Xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn thải để kiểm soát ô nhiễm sông Cầu
Môi trường - Ngày đăng : 21:23, 05/12/2018
Lưu vực sông Cầu tiếp nhận hơn 4.000 nguồn thải
Để ngăn ngừa ô nhiễm, trong các Phiên họp lưu vực sông Cầu năm 2015, 2016, 2017 và 2018 các đại biểu đều cho rằng cần phải tập trung vào thống kê, kiểm soát và quản lý các nguồn thải nước thải gây ô nhiễm chính trên lưu vực; kiểm soát, xử lý các nguồn thải tại địa phương và phải có cơ chế chia sẻ thông tin. Việc này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các tỉnh trên toàn lưu vực triển khai.
Tại tỉnh Bắc Kạn, qua điều tra cơ bản, thống kê nguồn thải cho thấy, trên lưu vực sông Cầu chảy qua tỉnh Bắc Kạn có 4 nguồn thải chính. Các nguồn thải trên lưu vực sông Cầu được cấp giấy phép xả thải theo quy định và thường xuyên được các cơ quan quản lý kiểm tra. Thành phố Bắc Kạn đang xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải với công suất 3.000 m3 /ngày.đêm, dự kiến hoàn thành năm 2018. Bên cạnh đó, hàng năm Bắc Kạn đều thực hiện chương trình quan trắc môi trường trong đó có 08 điểm phân tích nước sông Cầu, 06 điểm phân tích nước các suối đổ vào sông Cầu.
Tỉnh Thái Nguyên cũng đã tổ chức điều tra, thống kê đối với một số nguồn thải trong chăn nuôi. Theo kết quả điều tra, trên địa bàn toàn tỉnh có 700 trang trại, gia trại chăn nuôi. Trong đó, chủ yếu là các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn (274 trang trại, gia trại), tập trung ở các huyện Phú Bình, Đồng Hỷ, Đại Từ, thị xã Phổ Yên, thành phố Sông Công, thành phố Thái Nguyên với lưu lượng nước thải ước khoảng 1.400 m3 /ngày.đêm. Phần lớn nước thải chăn nuôi không đạt chất lượng xả thải… Tỉnh Thái Nguyên đang tiếp tục thực hiện Dự án điều tra, thống kê nguồn thải tổng thể trên địa bàn toàn tỉnh đối với các cơ sở có lượng nước thải phát sinh từ 5 m3 /ngày.
Tỉnh Vĩnh Phúc, đã rà soát, thống kê và phân loại được các nguồn thải lớn theo từng lĩnh vực hoạt động (Cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng; cơ sở sản xuất gia công cơ khí, luyện kim, xi mạ; cơ sở sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử; cơ sở y tế; cơ sở nhựa, bao bì, hóa chất; cở sở dệt may da, giày; cơ sở tái chế, xử lý chất thải; cơ sở chăn nuôi dịch vụ; các đô thị lớn). Đồng thời, thống kê được lưu lượng xả thải (nước thải, khí thải, chất thải rắn) của từng nguồn thải lớn cũng như của nhóm ngành nghề hoạt động. Qua đó, trên địa bàn toàn tỉnh có 28 nguồn thải lớn (lưu lượng xả nước thải từ 50 m3 /ngày.đêm và không tính chủ đầu tư hạ tầng các KCN và các đô thị lớn), tổng lượng nước thải phát sinh của các đơn vị này khoảng 36.000m3 /ngày đêm.
Đối với tỉnh Bắc Ninh, trong giai đoạn năm 2016 đến năm 2018, tỉnh đã tiến hành lựa chọn ví trí dự kiến đặt 17 trạm quan trắc môi trường không khí tự động và 16 trạm quan trắc nước mặt tự động. Điều tra thực trạng chất thải rắn, đánh giá hiện trạng môi trường trầm tích các thủy vực trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Đánh giá sức chịu tải và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường các thủy vực trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Điều tra đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường đất và nước tại các trang trại chăn nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Hải Dương cũng đã điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng môi trường chăn nuôi, ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh Hải Dương và các nguồn xả thải chính gây ô nhiễm nước dòng chính sông Thái Bình qua địa bàn tỉnh Hải Dương.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến tháng 7 năm 2018, trên lưu vực sông Cầu có trên 4.000 nguồn thải. Trong đó có 3.555 nguồn thải là cơ sở sản xuất, kinh doanh; 144 nguồn thải là khu công nghiệp, cụm công nghiệp; 238 Cơ sở y tế (bệnh viện); 140 làng nghề. Số lượng nguồn thải tập trung nhiều nhất trên địa phận Thái Nguyên, Bắc Giang và Bắc Ninh (Bắc Ninh: 983 nguồn thải, Bắc Giang: 799, Thái Nguyên: 1095), tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Kạn là hai địa phương trên LVS có số lượng nguồn thải ít nhất. Đáng nói là nước thải từ các nguồn thải này hầu hết chưa được xử lý trước khi xả vào lưu vực.
