Câu hỏi khó trả lời?
Môi trường - Ngày đăng : 11:41, 05/11/2018
Hẳn người dân cả nước sẽ khó quên hình ảnh của những người dân nhiều tỉnh dọc miền Trung lắm phen ngụp lặn trong lũ để hy vọng thoát chết. Tài sản cả đời gây dựng, ruộng vườn, gia súc gia cầm phút chốc biến mất. Lũ thì không phải bây giờ mới có nhưng nay cứ có lũ là dân miền Trung lại nghĩ ngay đến việc các thủy điện xả lũ. Những "quả bom nước" từ trên các thượng nguồn sông xả thẳng về hạ du. Đấy là nhân tai chứ không phải thiên tai.
Chỉ mới đây thôi, từ ngày 16 đến 31-8, tỉnh Nghệ An liên tiếp chịu thiệt hại của hai trận lũ lớn trên lưu vực sông Cả. Hậu quả có 6 người chết, 23 nhà bị trôi, hàng chục nhà bị sạt lở, hàng trăm nhà bị ngập và nhiều hộ phải di dời. Nhiều tuyến giao thông bị hư hỏng; hàng ngàn ha hoa màu bị thiệt hại. Thiệt hại không chỉ dừng lại vật chất mà còn là nỗi hoang mang ám ảnh, bất an trong mỗi người dân.
Theo báo cáo về tác động của thủy điện đối với việc điều tiết, ngăn lũ trong các đợt lũ tháng 8, do đoàn kiểm tra liên ngành của UBND tỉnh Nghệ An thực hiện thì trong đợt lũ ngày 16-8, lưu lượng nước từ hồ thủy điện Bản Vẽ (nằm ở thượng nguồn sông Nậm Nơn, sau đổ ra sông Cả) đổ về có lúc hơn 4.000 m3/giây, do hồ có dung tích phòng lũ 304 triệu m3 nên xả lớn nhất là 2.500 m3/giây và việc này góp phần giảm đỉnh lũ cho hạ du. Tuy nhiên, đến đợt lũ thứ hai thì hồ Bản Vẽ không còn dung tích phòng lũ. Lúc lượng nước đổ về hồ đạt đỉnh 4.200 m3/giây, để bảo đảm an toàn cho công trình, nhà máy phải tăng lượng xả lên 4.200 m3/giây. Đây là mức xả lớn nhất trong 8 năm kể từ khi nhà máy vận hành.
Giải thích trước Quốc hội về việc xả lũ nói trên của thủy điện Bản Vẽ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết trận lũ này làm cho mức 3 tỉ m3 nước về hồ thủy điện Bản Vẽ, gấp 10 lần dung tích phòng lũ cho hạ du của hồ nên việc không còn khả năng cắt giảm lũ cho hạ du trong trận lũ cuối cùng là điều không thể tránh được.
Như vậy việc xả lũ là thực hiện đúng quy trình, không có sai phạm trong quá trình thực hiện, mà nguồn cơn đại họa là ở chỗ hồ thủy điện mất khả năng cắt giảm lũ cho hạ du. Đã là điều không thể tránh được thì bất khả kháng, không ai có tội dù hậu quả có thảm khốc tới đâu? Nhưng mưa thì chắc chắn sẽ không chỉ có một lần lớn như đã xảy ra với Nghệ An hồi tháng 8. Vậy thì nước ta còn bao nhiêu thủy điện mất khả năng cắt giảm lũ cho hạ du như thực tế đã xảy với thủy điện Bản Vẽ? Câu hỏi thật khó trả lời.
Cho nên, dù Bộ trưởng Bộ Công Thương thông tin là đã đưa ra khỏi quy hoạch 474 dự án thủy điện nhỏ và vừa; xóa 231 địa điểm đã quy hoạch các thủy điện nhỏ và vừa, do không đáp ứng được các tiêu chí, gắn với các mục tiêu bảo vệ môi trường và các vấn đề dân sinh thì dân chúng vẫn rất khó để an tâm.
Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ về tăng cường quản lý, bảo vệ rừng diễn ra sáng 14-10-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu "phải tạm dừng chuyển đổi rừng tự nhiên làm dự án thủy điện nhỏ. Những nơi có thể làm thủy điện lớn, hiệu quả thì đã làm hết. Thủy điện nhỏ đóng góp không bao nhiêu nhưng phá rừng ghê gớm". Xem ra, số dự án thủy điện nhỏ bị "trảm" vẫn chưa là bao so với con số khổng lồ đã quy hoạch.