Quảng Ninh: Giải nỗi lo về phí môi trường và nỗi lo bị dừng tàu du lịch
Môi trường - Ngày đăng : 10:29, 22/10/2018
Được biết, trước đó Chi hội Tàu Du lịch Hạ Long có văn bản kiến nghị lên các cơ quan chức năng và tỉnh đề nghị tháo gỡ khó khăn liên quan đến vấn đề trên. Theo đó, tại Văn bản 3576 ngày 4/10/2018 của Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh thì: Hiện nay, Thông tư liên tịch số 21/2013/TTLT-BGTVT-BTNMT, ngày 22/8/2013 hướng dẫn việc “Quản lý, bảo vệ môi trường trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa” vẫn còn hiệu lực thi hành – đây là Thông tư mà Cty TNHH u Lạc căn cứ để áp dụng tổ chức hợp đồng thu phí môi trường đối với các chủ tàu. Tuy nhiên trong các điều, khoản Thông tư chủ yếu quy định trách nhiệm của các Bộ, UBND cấp tỉnh, chủ đầu tư, chủ cơ sở và các tổ chức cá nhân có liên quan đến giao thông thủy nội địa phải thực hiện bảo vệ môi trường. Đặc biệt, trong Thông tư không có quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt.
Mặt khác, cho rằng hiện nay khoản chi ngân sách bù cho phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt đang bị cắt dần cho nên TP Hạ Long ra Thông báo số 109 ngày 5/3/2018 tới các chủ tàu du lịch về mức “ thu giá” dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt năm 2018. Theo đó mức “ thu giá” dịch vụ trên được quy định tại Quyết định 2625/2017/QĐ-UBND, ngày 6/7/2017 của UBND tỉnh Quảng Ninh. Và vì thế mà mức giá “bất chợt” tăng vọt lên tới 750.000 đồng/tàu/tháng (Cọc 8 – Phụ lục – kèm theo Quyết định 2625), tức là tăng hơn hai lần so với giá dịch vụ mà Cty u Lạc đã thu trước đó. Và đây chưa phải giới hạn cuối cùng bởi theo cách giải thích của một số cán bộ thì nguồn chi ngân sách cho dịch vụ này sẽ giảm dần đến hết, đồng nghĩa mức “thu giá” sẽ tăng dần theo.
Có thể nói, việc thu phí dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tại từ các tàu du lịch đã chuyển vào các thùng rác được đặt tại các nơi quy định trên bờ Cảng khách Tuần Châu là một loại dịch vụ dựa trên hợp đồng dân sự nên phải được tôn trọng quyền bình đẳng, thỏa thuận, hợp tình, hợp lý. Do vậy các chủ tàu du lịch hiện nay rất hoang mang vì họ không được tham vào các dự thảo khi UBND tỉnh ban hành các văn bản về vấn đề này.
Đặc biệt nếu các cấp chính quyền địa phương không xem xét thấu đáo, nhất thiết phải tổ chức thương thảo việc lựa chọn đơn vị thực hiện dịch vụ sao cho: Thu gom + Vận chuyển + Xử lý chỉ là một mức giá. Nhất định không thể chia “bánh” nhận phần tách công đoạn “thu gom” (Cty u Lạc thu gom rác từ các thùng rác cộng cộng ra điểm tập trung thu một khoản phí; đơn vị vận chuyển rác từ điểm tập trung lên xe chở rác thu thêm khoản phí tiếp theo) như vậy là thu hai lần phí cho một công đoạn “thu gom” là điều cực kỳ bất hợp lý và không thể chấp nhận.
Theo ý kiến của một số chủ tàu du lịch thì mức giá 750.000 đồng/tàu/tháng là quá cao bởi thực tế từ nhiều năm nay các chủ tàu đã ký hợp đồng dịch vụ trên với Cty TNHH u Lạc là 300.000 đồng/tàu/tháng là mức giá hợp lý theo thị trường hiện nay. Đồng thời, việc tăng phí môi trường chỉ có thể áp dụng với hợp đồng ký kết tiếp theo giữa các chủ tàu với đơn vị làm dịch vụ chứ không thể truy thu khoản chênh lệch phí từ đầu năm 2018, bởi như vậy là trái với thỏa thuận đã ký trong hợp đồng.
Xin lưu ý mức giá dịch vụ 750.000 đồng/tàu/tháng theo Phụ lục kèm theo QĐ 2625 của UBND tỉnh Quảng Ninh được chia làm hai giá bao gồm: Dịch vụ thu gom, vận chuyển rác là 500.000 đồng; dịch vụ đốt rác (xử lý) là 250.000 đồng. Được biết, dịch vụ xử lý rác chưa thống nhất được phương án đốt rác hay chôn rác (chi phí chôn rác rẻ hơn đốt) do vậy có thể mức thu phí trên mới chỉ là tạm thu và các đơn vị “tạm đóng” phí liệu có được khấu trừ trở lại khi tỉnh và đơn vị xử lý rác thống nhất phương án không phải là đốt rác?