Nước thải sinh hoạt – nguồn gây ô nhiễm lớn
Điều ít ai ngờ là, từ trước tới nay nếu nguồn nước bị ô nhiễm là chúng ta lại nghĩ đến các khu, cụm công nghiệp xả thải. Tuy nhiên, qua các đợt điều tra, đánh giá nguồn thải mới thấy tác nhân lớn gây ô nhiễm nguồn nước trên lưu vực sông Cầu chính là nước thải sinh hoạt. Nước thải sinh hoạt đổ vào lưu vực sông Cầu lên tới trên 50%, chiếm tỷ lệ lớn so với tất cả các nguồn thải khác gộp lại. Trong đó, tỉnh Bắc Ninh thải ra sông Cầu là 200.000m3 /ngày.đêm (chiếm 62 %), các tỉnh còn lại đều chiếm khoảng 50%.
Nước thải sinh hoạt ở 6 tỉnh trên LVS Cầu chỉ được xử lý một phần nhỏ, còn lại thải thẳng ra nguồn tiếp nhận và đi vào sông Cầu. Đơn cử, khu vực thành phố Hải Dương mới chỉ thực hiện thu gom nước thải của trung tâm thành phố cũ khoảng 7.000 m3, toàn bộ lượng nước còn lại chưa được thu gom về hệ thống xử lý mà thoát trực tiếp xuống các hệ thống kênh, hồ, hào thành và được bơm cưỡng bức ra hệ thống bao quanh thành phố qua 19 trạm bơm tiêu thoát nên một số kênh, hào thành trong khu vực nội thành. Tại tỉnh Bắc Ninh, nước thải sinh hoạt phát sinh: 200.000m3 /ngày.đêm nhưng chỉ xử lý được 42.600 m3 /ngày.đêm số còn lại 'vô tư" xả thẳng ra môi trường....
Ngoài ra, nước thải từ các làng nghề, CCN đổ ra lưu vực sông Cầu cũng khá lớn. Tai tỉnh Bắc Ninh hiện có 62 làng nghề và 26 CCN đi vào hoạt động. Theo kết quả điều tra, tổng lưu lượng nước thải từ các làng nghề, CCN trên địa bàn tỉnh khoảng 50.000 m3 /ngày đêm. Tại tỉnh Vĩnh Phúc có trên 70 làng có nghề và làng nghề truyền thống (27 làng nghề truyền thống được công nhận). Mặc dù tỉnh cũng đã quy hoạch một số cụm công nghiệp, làng nghề tập trung song đến nay vẫn chưa có làng nghề nào hoàn thiện được hạ tầng để đưa vào sử dụng. Một số làng nghề phát sinh chất thải nguy hại nhưng việc thu gom, xử lý còn rất hạn chế (điển hình là tại xã Tề Lỗ và xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc).
Các chuyên gia về môi trường cho rằng, để giải quyết được vấn đề xử lý nước thải các địa phương trên toàn lưu vực phải có lộ trình và nguồn kinh phí để thực hiện kiểm soát và quản lý chặt chẽ, tốt các nguồn thải KCN, CCN, làng nghề,... Đồng thời cần xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin nguồn thải; lập bản đồ nguồn ô nhiễm.
“Ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông Cầu chỉ có thể được giải quyết khi từng tỉnh làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình; tỉnh nào có nguồn thải lớn nhất ra lưu vực sông sẽ chịu trách nhiệm chính trong giải quyết vấn đề ô nhiễm. Chính vì vậy, 6 tỉnh trên lưu vực sông cần lựa chọn và bố trí kinh phí xây dựng công trình xử lý nước thải, chất thải rắn thiết thực cho khu đô thị, làng nghề, khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn mỗi tỉnh. Tích cực, duy trì triển khai điều tra thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu các nguồn thải (nước thải) và kế hoạch quản lý, xử lý các nguồn thải trên lưu vực Cầu; đánh giá, khoanh vùng các nguồn nước thải lớn, tiếm ẩn rủi ro gây ra sự cố môi trường”- Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cũng nhấn mạnh.