Hiệu quả xử lý thông tin môi trường qua đường dây nóng

Môi trường - Ngày đăng : 17:24, 28/09/2018

(TN&MT) - Tăng cường tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng sẽ góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế, xử lý kịp thời tình trạng ô nhiễm môi trường.
image001


Ngay từ khi Bộ TN&MT ra chỉ thị Chỉ thị số 03/CT- BTNMT yêu cầu các Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm quy định cụ thể và bố trí cán bộ thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị qua đường dây nóng cấp địa phương; Xử lý, phản hồi thông tin đối với các vấn đề ô nhiễm diễn ra trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT công tác điều hành ứng phó, giải quyết các sự cố của các cơ quan quản lý đã chuyển từ thế bị động sang chủ động; đồng thời nâng cao sự hài lòng của người dân đối với công tác BVMT.

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, quá trình triển khai thực hiện cho thấy, việc vận hành, duy trì đường dây nóng đã tạo bước chuyển biến tích cực về ý thức, trách nhiệm của các địa phương đối với công tác tiếp nhận, xử lý thông tin các vụ việc phản ánh về ô nhiễm môi trường trên địa bàn nói riêng và chú trọng công tác bảo vệ môi trường nói chung. Nhiều địa phương đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực tiếp xuống hiện trường phản ánh để thu thập thông tin, chỉ đạo các đơn vị liên quan vào cuộc nhằm kịp thời xử lý, phản hồi thông tin tới người phản ánh thông tin cũng như báo cáo đến Tổng cục Môi trường. Đến nay, toàn bộ 63/63 địa phương đã cử cán bộ trực, theo dõi, tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường qua đường dây nóng để tiếp nhận thông tin chuyển về từ đường dây nóng của Tổng cục Môi trường hoặc trực tiếp tiếp nhận phản ảnh của người dân, tổ chức về ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Việc vận hành, duy trì liên tục 24/24h của hệ thống đường dây nóng về ô nhiễm môi trường từ trung ương đến địa phương đã nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của các tổ chức, cơ quan, phương tiện thông tin đại chúng và người dân.

Với việc quy định rõ trách nhiệm đối với các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ TN&MT, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chỉ thị 03 đã đã tạo bước chuyển biến trong công tác ứng phó, xử lý ÔNMT, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT từ Trung ương đến địa phương. Vì vậy, từ đó cho đến nay hàng trăm vụ việc vi phạm các quy định về môi trường đã được xử lý.

Tính đến hết ngày 30/6/2018, đường dây nóng của Tổng cục Môi trường đã tiếp nhận tổng số 726 vụ việc phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường, đường dây nóng của Sở TN&MT các địa phương tiếp nhận 109 vụ việc. Hầu hết các vụ việc đều thuộc thẩm quyền xử lý của các địa phương. Theo ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, toàn bộ các thông tin nhận được từ đường dây nóng đều đã được Tổng cục Môi trường chuyển tới đường dây nóng của Sở TN&MT các tỉnh, thành phố để đề nghị xác minh, xử lý, báo cáo Tổng cục và phản hồi cho người cung cấp thông tin.

Trong số vụ việc được tiếp nhận thông qua đường dây nóng của Tổng cục Môi trường có 506 vụ việc gây ô nhiễm môi trường về chất thải khí, chiếm tỷ lệ 70%; có 153 vụ việc gây ô nhiễm môi trường về nước thải, chiếm tỷ lệ 21%; có 63 vụ việc gây ô nhiễm môi trường về chất thải rắn, chiếm tỷ lệ 9%. Đến nay, đã có tổng số 292 vụ việc đã được các địa phương triển khai, xử lý, chiếm tỷ lệ 45%, còn lại 358 vụ việc chưa được xử lý, chiếm tỷ lệ 55%.

Các địa phương có nhiều thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường qua đường dây nóng là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Hải Dương, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai…Trong đó, riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có 259 thông tin phản ánh, kiến nghị qua đường dây nóng, chiếm tỷ lệ 35,8% tổng số các vụ việc phản ánh, kiến nghị trên cả nước. Một số địa phương đã tiến hành xử lý thông tin nhanh, dứt điểm vụ việc theo đúng quy định đó là Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bắc Giang. Các địa phương có tỷ lệ xử lý chậm nhiều là thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nghệ An, Đồng Nai, Nam Định…

Để xử lý các thông tin được phản ánh qua đường dây nóng, hầu hết các địa phương đã giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh/thành phố (Phòng Cảnh sát môi trường) có văn bản đôn đốc và yêu cầu UBND quận, huyện, thị xã xem xét, chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền; đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ gây phát sinh ô nhiễm môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, hướng dẫn biện pháp khắc phục nhưng cố tình không chấp hành, tiếp tục vi phạm, Sở TN&MT, Công an tỉnh/thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra, điều tra, kết luận và xử lý nghiêm đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Một số địa phương đã đưa ra các giải pháp mạnh đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, kéo dài diễn ra như yêu cầu cơ sở gây ô nhiễm phải khẩn trương xử lý dứt điểm việc gây ô nhiễm, đầu tư xây dựng hạng mục xử lý nước thải, chất thải rắn, khí thải…