Yên Bái: Kiên quyết xóa bỏ lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 16:33, 10/10/2018

(TN&MT) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang dần xóa bỏ lò gạch thủ công nhằm tăng cường công tác quản lý vật liệu xây dựng và đảm bảo môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi cũng gặp không ít khó khăn.

Tháng 6/2014, Thủ tướng chính phủ ký quyết định 1469/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, yêu cầu các cơ sở sản xuất nằm ở khu vực các xã thuộc huyện miền núi của các tỉnh xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động chậm nhất hết năm 2017 với lò thủ công, thủ công cải tiến và chậm nhất vào năm 2020 với lò đứng liên tục.

Nhiều lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được xóa bỏ
Nhiều lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được xóa bỏ

Để thực hiện theo lộ trình trên, ngành xây dựng và chính quyền địa phương đã chỉ đạo xóa bỏ hàng chục cơ sở sản xuất gạch đất sét nung đốt bằng lò thủ công. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái vẫn còn 5 cơ sở sản xuất gạch đất sét nung đốt lò vòm và 5 cơ sở đốt lò đứng liên tục. Theo quyết định 1469 của Chính phủ thì đến cuối năm 2020, toàn bộ số cơ sở này phải dừng hoạt động để chuyển đổi sang sản xuất lò tuynel, hoạch sản xuất gạch không nung. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi các doanh nghiệp và các Hợp tác xã (HTX) sản xuất gạch đang gặp phải rất nhiều khó khăn bất cập.

Công ty cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Xuân Lan hiện có 4 cơ sở sản xuất gạch đất sét nung, với công suất trên 60 triệu viên/năm và đang giải quyết việc làm ổn định cho hơn 450 công nhân. Thế nhưng, công ty chỉ có 1 cơ sở sản xuất gạch bằng lò nung tuynel công xuất 30 triệu viên năm ở Xuân Lan Tuy Lộc, huyện Trấn Yên. Còn lại 3 cơ sở sản xuất gạch ở Âu Lâu, Hợp Minh thành phố Yên Bái và An Thịnh, Văn Yên sản xuất bằng lò đốt đứng liên tục công suất 30 triệu viên/năm.

Việc các lò gạch này phải dừng hoạt động trong thời gian tới, đồng nghĩa với việc hơn 200 lao động của công ty sẽ không có việc làm. Trước thực tế trên, công ty đã xây dựng dự án để đầu tư chuyển đổi 3 cơ sở sản xuất trên từ lò đứng sang 1 lò sản xuât gạch tuynel kiểu mới tân tiến hiện đại, có công suất sản xuất 30 triệu viên/năm, dự kiến đầu tư khoảng khoảng trên 30 tỷ đồng. Công ty đã lập dự án xin chủ trương đầu tư.

Dây chuyền sản xuất gạch tuynel của HTX Mạnh San đang được xây dựng và sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2018
Dây chuyền sản xuất gạch tuynel của HTX Mạnh San đang được xây dựng và sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2018

Ông Nguyễn tuấn Thanh - Phó GĐ Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Xuân Lan cho biết: Hiện nay công ty đang xin ý kiến của tỉnh cho công ty chuyển đổi 3 cơ sở sản xuất từ lò đứng sang 1 lò sản xuất gạch tuynel kiểu mới tân tiến hiện đại, với công suất trên 30 triệu viên/năm. Công ty cũng mong UBND tỉnh sớm cho ý kiến để đầu tư để giải quyết việc làm cho hơn 200 công nhân trước khi 3 cơ sở phải dừng hoạt động.

Đồng thời, huyện Văn Yên đang xây dựng nhà máy sản xuất gạch tuynel công xuất sản xuất 10 triệu viên/năm của HTX sản xuất vật liệu xây dựng Mạnh San. Hiện HTX đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng. Nhà máy được xây dựng trên mặt bằng 10.000m2 và có giá trị đầu tư trên 30 tỷ đồng. Đến nay, tiến độ đã thực hiện đạt khoảng 80% khối lượng công việc.

Bà Nguyễn Thị San - Chủ HTX xây dựng Mạnh San, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên chia sẻ: Tới đây HTX sẽ chuyển sang công nghệ mới cải tiến hoàn toàn, được sản xuất theo dây chuyền hiện đại. HTX xác định để sản xuất lâu dài cần phải xóa bỏ lò gạch thủ công chuyển đổi sang dây chuyền công nghệ mới để tránh tình trạng ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng sản phẩm để đảm bảo tính cạnh tranh. Dự kiến, cuối năm nay nhà máy sẽ hoàn thành đi vào hoạt động, góp phần đáp ứng nhu cầu vật liệu gạch xây dựng, và tạo việc làm ổn định cho hơn 100 công nhân lao động tại địa phương.

Có thể thấy, chủ trương của nhà nước trong việc xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương hiểu và ủng hộ. Bởi tác động của nó không chỉ giúp môi trường trong sạch hơn mà còn thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao công nghệ và chất lượng sản phẩm được tốt hơn. Nhưng để thực tốt chủ trương này, đòi hỏi các sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh cần có sự hợp tác hơn nữa để chính sách đi vào thực tế, có hiệu quả và mang lại lợi ích cho người dân.