Doanh nghiệp sản xuất xi măng phải xem BVMT là yêu cầu đầu tiên
Môi trường - Ngày đăng : 17:20, 03/11/2018
Mới đây, tại Hội thảo Bảo vệ môi trường trong sản xuất xi măng diễn ra tại TP Cần Thơ, Tiến sĩ Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, Việt Nam là nước đứng thứ 5 trên thế giới về sản lượng xi măng. Ở Việt Nam công suất các nhà máy xi măng cũng đạt đến 100 triệu tấn/năm và chắc chắn là một trong những ngành tác động đến ô nhiễm môi trường. Bởi lượng CO2 thải ra môi trường khi nung 1 tấn clinker khoảng gần 800 kg, bao gồm CO2 từ phân hủy đá vôi và từ đốt nhiên liệu than. Khối lượng bụi thải ra cũng rất lớn nếu không có hệ thống lọc bụi chất lượng cao.
Trong khi đó, các nhà máy sản xuất xi măng lại chưa chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường. Đã có nhiều nhà máy xi măng gây ra ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới đời sống của người dân khiến các cơ quan chức năng phải xử phạt hoặc dừng hoạt động. Đơn cử như Tổng cục Môi trường đã ban hành Quyết định số 45/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Xi măng Phúc Sơn với số tiền 360.000.000 đồng và đình chỉ hoạt động trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày 04/05/2017 để khắc phục hậu quả vi phạm; Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định xử phạt hành chính 70 triệu đồng và đình chỉ hoạt động đối với Nhà máy xi măng Vạn Ninh thuộc Công ty Cổ phần Vicem Hải Vân; UBND tỉnh Đắk Nông cũng ký quyết định xử phạt và đình chỉ hoạt động trong thời gian 3 tháng đối với Nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng Tây Nguyên (đây là Nhà máy chuyên sản xuất xi măng, có tổng diện tích hơn 6 ha, đặt tại xã Quảng Phú, huyện Krông Nô)...
Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất xi-măng cần tuân thủ tuyệt đối các quy định về bảo vệ môi trường cả trong quy trình khai thác nguyên liệu, sản xuất và vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm; ưu tiên đầu tư nguồn lực phù hợp để đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong bảo đảm an toàn sản xuất, bảo vệ môi trường; bám sát nhu cầu thị trường để điều chỉnh quy mô sản xuất phù hợp, không để xảy ra tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt xi-măng cho các nhu cầu xây dựng, phát triển hạ tầng, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới…Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Coi đây là “chìa khoá” để phát triển doanh nghiệp, nhằm giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường.
Nhằm đáp ứng yêu cầu xi măng cho phát triển đất nước, đồng thời đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cũng như các yêu cầu bảo vệ môi trường phát triển bền vững, Bộ Xây dựng đang thực hiện việc rà soát, thẩm định lại quy hoạch ngành xi măng. Quy hoạch phát triển ngành xi măng những năm tới sẽ tăng tính sàng lọc để đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường chặt chẽ hơn.