Thắng cảnh Phú Yên trước nguy cơ “thảm họa” môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 10:20, 02/10/2018

Thực trạng xả thải từ các bè, nhà hàng nổi theo kiểu bao nhiêu cũng “tống” xuống vịnh Vũng Rô (huyện Đông Hòa), đầm Ô Loan (huyện Tuy An) của tỉnh Phú Yên... như hiện tại đủ để cảnh báo những “thảm họa” môi trường tại những điểm đến đẹp đẽ này...

Mỗi bè nổi là một “vòi” xả thải

Biển Vũng Rô đẹp, xanh đến nao lòng. Thế nhưng, với cách làm du lịch bát nháo như hiện nay, thắng cảnh này đứng trước nguy cơ tan biến. Trên đường đèo quanh co ngoạn mục đến Vũng Rô, UBND huyện Đông Hòa đã dựng 2 bảng ghi rõ: “Không được kinh doanh dịch vụ ăn, uống trái phép trên các bè nổi và bè nuôi trồng thủy sản trên vịnh Vũng Rô”, “Không được đưa, đón khách bằng ca nô trái phép trên vịnh Vũng Rô”. Nhưng hai bên đường diễn ra thực trạng ngược lại. “Cò du lịch” tỏa ra đón khách, mời chào, lôi kéo giành giật cho bằng được du khách đến với các bè nổi, nhà hàng nổi của mình.

Chúng tôi xuống ca nô ra bè nổi. Ở đây, mỗi chủ bè đều có ca nô riêng đưa khách ra - vào. Bè nổi chúng tôi tới làm bằng gỗ và thùng phuy kết lại. Theo lời người phụ nữ làm việc trên bè, chi phí đầu tư rất cao: “Tiền tỉ đấy, riêng thùng phuy đã hơn 700 triệu đồng rồi. Bè chứa được khoảng 100 người”. “Dễ chi sập” là câu trả lời của người phụ nữ cho câu hỏi “nếu khách quá đông, liệu có an toàn không?”.

Đi kèm với bè nổi, nhà hàng nổi là nhiều ô lưới nuôi đủ các loại cá, hải sản phục vụ du khách. Xung quanh nhiều bè nổi khác cũng hoạt động tương tự. Mặt vịnh nhan nhản rác thải, bao nylon không ai thu dọn. Nghe chúng tôi hỏi, ở đây đồ thừa thải bỏ ở đâu, một phụ nữ nhân viên của bè đáp tỉnh queo: “Thải hết xuống biển chứ thải ở đâu”. “Còn các loại rác thải sinh hoạt khác?” “Tụi tui tự dọn lấy thôi”.

ô nhiễm thắng cảnh Vũng Rô
Trên bờ thì cấm nhưng dưới vịnh Vũng Rô thì bè nổi, nhà hàng nổi vẫn hoạt động (!). Ảnh: PV

Tất cả các bè nổi, nhà hàng nổi ở vịnh Vũng Rô xây nhà vệ sinh cho khách tiểu tiện, đại tiện ngay xuống biển. Chúng tôi cảm thấy nhợn người khi nghĩ đến cảnh các ô lưới đang nuôi nhốt cá, tôm, hải sản gần các nhà vệ sinh, sau đó bắt lên để phục khách. Không dừng lại ở phục vụ ăn, uống trên bè, các bè nổi ở vịnh Vũng Rô còn phát triển thêm các loại hình vui chơi mới như: Lặn ngắm san hô, câu cá, câu mực đêm, thể thao dưới nước, môtô nước, kéo phao chuối…

Để thu hút khách, chủ các bè nổi còn rầm rộ quảng cáo trên các trang mạng xã hội. Trong khi đó, đến thời điểm này, Bộ VHTT&DL vẫn chưa ban hành văn bản quy định hoạt động của loại hình thể thao biển mạo hiểm này nên các cơ quan quản lý chưa có quy định cụ thể trong việc cấp phép hoạt động kinh doanh loại hình này.

