, trách nhiệm và hành động của địa phương đối với công tác xử lý các vụ việc ô nhiễm môi trường được phản ánh qua đường dây nóng. Tỷ lệ các Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương tiếp nhận và xử lý thông tin từ Tổng cục Môi trường thông qua đường dây nóng ngày càng cao. Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương đã tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan xác minh, xử lý thông tin và cung cấp kết quả xác minh, xử lý về Tổng cục Môi trường để phản hồi lại cho tổ chức, cá nhân phản ánh hoặc liên hệ trực tiếp với tổ chức, cá nhân phản ánh để giải quyết vụ việc; sự tiếp nhận và phản hồi 2 chiều giữa cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp trung ương và địa phương ngày một chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Đặc biệt, việc triển khai thiết lập đường dây nóng về ô nhiễm môi trường đến nay đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân thông qua việc người dân ngày một tích cực phản ánh tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn mình sinh sống đến đường dây nóng, phát huy được vai trò của người dân trong việc tham gia giám sát, bảo vệ môi trường trên địa bàn.