Nhiều ý kiến cho rằng, tuyệt đối không bóc tách công đoạn “thu gom rác” thành hai công đoạn: “Cty TNHH u Lạc chủ động thỏa thuận thu tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt từ nội bộ đến khu vực/điểm tập trung rác của thành phố” như Thông báo số 488 ngày 15/8/2018 của UBND TP Hạ Long. Như vậy được hiểu là sau khi Cty u Lạc thu một khoản phí rồi thì UBND phường Tuần Châu bắt đầu thu phí 750.000 đồng/tàu/tháng như Quyết định 2625/2017 của Tỉnh. Và tất nhiên chủ tàu sẽ phải nộp một khoản phí nhiều hơn theo quy định của tỉnh. Cách làm này vô hình trung “miếng bánh” cho dịch vụ “thu gom” được hai đơn vị cùng thu, nếu nó thực hiện được thì nói rằng, nguy cơ bòn rút tiền của doanh nghiệp một cách vô lý không phải là quá đáng?
Hiện nay tất cả các đối tượng từ cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp… đều được đơn vị làm dịch vụ thu gom rác từ các thùng rác lẻ công cộng tại khu quy định như: Ven các trục đường bằng xe rác đẩy tay tới điểm tập trung đưa lên xe cơ giới vận chuyển đến nơi xử lý rác là một công đoạn và chỉ một giá theo quy định tại Quyết định 2625/2017 của UBND tỉnh Quảng Ninh.
Mới đây, ông Vũ Văn Diện – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp xúc với các chủ tàu và Chi hội Tàu Du lịch Hạ Long trong một buổi Cà phê Doanh nhân - một câu lạc bộ mang tính giao lưu giữa doanh nghiệp và các đồng chí lãnh đạo để trao đổi, lắng nghe, thấu hiểu lẫn nhau để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tại Quảng Ninh.
Tại buổi giao lưu, ông Vũ Văn Diện sau khi nghe ý kiến của các chủ tàu và ý kiến của ông Hồ Quang Huy – Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long đã yêu cầu UBND TP Hạ Long nên tiếp tục giao cho Cty TNHH u Lạc – đơn vị chủ Cảng Tuần Châu thu phí môi trường đối với các chủ tàu và thu bù thêm theo đơn giá được tỉnh mới hướng dẫn. Không nên ủy thác cho UBND phường Tuần Châu thu hộ doanh nghiệp (Cty Judenco) đang thực hiện dịch vụ. Làm như vậy việc quản lý Nhà nước về môi trường đối với chủ Cảng sẽ dễ hơn, tốt hơn. Ý kiến của ông Vũ Văn Diện được ông Hồ Quang Huy và các chủ tàu tán đồng, hưởng ứng ngay trong buổi giao lưu.
Lại nói thêm về Quyết định 4088 ngày 10/12/2015 của UBND tỉnh Quảng Ninh mà UBND TP Hạ Long áp dụng để “răn đe” dừng tàu của các chủ tàu như nói tại Thông báo 8597 ngày 11/10/2018. Theo như Văn bản 119/KTrVB-RSHT&HN ngày 10/3/2016 của Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm Pháp luật thuộc Bộ Tư pháp đã phát hiện việc UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành một số nội dung về “Quy định về điều kiện để tàu du lịch được hoạt động trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long” có 16 nội dung không đúng thẩm quyền, trái quy định pháp luật.
Tuy nhiên Quyết định 4088 vẫn đang tồn tại là một văn bản quy phạm pháp luật, khi áp dụng mà người thi hành công vụ phát hiện thấy các văn bản quy phạm pháp luật khác có giá trị cao hơn, có cùng nội dung về một vấn đề thì phải áp dụng các văn bản có giá trị pháp luật cao hơn theo Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Tức là, nếu các chủ tàu không chấp hành việc thu phí môi trường dẫn đến các hậu quả về môi trường thì UBND thành phố chỉ có thể áp dụng Nghị định 155 ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chứ không thể áp dụng Quyết định 4088 của tỉnh Quảng Ninh.
Dư luận cho rằng, việc thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt của các tàu du lịch hiện nay hoàn toàn do các tổ chức tư nhân thực hiện và thỏa thuận theo Luật Dân sự. Vì vậy các cơ quan chức năng tại Quảng Ninh và đặc biệt là UBND TP Hạ Long cũng như UBND phường Tuần Châu nên đứng trên vị trí, vai trò quản lý Nhà nước về môi trường hơn là tham gia sâu vào việc chỉ định đơn vị thu phí. Và đặc biệt ý kiến của ông Vũ Văn Diện phải được triển khai bởi ý kiến này xuất phát từ nguyên tắc quản lý Nhà nước cộng với sự đồng thuận của các chủ tàu.