Hà Nội: Triển khai chương trình thay thế bếp than tổ ong bảo vệ môi trường
Môi trường - Ngày đăng : 16:05, 27/11/2018
Từ tháng 4 năm 2017, Sở TN&MT Thành phố đã phối hợp với các quận, huyện trên địa bàn Thành phố tổ chức thu thập thông tin, khảo sát hiện trạng sử dụng bếp than tổ ong và nhu cầu sử dụng bếp cải tiến, thân thiện với môi trường.
Qua quá trình điều tra, thu thập số liệu cho thấy, trên toàn địa bàn Thành phố hiện có khoảng 55.000 bếp than tổ ong đang được sử dụng. Tỷ lệ số lượng bếp than tổ ong đang sử dụng tại các quận nội thành chiếm 63% do tập trung nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, bán nước trên vỉa hè...; các huyện ngoại thành chiếm 37% do đồng thời sử dụng các loại nguyên, nhiên liệu khác.
Từ kết quả khảo sát, Sở TN&MT đã lựa chọn quận Ba Đình - 1 trong 5 quận, huyện có số lượng bếp than đang sử dụng lớn nhất Thành phố để tổ chức thí điểm mô hình tuyên truyền về tác hại bếp than tổ ong, giới thiệu các mẫu bếp mới thân thiện môi trường làm cơ sở xây dựng lộ trình, giải pháp hạn chế, tiến tới không sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn Thành phố.
Tháng 10 năm 2018, Sở TN&MT báo cáo đề xuất UBND Thành phố về chấp thuận chủ trương thực hiện nhiệm vụ thay thế bếp than tổ ong trên địa bàn Thành phố đến năm 2020. Theo đó, Chi cục Bảo vệ môi trường Thành phố đề xuất lựa chọn quận Ba Đình và quận Hoàn Kiếm để thí điểm triển khai mô hình sử dụng bếp cải tiến thay thế bếp than tổ ong.
Tại Quận Ba Đình lựa chọn phường Trúc Bạch để triển khai thí điểm mô hình trong 3 tháng (từ 02/2018 - 05/2018). Phường Trúc Bạchđã tổ chức Chương trình Hội nghị tuyên truyền về tác hại bếp than tổ ong, hướng dẫn cách sử dụng các bếp cải tiến và khuyến khích người dân mượn miễn phí bếp cải tiến; tặng nhiên liệu dùng thử để thay thế bếp than đang sử dụng.
Quận Hoàn Kiếm tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền tác hại bếp than tổ ong tại 04 phường: Trần Hưng Đạo, Chương Dương, Phúc Tân, Hàng Trống. Thông tin đến người dân về kế hoạch triển khai các nội dung như Ngày Hội đổi bếp; Khám sức khỏe miễn phí cho người dân. Tổ chức hướng dẫn, giới thiệu một số mẫu bếp mới cho các hộ gia đình được lựa chọn.
Từ kết quả ban đầu mô hình thí điểm tại Quận Ba Đình,quận Hoàn Kiếm, Sở TN&MT điều chỉnh các giải pháp, chính sách và tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức, vận động người dân thay đổi thói quen, hành vi sử dụng bếp than tổ ong bằng các loại bếp cải tiến, nhiên liệu đốt thân thiện môi trường. Đồng thời rà soát, bổ sung, điều chỉnh một số nội dung theo ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố. Trong đó, xác định lộ trình thay thế bếp than tổ ong như sau:
Năm 2018, tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của bếp than tổ ong và vận động người dân sử dụng các loại bếp thay thế khác phù hợp với điều kiện kinh tế và thân thiện với môi trường; Ưu tiên triển khai các giải pháp nhằm thay thế bếp than tổ ong tại các quận nội thành, nơi tập trung dân cư cao; triển khai mô hình thí điểm thay thế bếp than tổ ong tại một số quận nội, khu đô thị trên địa bàn thành phố;
Năm 2019, triển khai các giải pháp thay thế bếp than tổ ong trên toàn địa bàn Thành phố (nội, ngoại thành); nghiên cứu xây dựng, ban hành quy định cấm các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng bếp than tổ ong, mục tiêu đến cuối năm 2019 thay thế 70% số lượng bếp than tổ ong trên địa bàn Thành phố.
Năm 2020, xây dựng, ban hành quy định không sử dụng bếp than tổ ong trong các gia đình trên địa bàn Thành phố; phát triển các loại bếp sử dụng nguyên liệu sạch, thân thiện môi trường. Đồng thời, quy định cấm sản xuất, kinh doanh bếp và than tổ ong trên địa bàn Thành phố. Mục tiêu thay thế 100% bếp than tổ ong trên địa bàn Thành phố và duy trì trong những năm tiếp theo.
Để đạt mục tiêu trên, theo Sở TN&MT quan trọng nhất là nâng cao nhận thức người dân về các tác hại của việc sử dụng than tổ ong đối sức khỏe bản thân và cộng đồng; tích cực quan tâm sử dụng các nguyên, nhiên liệu sạch, thân thiện môi trường; hướng đến việc xây dựng Thủ đô Xanh – Sạch – Đẹp, phát triển bền vững, giàu đẹp vàvăn minh.