Tình trạng này xảy ra tương tự trên đầm Ô Loan, huyện Tuy An. Tuy số lượng không nhiều như ở vịnh Vũng Rô, nhưng tại đầm Ô Loan cũng mọc nhiều bè, nhà hàng nổi. Trả lời câu hỏi của chúng tôi, bè nổi ở đây có được cấp phép hoạt động không, một chủ bè nổi nói: “Chính quyền cấm mà. Họ không cho làm nữa đâu. Nghe nói đang quy hoạch lại vùng nuôi trồng thủy sản”. Chủ bè nổi này cho biết đã hoạt động được vài năm nay và kinh doanh có đóng thuế.

Ngoài bè nổi, lồng bè nuôi trồng thủy sản ở vịnh Vũng Rô, đầm Ô Loan đang gây áp lực rất lớn đến vệ sinh môi trường nước, hệ sinh thái biển…

“Vấn đề hơi lớn nên phải bàn bạc...”

Vũng Rô ở thời điểm cuối tháng 9 này, có gần 20 bè nổi của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống, đưa đón khách tham quan, du lịch trái phép. Việc kinh doanh này theo hướng tự phát, chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Xử lý trước mắt, chính quyền huyện Đông Hòa vận động các hộ kinh doanh bè nổi tại khu vực Vũng Rô kéo bè vào bờ 50m để đảm bảo an toàn cho chủ bè kinh doanh và du khách tham quan du lịch, tránh tình trạng đưa đón khách từ bờ ra bè không đảm bảo an toàn; đồng thời kiểm tra, xử lý, nghiêm cấm phát sinh các bè mới hoạt động kinh doanh dịch vụ tại khu vực này.

Ông Nguyễn Thành Trí - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên cho biết: “Trong bờ cắm biển cấm đầy mà ngoài vịnh thì họ cứ hoạt động. Mấy lồng bè du lịch ở vịnh Vũng Rô, các đơn vị chức năng có liên quan họp nhiều lắm rồi. Cái đó phải đình chỉ, cấm. Không ai cấp phép cho mấy ca nô đưa đón khách ra bè nổi ăn, uống cả. Họ làm tự phát thôi”.

Tháng 8.2016, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phan Đình Phùng đã ký văn bản, yêu cầu việc kiểm tra, xử lý các nhà bè nổi kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh. Nhưng đã gần 2 năm kể từ ngày ra văn bản trên, chính quyền tỉnh Phú Yên cũng chưa đề ra được giải pháp căn cơ, lâu dài nào để quản lý các bè nổi, nhà hàng nổi. Ông Trần Trung Trực - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị huyện Đông Hòa rà soát lại các bè nổi, nhà hàng nổi để phối hợp xử lý vấn đề xả rác thải xuống vịnh Vũng Rô.

Theo ông Nguyễn Xuân Cảnh - Trưởng phòng Quản lý Vận tải phương tiện và người lái (Sở GTVT tỉnh Phú Yên): “Số ca nô đưa khách ra bè nổi được cấp phép, đăng kiểm rất ít, còn lại bị đình chỉ, xử phạt nhưng vẫn cố gắng... lén lút hoạt động. Một số ca nô mang biển 79 của Khánh Hòa ra vịnh hoạt động”.

Ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: “Việc này tỉnh đang giao các cơ quan rà soát và bàn cụ thể hướng xử lý để tránh mâu thuẫn”. Về “mâu thuẫn ở đây là gì”, ông Thế đáp: “Nội dung này hơi lớn nên chúng tôi đang bàn bạc kỹ để được - mất, tới - lui thế nào, làm rốt ráo luôn chứ không quản lý tạm thời nữa”; rồi thông tin: “Chính tôi là người dẫn đoàn khảo sát thực tế ở vịnh Vũng Rô. Bè nuôi tôm là rõ rồi, nhưng bè du lịch lại là một chuyện khác”.